ClockThứ Sáu, 16/07/2010 11:04

“Tôi luôn mong muốn làm được một điều gì đó cho Huế...”

TTH - Bạn bè thân thiết thường nói về ông rằng: "Trong đời có thể người ta cho bạc tỉ nhưng chưa có ai đem tri thức ra làm từ thiện như mi". Từ vài năm trở lại đây, năm nào Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Phước Thiện - một người con của Huế hiện đang sinh sống và giảng dạy tại Tp. Hồ Chí Minh - cũng về Huế để truyền thụ lại những kiến thức và công nghệ mới cho đội ngũ KTS trẻ của Huế.
Không dừng lại ở đó, ông còn một mong muốn cháy bỏng là phục dựng Hoàng thành Huế bằng công nghệ mới nhất của thế giới hiện nay - công nghệ BIM (Building Information Modeling) kết hợp khuynh hướng Real-Time (thời gian thực). Bằng công nghệ này, người xem có thể ngồi trước máy tính và đi thăm mọi ngõ ngách của Hoàng thành với những hình ảnh sống động như thật…
 
Trong một lần về Huế gần đây nhất, ông đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện cởi mở về mong muốn "làm một điều gì cho Huế" mà ông đã ấp ủ từ lâu.
 
Nói về ý tưởng phục dựng lại Hoàng thành, ông bảo:
 
KTS Nguyễn Phước Thiện
Tôi quan niệm di sản không phải là cái để trưng trong tủ mà phải coi di sản là cái mình đem ra để mọi người chiêm ngưỡng và tự nó có thể nuôi nó được, tự nó có giá trị rất lớn không chỉ về mặt tinh thần mà cả về mặt kinh tế. Do đó bảo tồn và phát huy di sản phải đi đôi với nhau. Mà đã là phát huy thì phải làm sao cho nhiều người biết.
 
Cần nghĩ rằng phục dựng Hoàng thành để làm gì và nếu làm thì làm theo công nghệ, phương pháp nào để tác động đến kinh tế - xã hội? Một trong những công cụ quan trọng nhất của thời đại chúng ta đang sống là công nghệ thông tin. Cách đây 3 năm, tôi đã gặp một người bạn Mỹ, và nhờ ông, tôi đã biết được công nghệ BIM (Building Information Modeling) - công nghệ mới nhất của thế giới bây giờ về ngành xây dựng và đang tác động rất lớn đến ngành thiết kế xây dựng trên thế giới. Ngay từ lúc đó, tôi đã biết rằng công nghệ mới này sẽ rất hữu ích trong việc phục dựng lại Hoàng thành Huế.
 
Cụ thể là công nghệ BIM có ưu điểm gì, thưa ông?
 
Hiện nay khi lên website trên mạng thì có được bao nhiêu hình ảnh về Hoàng thành? Và đó cũng chỉ là những hình ảnh hoàn hoàn tĩnh, cho sao coi vậy.
Câu hỏi của tôi ở đây là :Vì sao con nít lại mê chơi game và nhiều người lớn cũng chết mê game? Vì người ta làm chủ, tương tác được với máy tính và bắt máy tính phải theo người ta. Thì với công nghệ BIM, điều đó sẽ thực hiện được.
 
Có thể hình dung thế này, anh tới muốn Huế, muốn vô Đại Nội thì anh sẽ qua cổng Ngọ Môn, rồi anh thích quẹo bên trái thì quẹo bên trái, sang phải thì sang phải, anh thăm điện Thái Hoà chưa chán thì vợ con kêu anh đi ra. Mai anh click chuột vô lại, anh bỏ qua điện Thái Hoà, vô điện Cần Chánh coi Tả vu, Hữu vu, thích tới đâu thì chỉ việc click vào là mọi hình ảnh sống động của Hoàng thành sẽ hiện ra trước mắt.
 
Nếu muốn phát triển nữa như muốn nói về văn hoá Huế, món ăn cung đình thì mình chỉ việc đi vào chỗ ngày xưa bà Từ Cung ngồi ăn thì click vào là sẽ thấy giới thiệu món ăn cung đình, công thức nấu ngay, hoàn toàn trực quan, cái này không mất công nhiều bởi tất cả sách vở có rồi, mình chỉ cập nhật lên thì tại sao không làm? Nếu mình có chương trình phục dựng lại như thế thì người ta có thích hay không? Và như vậy, khách từ xa họ thấy đẹp như thế thì có phải là một cách quảng cáo cho du lịch Huế hay không?
 
