ClockChủ Nhật, 05/04/2015 11:28

Tội lỗi

TTH - Tong teo, nhỏ thó, bé gái đứng chỉ cao hơn mặt chiếc bàn dành cho bị hại một chút. Tòa hỏi “Cháu nhớ sự việc xảy ra như thế nào, kể lại được không?” Đứa trẻ hoảng hốt lắc đầu: “Cháu không nhớ. Không kể được đâu”. Mẹ bị hại vội quàng tay ôm con: “Điều đó chỉ là ác mộng. Không có thật..”. Đứa trẻ thảng thốt nép vào mẹ. Người cha bất giác co người lại. Bị cáo cúi gằm…  

Ngày 7/7/2014, Nguyễn Văn Liều (người dân tộc Pa Cô, trú tại xã Hồng Kim, huyện A Lưới) thấy cháu N.T.Đ (9 tuổi) đang chăn bò một mình ven đường vắng, nảy sinh ý đồ đen tối và sau đó thực hiện hành vi xâm hại đứa trẻ. Liều bị TAND tỉnh Thừa Thiên Huế xét xử về tội “hiếp dâm trẻ em”.

 
Nỗi đau bị hại
Hơn 7 giờ sáng, người đàn ông chừng 40 tuổi điều khiển chiếc xe máy lấm lem bụi đường từ xã Hồng Kim, chở vợ và đứa con gái nhỏ dừng trước cổng trụ sở tòa án. Cẩn thận lôi mảnh giấy triệu tập xem lại địa chỉ nơi diễn ra phiên tòa, người đàn ông dẫn vợ con tìm vào phòng xét xử. Đó là gia đình bị hại. Đứa trẻ ngồi trong cùng, sau chiếc bàn dài, được mẹ dúi vào tay chiếc bánh mì. Nó uể oải cắn vài miếng lấy lệ rồi gục mặt lên bàn, dặt dẹo ngủ. Người mẹ phân trần, chặng đường xa quá, lại rừng núi đèo dốc ngoằn ngoèo nên vợ chồng chị phải đánh thức con từ lúc chưa đến 4 giờ sáng, không kịp ăn uống gì. Sau chặng đường mệt, say xe nên con bé cũng chẳng thiết ăn. “Từ khi bị hại, sức khỏe và tinh thần con tôi sa sút nghiêm trọng. Đêm này qua đêm khác, nó ú ớ la hét, vùng vẫy và ngồi bật dậy nức nở. Ôm con, mẹ khóc. Con khóc. Tôi vừa dỗ dành, an ủi con, cũng là tự trấn an mình, điều đó chỉ là ác mộng. Không có thật… Nhưng đó lại là sự thật khủng khiếp. Tôi tự trách mình làm mẹ sao không bảo vệ được con. Thời gian dài sau đó, tôi bỏ công việc nương rẫy để ở cạnh con. Con đi học hay đi đâu đều do tôi đưa đi đón về. Con tôi vẫn còn hoảng hốt, sợ tiếp xúc với người khác” người mẹ đau đớn kể. Mặt chị tái nhợt uất ức khi nhìn qua phía bị cáo đang ngồi cúi gằm, mắt cắm vào đôi bàn tay trong chiếc còng. Cha nạn nhân ngồi như bức tượng, ôm mặt bằng hai bàn tay đen đúa chai sần. “Chồng tôi chỉ quen cầm cái rìu cái cuốc phát nương làm rẫy. Vui khi con có cái ăn cái mặc, đi học. Lo khi mất mùa. Đâu ngờ có cái buồn, lo đau như thế này…”, mẹ nạn nhân buồn rầu, như đang nói với chính mình.
 
