ClockThứ Sáu, 12/11/2010 05:04

Tôi không có cơ hội để “mần điệu”

TTH - Bác sĩ Bùi Minh Đức, tác giả của “Từ điển Tiếng Huế” xôn xao dư luận mới đây lại tiếp tục gây… xôn xao khi ra mắt cuốn sách thứ 7 viết về Huế:“Dấu tích văn hoá Huế”. Nhân dịp này, Thừa Thiên Huế cuối tuần có cuộc trò chuyện với ông.
Bác sĩ Bùi Minh Đức

Xin được bắt đầu bằng “Từ điển tiếng Huế” từ cách đây gần 10 năm. Điều gì khiến một GS BS rất nổi tiếng trong giới y học thế giới với công trình “Điều trị Nội soi tai” như ông chuyển qua nghiên cứu văn hóa Huế?

Chuyện bắt đầu từ việc mẹ tôi mất thình lình năm 1991 tại TP. Hồ Chí Minh, trong lúc tôi đang khám bệnh tại phòng mạch bên California, Hoa Kỳ. Thương và nhớ mẹ, tôi ghi vội qua nước mắt những từ Huế mà bà thường dùng trên trang giấy trắng. Về sau, khi đã bình tâm đọc lại những trang giấy ấy, tôi chợt nhận ra có nhiều chữ mà mẹ tôi thường dùng đến ngày nay đã mất dấu. Một ý tưởng chợt nảy trong trí tôi là phải ghi lại cho đầy đủ những chữ mà mẹ chúng tôi thường dùng để làm kỷ niệm. Ý tưởng nầy đã phát triển dần dà với thời gian để trở thành quyển “Từ điển tiếng Huế”.
 
Sau “Từ điển tiếng Huế”, lần đầu tiên ra mắt vào năm 2001, đến nay, ông ra liền tù tì một lúc 7 đầu sách về Huế, trong đó có 2 lần tái bản, bổ sung “Từ điển tiếng Huế” từ 500 trang lúc đầu lên 2.000 trang. Có lý do đặc biệt nào để lý giải cho việc viết nhiều sách về Huế như vậy trong một thời gian ngắn không?  
 
Trước hết, ham mê viết văn đã là một thú riêng tư của tôi từ hồi trẻ. Lớn lên, mỗi khi xa Huế, tôi lại cảm thấy thiếu Huế, nhớ Huế. Mỗi khi về lại Huế, chứng kiến những nét đổi thay về văn hóa của Huế xưa, tôi lại thấy mong muốn duy trì các nét Huế xưa cũ đó cho con cháu mình trong tương lai. Lý do nữa là tôi tự cảm thấy đã lớn tuổi, quỹ thời gian không còn nhiều. Tôi lại sợ các bệnh tật thình lình hay bệnh “hay quên” của người già sẽ cướp mất trí nhớ. Nếu tôi không viết nhiều, viết nhanh thì những kỷ niệm, tập tục, những nét văn hóa của Huế mà nhớ được sẽ “đội nón ra đi”.
 
Sách về Huế của ông đều gây được tiếng vang ở trong nước, mặc dù ông chỉ là nhà “nghiên cứu tay ngang”. Vậy còn với cộng đồng người Việt ở hải ngoại, họ đánh giá về sách của ông như thế nào?
 
Ấn bản thứ nhất của quyển “Từ điển tiếng Huế” được in ra lần đầu tiên tại California, Hoa Kỳ năm 2001 và đã được nhiều người trong giới trí thức của cộng đồng tiếp nhận với lời khen ngợi. Họ cho đó là một tác phẩm độc đáo dành cho xứ Huế và cho người Huế, nhất là cho những người Huế xa quê.
 
Tại hội thảo Tây Sơn – Thuận Hóa và Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ –Quang Trung, tổ chức tại Huế 2008 , ông đã có một tham luận giải mã cái chết của Vua Quang Trung dưới góc độ Y khoa. Và, ông đã làm xôn xao giới Sử học khi kết luận vua Quang Trung chết là do viêm phổi sặc. Đó là phút ngẫu hứng hay là một đề tài nghiên cứu dài hơi của ông?
 
Bài nghiên cứu đó không phải do ngẫu hứng mà có. Đó là một đề tài mà tôi đã theo đuổi trên 10 năm. Tôi đã có ý định từ lâu là dùng các hiểu biết y khoa ngày nay để đi ngược thời gian tìm cho ra các điều bí hiểm còn thắc mắc trong sử liệu nước nhà. Tôi cũng đã có ý lấy nhan đề cho đầu sách đó là “Lịch sử nhìn lại dưới góc độ y khoa”. Hiện tại, đầu sách “Nhìn lại lịch sử…” của tôi cũng đã gần hoàn thành.
 
