Thế giới

Tổng thống Nga Putin là nhân vật có ảnh hưởng nhất năm 2014

ClockThứ Bảy, 13/12/2014 17:06
TTH.VN - Theo AFP, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn là người quan trọng trong cuộc đối đầu có nguy cơ mở ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Theo bình chọn của hãng tin AFP, Tổng thống Nga Vladimir Putin dẫn đầu danh sách những người có ảnh hưởng nhất năm 2014 - một năm được coi là có những cuộc xung đột gây "địa chấn" ở châu Âu và Trung Đông. 

 
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AFP)
 

Thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Bakr al-Baghdadi và các nữ sinh trung học Nigeria ở Chibok từng bị bắt cóc bởi tổ chức khủng bố Boko Haram cũng xuất hiện ở những vị trí đầu danh sách. Điều này phản ánh sự trỗi dậy của các nhóm phiến quân với tư tưởng thánh chiến cực đoan hơn nhiều so với tổ chức khủng bố al-Qaeda.

Trong danh sách được biên soạn bởi các biên tập viên cấp cao của AFP  sau khi tham khảo ý kiến ​​của hơn 370 nhà báo làm việc cho AFP trên toàn thế giới, nghị lực phi thường của cha mẹ nhà báo Mỹ James Foley khi đối mặt với những đau khổ vì con trai mình bị sát hại bởi IS cũng được ghi nhận.

Diane và John Foley đã không ngừng tranh đấu cho sự tự do của con trai của họ là nhà báo James Foley - một nhà báo cộng tác với AFP và là con tin phương Tây đầu tiên bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS hành quyết. Đoạn video hành quyết kinh hoàng James Foley được đăng tải trên Internet đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn thế giới và khiến Mỹ và các đồng minh thành lập liên minh chống IS tại Iraq và Syria.

Trước đó, trong danh sách những người có ảnh hưởng nhất năm 2013 do AFP bình chọn, dẫn đầu là Edward Snowden, người tiết lộ chương trình do thám tình báo của Mỹ, tiếp đến là Tổng thống Iran Hassan Rohani và nữ sinh Pakistan Malala Yousafzai - người đoạt giải Nobel Hòa bình năm nay.

Thứ tự 10 nhân vật có ảnh hưởng nhất năm 2014 do AFP bình chọn:

Tổng thống Nga Vladimir Putin: Với tình hình xung đột hiện nay ở Ukraine và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, quan hệ Đông - Tây đã trở nên tồi tệ nhất kể từ sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Ở tuổi 62, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn là nhân vật quan trọng trong cuộc đối đầu có nguy cơ mở ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi: Thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, sinh năm 1971 là trung tâm của một cuộc xung đột lớn tại Trung Đông. Abu Bakr al-Baghdadi tự xưng là Caliph và tuyên bố thành lập một Caliphate Hồi giáo trên những vùng đất mà IS chiếm được tại Iraq và Syria với một chính sách cai trị tàn bạo. Một liên minh do Mỹ dẫn đầu đã được thành lập để đối phó với Abu Bakr al-Baghdadi và tổ chức IS.

Các nữ sinh trung học Nigeria: Việc tổ chức khủng bố Boko Haram đã bắt cóc 276 nữ sinh ở thị trấn Chibok, đông bắc Nigeria vào giữa tháng 4/2014 đã gây sốc thế giới. Trên các trang mạng xã hội, nhiều người đã phát động một chiến dịch "Bringbackourgirls". Việc bắt cóc các nữ sinh là sự kiện tiêu biểu cho tội ác của nhóm khủng bố Boko Haram vốn tuyên bố ủng hộ đối với tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Hiện trong số các cô gái bị bắt cóc, 219 người vẫn nằm trong tay của Boko Haram và không biết đến khi nào họ có thể được giải phóng.

Đức Giáo hoàng Francis: Được lựa chọn làm Giáo hoàng năm 2013, Hồng y Jorge Bergoglio được xem là vị Giáo hoàng có phong cách giản dị, gần gũi. Mặc dù chỉ mới lên lãnh đạo Giáo hội Công giáo chưa lâu nhưng trong hai năm liên tiếp 2013 và 2014, ông được tạp chí Forbes xếp hạng ở vị trí thứ 4 trong số những nhân vật quyền lực nhất thế giới. Còn Tạp chí Time bình chọn ông là nhân vật của năm 2013.. Ông đã lên tiếng bảo vệ mạnh mẽ các tín đồ Cơ đốc giáo tại Trung Đông, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo tinh thần của người Hồi giáo lên án bạo lực thánh chiến.

