Thế giới

Tổng thống Obama ôm hôn nhân viên điều trị bệnh nhân Ebola

ClockThứ Năm, 16/10/2014 14:26
TTH.VN - Tổng thống Mỹ đang tìm cách trấn an dân Mỹ đang hoang mang về quy trình kiểm soát lây nhiễm Ebola.

Tổng thống Barack Obama hôm nay (16/10) đã buộc phải hoãn kế hoạch vận động tranh cử Quốc hội giữa kỳ vào phút chót để cùng các thành viên nội các tập trung đối phó với đại dịch Ebola sau ca nhiễm bệnh thứ 2 trên đất Mỹ. Ông Obama kêu gọi người dân Mỹ không nên lo sợ và cần tin tưởng vào khả năng chống dịch của chính phủ.

Sau cuộc họp đặc biệt kéo dài 2 tiếng với các thành viên nội các, Tổng thống Obama tuyên bố các đội phản ứng nhanh của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) sẽ có mặt trong vòng 24 giờ tại bất cứ nơi nào tại Mỹ có bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm Ebola. Ông Obama kêu gọi người dân Mỹ cần bình tĩnh, nhấn mạnh rằng Ebola không lây nhiễm qua không khí và không lây truyền chừng nào người nhiễm loại virus này chưa phát bệnh.

“Điểm quan trọng ở đây là quy trình phòng chống Ebola đã chứng tỏ hiệu quả trong suốt hàng thập kỷ qua trên khắp thế giới. Khác với nguy cơ bùng phát nhanh như cúm, nếu chúng ta tuân thủ đúng quy trình thì khả năng bùng phát dịch Ebola trên diện rộng tại Mỹ là vô cùng thấp.”

Tổng thống Obama cho biết ông đã gặp và thậm chí còn ôm hôn những nhân viên y tế từng điều trị bệnh nhân Ebola. Ông Obama kêu gọi người dân tin tưởng vào khả năng của chính phủ trong việc ngăn chặn dịch Ebola bùng phát tại Mỹ, đồng thời khẳng định việc điều tra kỹ lưỡng các ca nhiễm Ebola tại thành phố Dallas, bang Texas sẽ xác định nguyên nhân khiến 2 y tá làm việc trong một bệnh viện tại đây bị lây nhiễm. Tổng thống Mỹ cho rằng điểm mấu chốt hiện nay là phải kiểm soát cho được Ebola tại nguồn.

“Tôi tuyệt đối tin tưởng rằng chúng ta có thể ngăn chặn được đại dịch Ebola tại Mỹ nhưng điều này sẽ trở nên khó thực hiện hơn nếu để căn bệnh này vượt khỏi tầm kiểm soát tại tây Phi. Khi đó thì Ebola sẽ lan ra toàn cầu.”    

Tổng thống Obama phải hoãn chương trình vận động tranh cử tại bang New Jersey và Connecticut nhằm kêu gọi sự ủng hộ cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ sắp tới sau khi nữ y tá thứ 2 tại bang Texas phản ứng dương tính với virus Ebola vào ngày hôm qua. Amber Joy Vinson và y tá Nina Phạm, người nhiễm Ebola đầu tiên trên đất Mỹ, đã tham gia điều trị cho một bệnh nhân nhiễm Ebola người Liberia.

Bệnh nhân này đã tử vong vào tuần trước.

Hiện tình trạng của Nina Phạm vẫn ổn định còn Vinson đã được chuyển tới bệnh viện trường Đại học Emory thuộc thành phố Atlanta, nơi điều trị thành công hai ca nhiễm Ebola trước đó.

Ca nhiễm bệnh mới nhất tại Texas đã gây nên những quan ngại về quy trình kiểm soát lây nhiễm, đồng thời khiến người dân Mỹ hoang mang trước loại virus chết người Ebola.

Đáng chú ý là dù nằm trong nhóm những người từng tiếp xúc với bệnh nhân Ebola đã tử vong và đang phải theo dõi hàng ngày do nguy cơ nhiễm bệnh cao, nhưng y tá Vinson vẫn đáp một chuyến bay thương mại cùng 132 người khác chỉ một ngày trước khi nhập viện.

Trước sự cố này, Giám đốc CDC Thomas Frieden nhấn mạnh y tá Vinson đáng lẽ không được phép đặt chân lên bất kỳ máy bay thương mại nào khi đang có nguy cơ nhiễm bệnh.

Ông Frieden khẳng định CDC đã hướng dẫn rõ về yêu cầu “đi lại có kiểm soát” trong những tình huống tương tự, tức là người nghi nhiễm Ebola không được phép sử dụng bất kỳ phương tiện công cộng nào. Thị trưởng thành phố Dallas, Mike Rawlings cũng thừa nhận nếu được theo dõi chặt chẽ theo đúng quy trình thì y tá Vinson không thể có mặt trên chuyến bay hôm 13/10 vừa qua.

Tuy nhiên, CDC cũng trấn an rằng nguy cơ lây nhiễm đối với những hành khách cùng chuyến với y tá Vinson là "cực kỳ thấp" do cô không có bất kỳ triệu chứng nhiễm Ebola nào vào thời điểm đó./.

Theo VOV
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyên gia bày tỏ lo ngại về bệnh cúm gia cầm lây sang người

Sự lây lan toàn cầu đang diễn ra của các ca nhiễm “cúm gia cầm” sang động vật có vú trong đó có con người là một mối quan ngại lớn về sức khỏe cộng đồng, các chuyên gia y tế cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) ngày 18/4 cho biết, khi họ công bố các biện pháp mới nhằm giải quyết những bệnh lây truyền qua đường không khí.

Chuyên gia bày tỏ lo ngại về bệnh cúm gia cầm lây sang người
Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20%

Một nghiên cứu do chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy đến giữa thế kỷ này, thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng suất và sức khỏe con người do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến khoảng 38.000 tỷ USD/năm, tức gần 1/5 GDP toàn cầu, bất kể nhân loại có cắt giảm khí carbon gây ô nhiễm mạnh mẽ đến đâu.

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20
'Nóng' chủ đề Trung Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng G7

Rạng sáng 18/4 (giờ Việt Nam), Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã khai mạc trên đảo Capri của Italy, với trọng tâm thảo luận là tình hình căng thẳng hiện nay ở Trung Đông.

Nóng chủ đề Trung Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng G7
Return to top