Bạn bè ông trong giới nghiên cứu Huế “đồn” rằng ông có thêm một thú vui khác là sưu tập sách cổ. Ông đã bỏ ra rất nhiều tiền để mua sách của những người ở Huế. Hiện ông đang sở hữu một tủ sách về Huế thuộc loại “đồ sộ”, trong đó có những bộ sách qúy như BAVH nguyên gốc , ông có đến 2 bộ. Thông tin này có chính xác không? 
 
Đúng là tôi rất “thích chơi sách”, thích sưu tập các sách xưa. Hiện, tủ sách gia đình tôi cũng có vài cuốn sách xưa quý hiếm. Chuyện về hai bộ BAVH cũng là thật. Dụng ý của tôi là gìn giữ và bảo quản các sách đó tại xứ Hoa Kỳ tốt hơn là để chúng ở Việt Nam vì sớm muộn gì chúng cũng sẽ bị hư hại do khí hậu ở Huế quá ẩm ướt.
 
Trong cuốn sách viết về Huế mới nhất , cuốn “Dấu tích văn hóa Huế”, ông có viết một bài rất thú vị về “Trai Huế mần điệu” (có thể hiểu là làm dáng). Tôi tò mò muốn biết là trong cuộc sống, một trai Huế, lại ở rất xa Huế như ông có “mần điệu” không ? Và, hiện các con ông, cháu ông , có ai biết “mần điệu” không?
 
Nói chính xác là tôi không biết và không có cơ hội “mần điệu”. Hồi còn trai trẻ ở Việt Nam, không bao giờ tôi làm điệu với ai. Mặc dù là trai Huế nhưng là thứ trai Huế chỉ biết có chuyện học mà thôi. Sau này, khi trở thành bác sĩ hành nghề tại xứ người, tôi chỉ ăn mặc theo đúng vai trò bác sĩ. Bây giờ, có nhiều lúc tôi cũng thấy nuối tiếc cho chính mình... Đến đời các con cháu chúng tôi trong nhà, các cháu gái lớn lên cũng có “mần điệu” đôi chút như các cô gái Huế ở nhà khi mới lớn, nhưng các cháu trai thì lại ăn mặc theo lối Mỹ, và cũng không ăn diện hoặc “mần điệu” gì cho lắm.
 
 
Bác sĩ Bùi Minh Đức sinh năm 1934 tại Huế; cựu học sinh trường Trung học Khải Định, Huế; tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa 1960 (Đại học Y khoa Sài Gòn), Tiến Sĩ Y khoa 1962 (Đại học Y khoa Sài Gòn). Hiện ông đang sống và hành nghề Y tại Mỹ. Từ năm 1992-1994, bác sĩ Bùi Minh Ðức nghiên cứu và báo cáo công trình khảo cứu về mổ nội soi tai tại các hội nghị chuyên ngành ở châu Âu, châu Á. Ông gọi nghiên cứu của mình là "Lối tiếp cận Bùi" (Bùi Approach), một phương pháp điều trị nội soi tai được áp dụng phổ biến trên thế giới.
 
 
Tường Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa di sản Huế ra thế giới

Sự kiện ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế và Global Book Corporation mới đây đã mở ra một chương mới cho việc quảng bá di sản văn hóa Huế tới bạn bè quốc tế.

Đưa di sản Huế ra thế giới
Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô

Chiều 28/3 tại Trường đại học Nghệ Thuật, Đại học Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Chi hội Mỹ Thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp Trường Đại học Nghệ thuật tổ chức lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ VII - Huế 2024.

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Giải thưởng Cống hiến 2024: Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc

Tối ngày 27/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sự kiện lễ trao giải "Cống hiến lần thứ 18" đã diễn ra. Sự kiện do báo Thể thao và Văn hóa phối hợp cùng Truyền hình Thông tấn (VNews) và Công ty TNHH Ngọc Việt Corporation tổ chức nhằm tôn vinh những gương mặt xuất sắc nhất trong lĩnh vực thể thao và âm nhạc Việt Nam.

Giải thưởng Cống hiến 2024 Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc
Đưa di sản đến gần hơn với công chúng

Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thực hiện nhiều chương trình nhằm đưa giá trị của Quần thể di tích Huế đến gần hơn với công chúng bằng các hình thức khác nhau.

Đưa di sản đến gần hơn với công chúng
Return to top