ClockThứ Năm, 02/09/2010 11:41

“Tôi muốn lớp trẻ được đọc và hiểu về cội nguồn”

TTH - Từng dịch nhiều công trình nghiên cứu của L. Cadière, đầu tháng 9 này, dịch giả Đỗ Trinh Huệ sẽ tiếp tục ra mắt bạn đọc ba tập sách (1.000 trang theo nguyên tác) với tựa đề: Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt do NXB Thuận Hóa ấn hành. Đây là tập hợp những bài viết đặc sắc trong số  250 bài và công trình nghiên cứu của L. Cadière, chủ bút tập sách Đô Thành Hiếu Cổ (Những người bạn Cố Đô Huế). Báo Thừa Thiên Huế đã có cuộc trò chuyện với ông.
Dịch giả Đỗ Trinh Huệ

Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt có 19 chương, gồm các phần: Nghiên cứu về tôn giáo, tín ngưỡng; Gia đình và Đạo giáo của người Việt; Lăng tẩm vua chúa kể cả mộ phần thứ dân; ngoài ra còn một số chương mục bàn về tập tục và ngạn ngữ dân gian, đặc biệt về vũ trụ luận và nhân sinh quan người Việt qua ngôn ngữ... Dịch giả Đỗ Trinh Huệ đã làm việc cật lực suốt một năm liền để hoàn thành tập sách. Có lúc ông dịch đến sáng. Thậm chí cả lúc đi xa, ông cũng mang theo chiếc máy tính để có thể làm việc lúc rảnh rỗi.

Điều gì khiến ông gắn bó với các bài viết của L.Cadière?
 
Tôi tiếp cận những bài viết, công trình (tạm gọi là bài viết-BV) của L. Cadière từ lâu và bị hấp dẫn bởi những thông tin thú vị về văn hóa, dân tộc học. Năm 1997, tôi dịch Tế Nam Giao và in sách song ngữ Pháp - Việt. Năm 2000, lúc còn giảng dạy ở Trường ĐH Sư phạm Huế, tôi thực hiện đề tài cấp Bộ Nghiên cứu cách tiếp cận của L. Cadière với văn hóa Việt Nam và  tôi ra quyển Vănhóa tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam. Quyển này được đông đảo bạn đọc đón nhận, sau phải tái bản thêm 1.000 cuốn. Ba tập sách tiếp theo là bản dịch thứ 5 của tôi, hy vọng sẽ kịp ra mắt tại hội thảo Thân thế và sự nghiệp của L. Cadière tại Huế vào tháng 9 này.
 
Nhiều dịch giả cho rằng, giỏi tiếng Pháp chưa chắc đã dịch đuợc những BV của L. Cadière ?
 
Đúng như vậy. Tôi đã nỗ lực hết mình mong truyền đạt đúng, đủ ý nghĩa những bài viết của L. Cadière. Dịch BV của ông phải am tường văn hóa Việt Nam, biết một ít thuật ngữ Latinh, Hy Lạp vì nhiều ý niệm, trích dẫn, L. Cadière dùng nguyên bản bằng Latinh hay Hy Lạp mà không dịch ra tiếng Pháp. Biết thêm chữ Nho thì càng hữu ích. Chẳng hạn, trong bài viết về hệ thống Ngự Hà ở Kinh thành, nếu không tìm hiểu thực địa hoặc không tìm đọc những chú thích bằng chữ Nho thì sẽ vội vã dịch theo tiếng Pháp Porte desEaux là Thủy Môn thay vì Thủy Quan. Một số bài, ông thể hiện tiếng Pháp theo cách nói và tâm tư người Việt.
 
Đọc công trình của ông, tôi thấy bóng dáng ông bà mình, cha mẹ mình, nguồn cội mình với tất cả vẻ đẹp nguyên sơ. Trong lúc dịch, tôi chợt nhớ đến câu nói của Phạm Quỳnh đại ý: Văn hóa Tây phương có thể làm cho văn hóa Việt Nam giàu thêm mà thôi chứ không thể thay thế được. Nếu đánh mất văn hóa, nghĩa là đánh mất linh hồn mình.
 
Ông thấy cách tiếp cận và thể hiện L. Cadière có điểm gì đặc biệt so với các nhà nghiên cứu khác?
 
Ngày trước, dù còn nhiều khó khăn nhưng ông đi bộ, quan sát vẽ, ghi chép tỉ mỉ... từng địa danh, phong tục. Trong bài nghiên cứu về việc thờ cây thờ đá, ông đã minh hoạ với trên 50 hình ảnh thực địa, có ghi rõ địa danh và cách bài trí. Rất ít người được như L. Cadière, ông tiếp cận văn hóa Việt Nam với sự tôn trọng, thiện cảm. Ngay những tập tục mà người Tây phương khó lòng chấp nhận, L. Cadière không chê bai mà tìm nguyên nhân, nhìn nhận vấn đề rồi kết luận: Cũng do từ tâm mà ra cả. Có ý thức về văn hóa đúng đắn mới hiểu và nhìn được như vậy. Cái hay của ông là tránh được sự đụng chạm trong khác biệt văn hóa. Nếu rơi vào kích điểm này, dễ nảy sinh nhiều tranh cãi vô cùng. Những BV của ông phần lớn là được trình bày trước một cử tọa Pháp thoại như biện minh, để người nước ngoài tránh cái nhìn lệch lạc về văn hóa Việt. Bao trùm trong các BV của ông là tinh thần: Nếu chưa hiểu thì đừng vội bài xích.
 
Ông kỳ vọng gì ở người đọc?
 
Tôi muốn lớp trẻ được đọc và hiểu về cội nguồn. Văn hóa thường biến động và ngày càng thăng hoa. Giới trẻ nên chọn cho mình một hướng đi như thế nào để không lệch khỏi quỹ đạo văn hóa dân tộc. Tập sách là công trình lớn của L. Cadière, tôi chỉ làm công việc nhỏ bé là giúp người đọc tiếp cận nó một cách thuận tiện hơn. Làm văn hóa nên hết mình, tôi không đặt nặng vấn đề thành công hiện thời, cũng như L. Cadière đã dè dặt chưa nghĩ những luận cứ của mình đã hoàn toàn xác thực, còn đợi người sau bổ khuyết.
 
Tuệ Ninh (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống

Đối với cư dân Đông Nam Á nói chung, gắn với đời sống sông nước và truyền thống nông nghiệp lúa nước, lễ hội đua thuyền là một sinh hoạt văn hóa phổ biến, có lịch sử lâu đời, được thực hiện với mục đích chính là cầu ngư, cầu mưa, cầu an và thể hiện tinh thần thượng võ, vui chơi giải trí.

Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống
Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam

Đông đảo người dự lễ hội điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) đã tham gia lễ rước bộ từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo (352 Chi Lăng, TP. Huế) lên Nghinh Lương Đình trước khi xuống thuyền để di chuyển lên điện.

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam
Khai thác triệt để các giá trị dữ liệu để xây dựng địa chí làng

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ sáng 9/4 tại buổi làm việc với các cơ quan, địa phương về việc triển khai thực hiện Thông báo kết luận 552-TB/TU ngày 11/12/2023 xây dựng lịch sử làng thông qua việc xây dựng địa chí làng.

Khai thác triệt để các giá trị dữ liệu để xây dựng địa chí làng
Return to top