ClockThứ Năm, 10/10/2013 05:26

Tôn vinh doanh nhân

TTH - Xưa ở nước ta có câu “Sĩ nông công thương”. Thương là thương gia, là doanh nhân chỉ đứng sau chót, không được xã hội coi trọng. Vậy nên mới có chuyện các thương gia thành công, có nhiều tiền của đều cố đầu tư cho con học đi thi để được gia nhập vào tầng lớp “sĩ” (quan lại, sĩ phu...), hoặc đem tiền trở về quê mua thật nhiều ruộng đất, bắt đầu một quá trình tự “nông dân hóa” để gia nhập trở lại vào tầng lớp “nông”. Một thời, cũng mới đây thôi, doanh nhân không được công nhận trong xã hội.

Đất nước đổi mới. Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân ra đời mở đường cho các doanh nghiệp tư nhân và cùng với đó là sự hồi sinh, phát triển của tầng lớp doanh nhân Việt Nam. Và điều gì đến cũng đã đến. Ngày 20/9/2004, Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định về việc lấy ngày 13/10 hằng năm là ngày Doanh nhân Việt Nam. Việc tổ chức ngày Doanh nhân Việt Nam được xác định phải “thiết thực, tiết kiệm, có hiệu quả, tránh hình thức” và phải đảm bảo các yêu cầu: Biểu dương khen thưởng bằng các biện pháp thích hợp đối với những doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh giỏi, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, cũng khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp.

Hằng năm, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, cả nước có nhiều hoạt động thiết thực. Riêng Thừa Thiên Huế, đáng chú ý là việc công nhận và biểu dương những doanh nghiệp xuất sắc. Năm 2012, toàn tỉnh có 38 tập thể được UBND tỉnh công nhận doanh nghiệp xuất sắc. Dự kiến năm 2013 này sẽ có 27 doanh nghiệp. Doanh nghiệp xuất sắc được đánh giá qua nhiều khía cạnh khác nhau: Doanh nghiệp xuất sắc toàn diện; doanh nghiệp có nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực xã hội, công ích; doanh nghiệp đóng góp tích cực trong lĩnh vực nộp ngân sách tỉnh; doanh nghiệp có doanh thu tốt; doanh nghiệp hoạt động tốt trong lĩnh vực du lịch. Kinh tế địa phương vẫn còn trong tình trạng kém phát triển, doanh nghiệp và doanh nhân chưa nhiều, số nổi bật thực sự ăn nên làm ra lại càng hiếm hoi. Trong bối cảnh đó, kịp thời động viên, biểu dương các doanh nghiệp và doanh nhân là việc làm cần thiết.

Doanh nghiệp là hạt nhân phát triển kinh tế của đất nước, của địa phương. Doanh nhân được hiểu là những người có vị trí trong một doanh nghiệp và làm công việc quản trị trong doanh nghiệp. Vai trò chính của doanh nhân là xây dựng các doanh nghiệp, vận hành, phát triển chúng để làm ra hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Doanh nhân phải làm ra lợi nhuận và phải biết đóng góp cho xã hội. Đó là những yêu cầu không dễ. Bởi thế, doanh nhân còn là những người có được những năng khiếu đặc biệt về kinh doanh, có kỹ năng đặc biệt về kinh doanh và các kinh nghiệm phong phú để ứng dụng trong kinh doanh. Doanh nhân phải là người có năng lực quản lý, quản trị hơn hẳn những người khác. Xem trọng và tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, vì thế là cách động viên, cổ súy tinh thần lao động, sáng tạo những tổ chức và con người đang bằng sự năng động, thông minh và sự lao động bền bỉ đang hàng ngày hàng giờ làm ra nhiều của cải cho xã hội.

(viết nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10)
Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top