ClockChủ Nhật, 04/09/2016 09:40

Tổng thống Mỹ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật biển quốc tế

Trong cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước giờ khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Hàng Châu hôm 3/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nêu bật vấn đề Biển Đông, hối thúc Bắc Kinh tuân thủ nghĩa vụ pháp lý quốc tế đồng thời nhấn mạnh cam kết hợp tác của Washington với các nước trong khu vực.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tham dự Hội nghị G20 tại Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Barack Obama tham dự Hội nghị G20 tại Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Sau cuộc họp kéo dài 4 giờ đồng hồ với Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao của chính phủ Trung Quốc, Tổng thống Obama đã nhấn mạnh rằng Bắc Kinh, với tư cách là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cần tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý ràng buộc theo công ước này trong việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông.

Thông cáo của Nhà Trắng sau cuộc họp giữa lãnh đạo hai nước cho biết, Tổng thống Obama “nhấn mạnh cam kết không thay đổi của Mỹ trong việc đảm bảo an ninh cho các đồng minh”.

“Tổng thống tái khẳng định rằng Mỹ sẽ hợp tác với tất cả các nước trong khu vực để duy trì các nguyên tắc luật pháp quốc tế, đồng thời đảm bảo tự do hàng hải và hàng không”, Nhà Trắng cho biết. Ngoài ra, ông Obama cũng kêu gọi các bên “giảm thiểu căng thẳng và tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết tranh chấp trong hòa bình”.

Trong cuộc gặp với lãnh đạo Mỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng kêu gọi Washington đóng “vai trò xây dựng” để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẽ giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển thông qua các cuộc đàm phán với các bên có liên quan.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với đài CNN trước khi tới Trung Quốc tham dự hội nghị G20, Tổng thống Obama cũng kêu gọi Trung Quốc tránh những hành động phô diễn sức mạnh và cần hành xử có trách nhiệm hơn trong tranh chấp với các nước khác trên Biển Đông, đồng thời khẳng định Washington sẽ có những biện pháp cứng rắn nếu Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế trong bất kỳ lĩnh vực nào.

Mặc dù là thành viên của UNCLOS nhưng Trung Quốc đến nay vẫn phủ nhận thẩm quyền xét xử của Tòa trọng tài thường trực được thành lập theo Phụ lục VII của công ước này trong vụ kiện do Philippines khởi xướng liên quan tới yêu sách “đường chín đoạn” phi lý do Bắc Kinh tự ý vẽ ra trên Biển Đông. Ngày 12/7, tòa ra phán quyết bác bỏ yêu sách này của Trung Quốc nhưng Bắc Kinh đến nay vẫn ngang nhiên tuyên bố không tuân thủ dù dưới bất kỳ hình thức nào.

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thị trường xe điện ở ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng

Theo phân tích của Maybank Investment Bank Bhd, việc áp dụng xe điện (EV) ở ASEAN sẽ tiếp tục tăng nhờ các quy định thuận lợi, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tung ra các mẫu xe mới với giá thấp hơn, đồng thời khu vực này cũng có các cơ sở sản xuất ô tô lớn và nhu cầu xe điện đáng kể.

Thị trường xe điện ở ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng
ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vững chắc giữa nhiều bất ổn bên ngoài

Trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2024 vừa được công bố hôm nay (10/4), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2024 đối với Việt Nam được đưa ra trước đó, bất chấp những bất ổn kéo dài từ môi trường bên ngoài. Cụ thể, ADB kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng lần lượt ở mức 6% và 6,2% vào năm 2024 và 2025.

ADB Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vững chắc giữa nhiều bất ổn bên ngoài
Return to top