ClockThứ Bảy, 02/09/2017 14:46

Tổng Kế Mỹ một thời hoài niệm

TTH - Huyện thì to và nhiều cách trở, như huyện Phú Vang có cả đồng bằng, đầm phá và ven biển. Còn làng thì nhỏ, chẳng hạn như xã Vinh Xuân nay có đến 6 làng.

Tháp Mỹ Khánh (Phú Diên). Ảnh: TL

1. Làng ở vùng biển Phú Vang xuất hiện khá sớm. Ví như các làng Hà Thanh (Vinh Thanh), Khánh Mỹ, Tân Sa (Vinh Xuân)… đã thấy có từ thời chúa Nguyễn. Thế nhưng, mãi đến triều vua Minh Mạng, sau khi đổi dinh Quảng Đức thành phủ Thừa Thiên, lần đầu tiên ở vùng biển Phú Vang mới có một tổng được thành lập, tên gọi là Kế Mỹ, tồn tại cho đến Cách mạng tháng Tám 1945. Thời thuộc Pháp, tổng Kế Mỹ có đến 16 làng.

Huyện thì to và nhiều cách trở, như huyện Phú Vang có cả đồng bằng, đầm phá và ven biển. Còn làng thì nhỏ, chẳng hạn như xã Vinh Xuân nay có đến 6 làng. Vậy nên với quy mô vừa phải, mang tính vùng miền, cấp tổng là địa bàn thuận lợi trong việc chỉ đạo phong trào cách mạng giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám. Đầu năm 1938, Đảng bộ Phú Vang được thành lập. Toàn huyện 3 chi bộ thì ở tổng Kế Mỹ có một chi bộ do đồng chí Trương Luyện làm Bí thư. Gọi tên là Hà Thanh, nhưng đó thực chất đây là một chi bộ ghép, phụ trách lãnh đạo phong trào cách mạng còn non trẻ của cả tổng Kế Mỹ.

Giữa tháng 6/1945, Việt Minh huyện Phú Vang được thành lập, lấy bí danh là Việt Minh Thuận Tú (tên ghép của Thuận An và Thủy Tú). Cùng thời điểm, Việt Minh lần lượt cũng được thành lập ở tổng Kế Mỹ và các làng trong tổng. Công tác chuẩn bị được tiến hành gấp rút cho khởi nghĩa giành chính quyền. Nhân dân các làng đáp ứng lời kêu gọi của Việt Minh đã góp gạo ủng hộ, vận động gia đình địa chủ, phú nông cho Việt Minh vay thêm gạo, đi vay lúa nhà giàu, lúa của làng để nuôi lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa. Bà con tổng Kế Mỹ còn tích cực tham gia vào các tổ chức cứu quốc, đặc biệt trong đó có cả những địa chủ, phú nông, hương lý tiến bộ.

2. Khởi nghĩa giành chính quyền ở Thừa Thiên Huế trong Cách mạng tháng Tám đã khởi đầu từ làng, qua tổng và lên huyện, trước khi thẳng tiến về kinh đô. Quy luật đó vận đúng với tổng Kế Mỹ. Hôm rồi về làng Xuân Thiên Hạ, ghé thăm ông Võ Thiềm. Ông Thiềm tuổi đã xấp xỉ 90, là một trong số ít nhân chứng của Cách mạng tháng Tám hiếm hoi còn lại ở vùng biển Phú Vang. Ông Thiềm bảo, thời khắc lịch sử đó ông chỉ là Đội trưởng Đội Thiếu niên tiền phong của làng Xuân Thiên Hạ. Còn trẻ lắm, chưa có nhiều hiểu biết nhưng năng nổ, nhiệt tình.

Bãi biển Vinh Thanh. Ảnh: TL
 
72 năm rồi đi qua, ông Thiềm không quên buổi sáng ngày 20/8/1945. Làng Hà Thanh bên cạnh là nơi diễn ra khởi nghĩa sớm nhất. Và cũng gần như đồng thời, nhân dân làng Xuân Thiên Hạ của ông Thiêm, rồi phía dưới Hà Úc hay trên này Kế Võ, Khánh Mỹ, Phương Diên, Cự Lại… cũng đồng loạt đứng lên giành chính quyền. Tự vệ vũ trang các làng đã đi vây bắt những tên Việt gian phản động và tịch thu toàn bộ gia sản của chúng. Trước sức ép của đông đảo quần chúng, lý trưởng, cường hào ở các làng đã đem sổ sách, ấn triện giao nộp cho cách mạng. Chính quyền cách mạng tuyên bố thành lập và ra mắt quần chúng.