Trong vấn đề này, đừng nghĩ chỉ có Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế mà các công ty du lịch cũng phải có trách nhiệm trong việc đó, xúc tiến nó lên vì nó sẽ làm tăng thêm GDP cho thành phố.
 
Vậy với công nghệ này, mình có thể thu tiền theo cách nào?
 
Thí dụ chị thấy món ăn ngon, vậy công thức nấu ăn như thế nào? Chỉ cần bấm vô, trả tiền thì sẽ đưa công thức cho mình nấu. Tức tiền phải trả khi truy cập website của mình. Ví dụ tôi muốn nghe điệu nhạc cung đình xưa đúng nguyên bản của nó, ai là người bảo lưu? Chỉ có website này là đảm bảo thôi, tôi bấm vào, tôi trả tiền tôi mới nghe được nhạc. Như vậy không chỉ trực tiếp quảng cáo mà còn trực tiếp kinh doanh. Công nghệ thông tin có những lợi thế kinh khủng và có tính phổ cập cho tất cả mọi người không còn biên giới nữa. Đơn cử một chuyện khác trong lĩnh vực giáo dục, chẳng hạn như một giờ học lịch sử thời Nguyễn mà vừa thuyết minh và đưa cho xem những hình ảnh thực như thế thì sẽ sinh động vô cùng chứ không chán nản như những giờ học lịch sử hiện nay. Mình mất một số tiền nhưng thu lại điều lợi mà không phải là một điều lợi mà một ngàn điều lợi, nếu mình biết cách.
 
Ông có thể cho biết công nghệ BIM khác với công nghệ phục dựng 3D mà Hàn Quốc đã giúp Huế để phục dựng Hoàng thành ở điểm gì?
 
Công nghệ 3D của họ làm, theo tôi biết, có 2 dạng: dạng thứ nhất là người xem chỉ ngồi xem phim và không tương tác được gì với nó. Dạng thứ hai là có thể tương tác nhưng ở mức độ thấp, tức là khi mình tương tác với nó thì có một số hạn chế. Thứ ba là thông tin mình đưa ra tương tác thì rất khó có thể thực hiện được nếu người đưa công nghệ đó ra không cung cấp nguồn (mãnguồn). Còn đối với công nghệ mà tôi biết được thì khi tôi chuyển giao lại, các bạn hoàn toàn có thể cập nhật thường xuyên để phù hợp với xu hướng và yêu cầu đặt ra.
 
Tôi biết trong mảng công nghệ thông tin có những chuyện như thế này: trước khi muốn mình mua một sản phẩm thì họ làm marketing, “anh muốn thế này hả, tôi làm thử anh coi nghe”, khi mình thấy thích rồi thì chạy qua hỏi mua. Họ sẽ nói cái này đắt tiền lắm anh phải mua đi, tôi không thể cho không, đó là nguyên lý làm ăn của ngành công nghệ thông tin bây giờ. Còn tôi sẵn sàng giao luôn cả công nghệ, tập huấn miễn phí để sau đó các bạn KTS của Huế có thể tự làm. Bằng chứng là tôi đang dạy công nghệ BIM và khuynh hướng Real-time cho các bạn KTS đã ra trường của Huế…
 
Để có thể triển khai được việc phục dựng Hoàng thành Huế bằng công nghệ mới BIM thì theo ông sẽ phải chuẩn bị những gì?
 
Phải có sự chuẩn bị về nhân lực. Đội ngũ này không phải là mình đem họ đi học, mà vẫn để họ hành nghề KTS đồng thời tập cho họ làm quen công nghệ BIM này trước. Đến khi họ thành thạo rồi thì Huế nên đem những hợp đồng thiết kế, cải tạo phục hồi di tích để cho những người đã thành thạo với công nghệ này và phải là người Huế, có tâm hồn Huế làm, và một khi đã làm thì họ sẽ yêu quê hương hơn. Theo tôi, Huế đủ trình độ về khoa học để làm và làm dư sức. Vấn đề là phải tạo cơ hội cho người ta thử thách và chứng minh.
 
Tôi luôn đau đáu một nỗi là tôi chưa làm gì được cho Huế, cho nơi sinh ra tôi và đây là một điều tôi làm cho Huế.
 
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này và mong những dự định của ông về Huế sẽ có điều kiện trở thành hiện thực.
                                                                       
                        Ngọc Hà (thực hiện)
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Return to top