ClockThứ Sáu, 14/03/2014 11:14

“Tôi muốn kể những câu chuyện cổ tích có thật cho con cháu chúng ta”

TTH - Trong khi khán giả Huế hồi hộp theo dõi diễn biến của bộ phim truyền hình “Huế mùa mai đỏ” trên kênh TRT thì đạo diễn, NSƯT Trần Vịnh cùng đồng nghiệp đang khẩn trương xúc tiến công việc chuẩn bị cho phần tiếp theo của bộ phim. Ông đã có cuộc trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần nhân chuyến công tác đến Huế.

“Huế mùa mai đỏ” để lại dấu ấn gì cho ông?

Ðài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) đầu tư cho “Huế mùa mai đỏ” hơn 11,3 tỷ đồng (trung bình mỗi tập phim được đầu tư 453 triệu đồng) và được xem là mức đầu tư cao nhất từ trước đến nay. Đây cũng là bộ phim lần đầu sử dụng kỹ thuật quay flying-cam (quay phim bằng máy bay mô hình) cho phim truyền hình đề tài chiến tranh cách mạng. Súng đạn, xe tăng, máy bay, xe lội nước... đều được huy động để có được những cảnh quay sống động. Đặc biệt, những cảnh cháy nổ trong phim không dùng kỹ xảo, phim sử dụng 300kg thuốc nổ, 4.000 viên đạn mã tử và đạn AK, B41, cao xạ, cối 82 thật

Với tất cả nỗ lực, chúng tôi cố gắng tạo nên tính chân thực và hoành tráng cho những cảnh chiến trận trong “Huế mùa mai đỏ”. Mức đầu tư lớn cũng là một động lực cho những người làm phim, song nếu không có sự giúp đỡ của lực lượng vũ trang và người dân Huế thì khó lòng có một “Huế mùa mai đỏ” quy mô như khán giả đang xem. Tuy là bộ phim đề tài chiến tranh nhưng chiến tranh chỉ là nền, điều tôi muốn nói đến là lòng dân và số phận con người. Từng là nghệ sĩ - chiến sĩ của Quân khu Trị Thiên Huế năm 1968, tôi thấu hiểu và dành nhiều tâm huyết cho “Huế mùa mai đỏ”.

Tại sao ông chọn lồng tiếng Huế cho bộ phim trong khi đối tượng xem đầu tiên lại là người dân TP Hồ Chí Minh?

Làm phim ở đâu, chúng tôi đều muốn ghi lại dấu ấn đặc thù nơi ấy, đó cũng là lý do tôi quyết định lồng tiếng Huế cho “Huế mùa mai đỏ”. Tìm ra người nói tiếng Huế chuẩn đã khó, song để khán giả nghe và hiểu được càng khó hơn. Vì vậy, chúng tôi chọn người lồng tiếng phát âm một cách trung dung (thậm chí phải giảm bớt các tiếng đệm địa phương) để phục vụ tất cả các lớp đối tượng, tính cả phương án sau này phim được phát trên sóng truyền hình quốc gia.

Đạo diễn Trần Vịnh trong một cảnh quay "Huế mùa mai đỏ"

Ông đã chuẩn bị như thế nào cho phần tiếp theo của “Huế mùa mai đỏ”?

“Huế mùa mai đỏ” được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn quân đội Xuân Thiều từng được trao giải thưởng Bộ Quốc phòng, giải thưởng Hội Nhà văn năm 1995 và là một trong những tác phẩm đoạt Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001. Hãng phim Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị khá công phu và khoa học. Từ gợi ý của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, hai cuộc hội thảo được tổ chức bàn về tác phẩm văn học cũng như kịch bản phim.

Từ gợi ý của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi đã lên ý tưởng và chuẩn bị cho phần tiếp theo có tên gọi “Nhìn thẳng kinh thành Huế”. Phim gồm 30 tập với sự tham gia viết kịch bản của đại tá - nhà văn Chu Lai, đại tá - nhà văn Hà Đình Cẩn. Phần này có nội dung hoàn toàn mới dựa vào hồi ký, sách đã in, người thật việc thật... Chúng tôi vào Huế tìm tư liệu, phỏng vấn nhân chứng và thu được rất nhiều thông tin hay. Phần phim tiếp theo đầy thử thách và khó khăn nhưng chắc chắn sẽ hay và hấp dẫn hơn. Ê kíp làm việc phấn đấu hoàn thành đề cương tác phẩm tháng 4/2014, tháng 9/2014 sẽ bấm máy, dự kiến ngày 27/7/2015, “Nhìn thẳng kinh thành Huế” sẽ phát sóng những tập đầu tiên.

Đề tài phim chiến tranh được cho là khó, khô và khổ. Tại sao ông lại gắn bó với mảng phim này mấy mươi năm qua?

Làm phim chiến tranh đúng là vất vả và khó gấp nghìn lần so với những phim khác. Tôi là người đi qua chiến tranh, nếm trải bao cung bậc cảm xúc chiến trận, chứng kiến những đồng đội ngã xuống khi còn rất trẻ. Tôi xem mình mắc nợ những người đã nằm xuống: nợ họ khát vọng, nợ họ tuổi thanh xuân… Nếu không có thời gian tham gia ở chiến trường Trị Thiên Huế thì sẽ không có một đạo diễn phim chiến tranh cách mạng Trần Vịnh như hôm nay.

Chúng ta không được phép quên bao lớp người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc và cần giáo dục đạo đức, truyền thống cách mạng cho lớp trẻ. Tôi muốn kể những câu chuyện cổ tích có thật cho con cháu chúng ta nghe để chúng hiểu vì sao trong cảnh thiếu thốn, gian khổ, tính mạng treo sợi tóc, dân tộc ta vẫn làm nên những chiến thắng lẫy lừng. Với bạn bè, tôi thường bảo rằng, mình làm phim để người còn sống chiêm nghiệm, nhìn lại xem họ có còn trung thành với lý tưởng và con đường mình đã chọn.

Trong 70 bộ phim về đề tài chiến tranh của ông, bộ phim nào ông thấy hay nhất?

Sau khi hoàn tất công đoạn làm phim, tôi vẫn thường luyến tiếc và ước mong: giá như được làm lại tôi sẽ bắt đầu như thế này, thế kia. Vì thế, với tôi, phim hay là phim tôi chưa làm. Tôi chỉ là người lấy cần cù bù thông minh. Trong điều kiện kinh phí có hạn, áp lực tai nạn cháy nổ hiện trường và nhiều thứ khác chi phối thì thì làm phim chiến tranh với tôi luôn là thử thách.

Xin cảm ơn ông!
Tuệ Ninh (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Return to top