Ân hận muộn màng
Bị cáo khai nhận hành vi phạm tội. Tòa hỏi: “Bị cáo thấy hành vi của mình là sai không?”. Liều: “Bị cáo sai. Sai rồi. Bị cáo xin lỗi.” Tòa lại hỏi: “Bị cáo suy nghĩ như thế nào mà làm như vậy?” Im lặng một lúc, ánh mắt đầy nỗi ngượng ngùng xen ân hận. Đang trả lời thẩm vấn bằng tiếng Kinh, bị cáo líu ríu nói bằng tiếng dân tộc Pa Cô. Người phiên dịch dịch: “Bị cáo nói tôi không hiểu sao lại làm như vậy. Tôi làm điều xấu. Buồn lắm…”. Tòa quay qua hỏi bị hại: “Cháu nhớ sự việc xảy ra như thế nào, kể lại được không?”. Đứa trẻ hoảng hốt lắc đầu: “Cháu không nhớ. Không kể được đâu”. Mẹ bị hại vội quàng tay ôm con, lặp lại những lời hàng đêm chị trấn an con và tự trấn an mình: “Điều đó chỉ là ác mộng. Không có thật…”. Đứa trẻ thảng thốt nép vào mẹ. Người cha bất giác co người lại. Bị cáo cúi gằm...
Vị đại diện Viện kiểm sát đề nghị tòa xử bị cáo từ 13 đến 14 năm tù. Bàn tay này của bị cáo giữ chặt bàn tay kia, như điều đó có thể kìm lại cơn run. Tòa hỏi cha mẹ bị hại yêu cầu tòa xử bị cáo như thế nào? Có ý kiến gì về phần bồi thường? Mẹ bị hại rành rọt: “Cứ nghĩ đến đứa con nhỏ bị hại, tâm thần hoảng loạn, vợ chồng tôi quyết định đến công an tố cáo. Chúng tôi làm như vậy là ngăn chặn, không để cháu nhỏ nào trở thành nạn nhân tiếp theo như con tôi. Việc cần làm chúng tôi đã làm rồi, bây giờ xét xử thế nào là theo quy định của pháp luật. Nhà bị cáo cũng nghèo khổ lắm, bốn đứa con, có đứa còn rất nhỏ, nhiều bữa không đủ ăn, nên gia đình tôi không yêu cầu bồi thường…” Bị cáo lại ngượng ngùng cúi mặt.
Giờ tòa nghị án, bị cáo ngồi trơ trọi. Người thân chẳng có một ai. Hỏi sao vợ không đến phiên tòa, bị cáo lí nhí: “Đường xa quá, nhà tôi nghèo không có xe máy, vợ con chẳng biết làm sao đi”. Hỏi quá trình bị tạm giam có lần nào vợ con đến trại thăm? Bị cáo nặng nhọc lắc đầu. Có lẽ người đàn ông lỗi lầm đang nghĩ đến cảnh vợ con nheo nhóc, phải “gánh” thêm tiếng có chồng, cha làm việc xấu…
Tòa tuyên án, phạt Liều 13 năm tù. Hai cánh tay bị cáo thõng xuống. Nhưng cha mẹ bị hại không vì thế mà nhẹ lòng: “Bị cáo làm hại con tôi, tôi rất giận. Nhưng Liều phải ngồi tù 13 năm, tôi lại thấy thương hại. Gia cảnh đã nghèo đói, nay Liều đi tù, vợ con anh ta càng khổ hơn. Nhưng việc làm của Liều đáng bị trừng phạt. Anh ta phải chịu, phải cố gắng mà cải tạo để trở lại làm người tốt… ”. Bị cáo len lén nhìn gia đình người bị hại bằng ánh mắt đầy nỗi ngượng ngùng, ân hận. Như lúc anh ta trả lời tòa “Tôi không hiểu sao lại làm như vậy. Tôi làm điều xấu. Buồn lắm…”. Tuy nhiên, tất cả quá muộn màng. Lặng lẽ đưa hai bàn tay để chiếc còng khóa lại, bị cáo lủi thủi lê bước theo công an ra xe tù. Cửa xe nhanh chóng sập đóng, rời khuôn viên tòa án. Không có cảnh người thân dáo dác chạy theo...
Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động
Return to top