Cũng trong buổi sáng lịch sử đó, nhân dân và tự vệ các làng thuộc tổng Kế Mỹ đã kéo về huyện lỵ Phú Vang để giành chính quyền. Đoàn xuất phát từ làng Hà Thanh được trang bị gươm, dao, giáo, mác, gậy gộc... kéo lên Xuân Thiên, Kế Võ, theo hướng Cự Lại, An Dương, Hòa Xuân. Đi qua các làng, đoàn đều dừng lại để diễn thuyết, chấp nhận sự đầu hàng của chính quyền địch ở địa phương. Rồi ba hôm sau vào ngày 23/8/1945, một lần nữa, cán bộ và nhân dân các làng thuộc tổng Kế Mỹ lại hợp cùng với các tổng trong huyện Phú Vang kéo lên Ngọ Môn để chứng kiến phút giây vua Bảo Đại thoái vị.    

3.  Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, cấp tổng bị xóa bỏ. Thay cho tổng Kế Mỹ là các xã Phú Hảo, Phú Hòa và Phú Hương. Ba năm sau, xã Phú Hảo đổi thành Phú Hải và xã Phú Hòa nhập với Phú Hương thành Phú Ngạn. Năm 1958, Chính quyền Sài Gòn thành lập trên địa bàn tổng Kế Mỹ xưa 5 xã Phú Thuận, Phú Diên, Vinh Thanh, Vinh Xuân, Vinh An. Năm 1989, xã Phú Thuận được chia thành hai xã Phú Thuận và Phú Hải.

Đã hình thành nhiều xã riêng biệt nhưng truyền thống gắn kết của các xã vùng biển Phú Vang có từ thời Kế Mỹ vẫn được gìn giữ và phát huy. Các xã Phú Hảo - Phú Hòa - Phú Hương, sau đó là Phú Hải - Phú Ngạn là một khối thống nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong chiến thắng Thanh Lam Bồ lịch sử, Chi bộ Phú Ngạn và Phú Hải lãnh đạo các địa phương huy động ghe thuyền chở bộ đội Trung đoàn 101 vượt phá Tam Giang đánh bại quân thù. Những năm tháng đánh Mỹ, đội công tác Hải - Ngạn được biết đến với tư cách là tổ chức thống nhất, được Đảng bộ Phú Vang giao nhiệm vụ lãnh đạo phong trào cách mạng ở các xã vùng biển Phú Vang.

Cách nay không lâu, tôi có dịp gặp ông Đinh Nghiêm, một cán bộ lão thành quê ở làng Kế Võ (Vinh Xuân), hiện sống ở TP. Hồ Chí Minh. Ông Nghiêm tham gia cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám ở làng. Kháng chiến chống Pháp, ông Nghiêm từng là Bí thư Chi bộ xã Phú Ngạn. Sau năm 1954, ông được tổ chức phân công ở lại và là một trong những cái tên nổi tiếng ở Phú Vang khi kẻ địch từng treo thưởng cho ai bắt được ông với giá 10 triệu đồng (!). Từ năm 1959, trong bối cảnh tình hình bị kẻ thù khủng bố gắt gao, ông Nghiêm được tổ chức bố trí chuyển ra hoạt động ở vùng đô thị và lại nổi tiếng với cái tên Mười Huế. Thời điểm 1975, ông Nghiêm là Chủ tịch UBNDCM liên quận 5 và 10 của thành phố Sài Gòn.

Trong câu chuyện với tôi, ông Mười Huế, nay ngoài 90 tuổi, đã nói nhiều về làng Kế Võ, nơi ông sinh ra và xã Phú Ngạn cùng tổng Kế Mỹ, nơi ông Nghiêm có những hoạt động cách mạng nhiệt huyết và sôi nổi trong tháng ngày tuổi trẻ. Kế Mỹ nay chỉ còn là cái tên của hoài niệm một thời. Thế nhưng, với người dân vùng biển Phú Vang, đặc biệt là với những người xã quê như ông Mười Huế, cái tên Kế Mỹ vẫn sống mãi trong tiềm thức. Còn có dịp gặp nhau, họ vẫn tự nhận và tự hào là con dân của Kế Mỹ, của vùng biển Phú Vang kiên trung và bất khuất.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Philippines nhận được cam kết đầu tư 5 tỷ USD từ các công ty Đức, Mỹ

Trong tuần này, Philippines đã nhận được các cam kết đầu tư trị giá khoảng 5 tỷ USD từ các công ty Đức và Mỹ vào các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và năng lượng. Đây có thể được xem là những chiến thắng lớn cho đất nước khi cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực về vốn nước ngoài.

Philippines nhận được cam kết đầu tư 5 tỷ USD từ các công ty Đức, Mỹ
Mỹ ghi nhận mùa đông ấm nhất lịch sử

Theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), mùa đông này là mùa đông ấm nhất từng được ghi nhận ở lục địa Mỹ - dấu hiệu mới nhất cho thấy thế giới đang hướng tới một kỷ nguyên chưa từng có do khủng hoảng khí hậu.

Mỹ ghi nhận mùa đông ấm nhất lịch sử
Return to top