ClockThứ Hai, 18/07/2011 04:49

Tổng kết năm học 2010-2011: Thành tích ảo, nỗi lo thật

TTH - Hôm qua 17/7, tại Đồng Tháp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cùng lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương trên cả nước đã tham dự hội nghị tổng kết năm học 2010 - 2011 và triển khai phương hướng năm học tới.

Nhiều băn khoăn  

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành giáo dục trong năm học vừa qua. Một trong những vấn đề khiến Phó Thủ tướng băn khoăn nhất là kết quả tốt nghiệp THPT năm học 2011 ở một số địa phương cao bất thường hay việc nhiều nơi có tỷ lệ đậu tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) cao hơn hệ THPT.
 
Cụ thể, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2011, tỷ lệ đậu bình quân cả nước đạt 95,72%, tăng 3,15% so với năm 2010 là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, ở 9 tỉnh, thành ĐBSCL và một số tỉnh miền núi phía Bắc lại có tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp tăng cao hơn trung bình cả nước từ 3 - 7 lần. Cụ thể, ở Kiên Giang, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT năm 2011 tăng hơn năm 2010 là 23%, gấp 7,3 lần mức tăng bình quân cả nước. Tương tự, Bắc Cạn là 25% và Điện Biên tăng đến 26%.
 
Ngoài những kết quả thi tốt nghiệp cao bất thường như trên, kỳ thi vừa qua còn có một hiện tượng lạ là cả nước có đến 16 tỉnh, thành có tỷ lệ đậu tốt nghiệp ở hệ GDTX cao hơn hệ THPT. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT hệ GDTX năm 2011 ở một số tỉnh cao ngất ngưởng như: Hải Dương 99,91%, Hưng Yên 99,88%, Bắc Ninh 99,87%, Nam Định 99,88%.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trăn trở: “Tôi thực sự rất băn khoăn với những con số trên, bởi thực tế, điều kiện ở hệ GDTX, cả về chất lượng học sinh đầu vào lẫn giáo viên, cơ sở vật chất đều khó khăn hơn hệ THPT. Tôi đề nghị các địa phương có kết quả thi tốt như trên cần phải chứng minh với xã hội khả năng của mình”.
 
Sau khi liệt kê những biểu hiện bất thường của năm học vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo Bộ GD-ĐT phải có kế hoạch rà soát, chấm phúc khảo để có kết luận chính thức về kết quả thi tốt nghiệp THPT để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi bước vào năm học mới. Nếu địa phương nào có sai sót, phải nghiêm khắc nhìn nhận và chỉnh sửa. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói: “Chúng ta đã từng nhận sai sót trước cả xã hội trong kỳ thi năm 2006 và trong năm 2007 chúng ta thực hiện rất nghiêm túc, tỷ lệ đậu tốt nghiệp giảm mạnh.
 
Thế nhưng, xã hội không phê bình, chỉ yêu cầu làm tốt hơn. Hôm nay, sau đúng 5 năm thực hiện cuộc vận động “hai không”, tôi đề nghị năm học này, ngành giáo dục phải rà soát lại việc một số địa phương có tỷ lệ đậu tốt nghiệp tăng vọt và đậu tốt nghiệp ở hệ GDTX cao hơn THPT”.
 
Không để học sinh thiếu thốn
 
Về nhiệm vụ năm học mới, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thống nhất với các mục tiêu ngành giáo dục đề ra. Trong đó, tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục là khâu đột phá; việc nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý phải làm thường xuyên. Nêu rõ vai trò của ngành giáo dục, Phó Thủ tướng cho rằng: Vai trò của ngành giáo dục là phải đào tạo ra con người Việt Nam phù hợp với thời kỳ hội nhập. Chính vì vậy, trong việc đánh giá học sinh, hiện đang chuyển từ đánh giá hiểu biết sang đánh giá năng lực vận dụng kiến thức, khả năng ứng xử, kỹ năng sống...
 
Theo đó, có nhiều điểm lưu ý đối với ngành giáo dục trong năm học mới 2012. Ngoài yêu cầu cấp bách hoàn thành chiến lược giáo dục - đào tạo giai đoạn 2011-2020, các chương trình hỗ trợ học sinh nghèo, vùng sâu, vùng xa, còn phải quyết tâm thực hiện mục tiêu giúp học sinh đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở để đến trường và chương trình kiên cố hóa trường lớp, xây nhà công vụ cho giáo viên. Đây phải được coi là những ưu tiên hàng đầu.
 
Năm học vừa qua, cả nước vẫn còn 5% tổng số trường học và 19 tỉnh, thành chưa đủ cơ sở để khẳng định học sinh đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở đến trường. Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai cho biết: “Là địa phương nghèo nên tỉnh mới thực hiện được 2 mục tiêu là đủ mặc và đủ sách vở cho các em, còn mục tiêu đủ ăn hiện vẫn chưa thực hiện được”.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các địa phương không được để học sinh thiếu ăn mà bỏ học. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận yêu cầu các sở GD-ĐT giám sát chặt chẽ việc hỗ trợ tiền mua sách đối với học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa, dứt khoát không để học sinh không thể đến trường do thiếu sách.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo, đến năm 2012, các địa phương phải hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường lớp, nhà công vụ cho giáo viên; Bộ GD-ĐT lập tổ công tác làm đề án nhà ở cho giáo viên cả nước. Ngoài ra về đổi mới phương pháp dạy học, đặc biệt khai thác khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, cố gắng đến năm 2015 mỗi giáo viên đều có máy tính để hỗ trợ giảng dạy. Hiện Chính phủ đang xem xét đề án 1 triệu máy tính cho giáo viên, giúp tất cả giáo viên có thể vay vốn để mua máy tính.
 
Theo SGGP
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

Trong hai ngày 16 và 17/4, tất cả học sinh lớp 12 trên toàn tỉnh tham gia làm bài thi khảo sát theo đề chung, được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây được xem là bước khảo sát kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12
Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024, vào các ngày 26, 27, 28, 29 tháng 6. Như vậy, chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa, các em học sinh sẽ bước vào kỳ thi quan trọng đánh dấu ngưỡng cửa bước vào tương lai.

Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả
Return to top