Malala Yousafzai: Thiếu nữ người Pakistan này đã trở thành một biểu tượng được biết đến trên toàn cầu sau khi cô suýt chết vì bị phiến quân Taliban bắn vào đầu  ngày 9/10/2012, khi đấu tranh đòi quyền được đi học cho trẻ em gái. 17 tuổi, cô đã trở thành người trẻ nhất trong lịch sử khi giành được giải Nobel Hòa bình năm 2014 cùng với nhà hoạt động nhân quyền người Ấn Độ Kailash Satyarthi.

Joshua Wong: Năm nay 18 tuổi, Jossua Wong là một trong những thủ lĩnh của phong trào biểu tình "Chiếm Trung tâm" ở Hong Kong xảy ra thời gian vừa qua.

Diane và John Foley: Con trai của họ là James Foley - một nhà báo tự do người Mỹ bị bắt cóc ở Syria vào tháng 5/2012 và là con tin phương Tây đầu tiên bị hành quyết bởi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Trong thời gian con trai mình bị giam cầm, họ đã phải đối mặt với sự khước từ của chính phủ Mỹ tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào với những kẻ bắt cóc James Foley. Phát biểu trên kênh tin ABC của Mỹ ngày 12/9, mẹ nhà báo James Foley cho biết, 1 quan chức Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ đã nhiều lần cảnh báo gia đình bà sẽ bị buộc tội khủng bố nếu trả tiền chuộc. 

Oscar Pistorius: Là một ngôi sao thể thao khuyết tật, từng được coi là người hùng của thể thao Nam Phi., Oscar Pistorius là nhân vật chính trong phiên tòa xét xử anh bắn chết bạn gái Reeva Steenkamp vào ngày Valentine năm 2013. Kết thúc phiên tòa, các thẩm phán đã kết án Pistorius 5 năm tù vì tội ngộ sát.

Thomas Piketty: Là nhà kinh tế học người Pháp, người đã trở nên nổi tiếng nhờ cuốn sách “Chủ nghĩa tư bản trong thế kỷ 21” khi ông nghiên cứu dữ liệu trong vòng 300 năm qua về khoảng cách giàu nghèo. Cùng với chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2014 Jean Tirole cũng là người Pháp, Piketty đã chứng minh cho sức sống của tư duy kinh tế ở Pháp vào thời điểm hiện nay.

Jack Ma: Là người sáng lập của "gã khổng lồ" Internet Alibaba của Trung Quốc, trong đó kết hợp các dịch vụ tương tự như Amazon, eBay và Google. Cổ phiếu Alibaba bắt đầu được giao dịch trên Wall Street vào tháng 9/2014 và là đợt niêm yết lớn nhất trong lịch sử. Cựu giáo viên tiếng Anh 50 tuổi này hiện được xem là người đàn ông giàu nhất Trung Quốc.

Nguyễn Hùng (Theo VOV)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

EU và Philippines nối lại đàm phán thương mại

Liên minh châu Âu (EU) và Philippines ngày 18/3 cho biết, họ sẽ nối lại các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do, trong bối cảnh EU tìm cách nắm bắt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn của khu vực châu Á và tiếp cận các nguyên liệu thô quan trọng.

EU và Philippines nối lại đàm phán thương mại
Oxford Economics dự báo Australia sẽ bỏ lỡ mục tiêu khí hậu năm 2030

Hãng dự báo và phân tích tình hình kinh tế Oxford Economics cho biết, lượng khí thải carbon của Australia không giảm đủ nhanh để đạt được mục tiêu khí hậu vào năm 2030, trong bối cảnh việc triển khai năng lượng tái tạo mất nhiều thời gian hơn so với dự đoán ban đầu.

Oxford Economics dự báo Australia sẽ bỏ lỡ mục tiêu khí hậu năm 2030
Return to top