ClockThứ Năm, 25/08/2016 14:44

Tổng thống Pháp Hollande sắp thăm Việt Nam

Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ tới thăm Việt Nam từ ngày 5-7/9 tới và đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Pháp sau 12 năm, kể từ chuyến thăm của Tổng thống Jacques Chirac năm 2004.

Truyền hình Pháp làm phóng sự về “Những nụ cười Việt Nam”Giao lưu văn hóa Việt Nam - Thái Lan - Anh - Pháp – Nhật

Tổng thống Pháp Francois Hollande (Ảnh: politico.eu)

Tổng thống Pháp Francois Hollande (Ảnh: politico.eu)

Ông Hollande sẽ là Tổng thống thứ ba của Pháp tới thăm Việt Nam sau các chuyến thăm của Tổng thống Francois Mitterrand năm 1993 và Tổng thống Jacques Chirac năm 1997 và 2004. Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội trong thông cáo ngày 25/8 cho biết chuyến thăm này sẽ là dịp để nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, đề cập tới mọi chủ đề của khu vực và song phương, đồng thời thăm dò những triển vọng hợp tác mới.

Ba đại diện của chính phủ Pháp sẽ tháp tùng Tổng thống Hollande trong chuyến thăm Việt Nam lần này, gồm Bộ trưởng Tài chính Michel Sapin; Quốc vụ khanh phụ trách phát triển và Pháp ngữ Andre Vallini; và Quốc vụ khanh phụ trách thương mại, thủ công, tiêu dùng, kinh tế xã hội và đoàn kết - bà Martine Pinville.

Lễ đón Tổng thống Hollande dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào sáng 6/9. Nhà lãnh đạo Pháp sẽ lần lượt có các cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng thống Hollande sẽ có bài phát biểu tại Đại học Quốc gia Hà Nội về chủ đề tương lai chung của Pháp và Việt Nam. Đây sẽ là dịp để Tổng thống Hollande trình bày những định hướng mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thế kỷ 21.

Nhà lãnh đạo Pháp sẽ rời Hà Nội vào chiều ngày 6/9 để tới thăm thành phố Hồ Chí Minh. Ông Hollande sẽ gặp Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng và Chủ tịch Ủy ban nhân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong.

Tổng thống Pháp cũng sẽ có buổi gặp gỡ một phái đoàn các trưởng doanh nghiệp Pháp trước khi tham gia diễn đàn doanh nghiệp Việt-Pháp, nơi có sự hiện diện của nhiều quan chức chính trị và kinh tế cấp cao của hai nước.

Cũng trong chương trình của chuyến thăm, Tổng thống Hollande dự kiến gặp gỡ cộng đồng Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, ông Hollande sẽ tới thăm Viện Tim thành phố Hồ Chí Minh, biểu tượng cho sự hợp tác lịch sử giữa hai nước trong lĩnh vực y tế. Tại đây, Tổng thống Hollande sẽ gặp gỡ các bác sĩ Việt Nam đã hoặc sắp đi đào tạo tại Pháp.

Những chủ đề lớn của chuyến thăm

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hollande diễn ra sau khi hai nước ký tuyên bố về Quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013 nhằm mục tiêu tăng cường quan hệ trên tất cả các lĩnh vực (chính trị, quốc phòng, kinh tế giáo dục và văn hóa). Quan hệ kinh tế; hợp tác văn hóa, khoa học, giáo dục và bảo vệ môi trường là những chủ đề lớn của chuyến thăm này.

Về kinh tế, Pháp là nhà tài trợ ưu tiên của Việt Nam. Trong thời gian từ 1994-2014, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã tài trợ cho 79 dự án của Việt Nam, với tổng trị gia khoảng 1,6 tỷ euro. Trong năm nay, AFD đã đặt mục tiêu cam kết 100 triệu euro dưới hình thức các khoản cho vay ưu đãi.

Hiện Pháp là nhà đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực châu Âu tại Việt Nam, sau Hà Lan và Anh. Hiện có gần 300 doanh nghiệp Pháp hoạt động tại Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác thương mại quan trọng của Pháp. Xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam đã tăng gấp đôi từ năm 2014 đến 2015, và nhập khẩu của Pháp từ Việt nam tăng 32,8%, đạt 4,1 tỷ euro, đưa Việt Nam là nhà cung cấp hàng đầu của Pháp trong khu vực ASEAN.

Lĩnh vực giáo dục là một phần quan trọng của quan hệ Việt-Pháp. Năm 2015, có khoảng 6.500 sinh viên Việt Nam học tại Pháp và gần 1.300 sinh viên Việt Nam sang Pháp mỗi năm để tiếp tục chương trình đại học tại Pháp.

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Pháp đã sớm ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong giai đoạn 2006-2015, tổng cộng 525 triệu euro đã được cấp cho Việt Nam thông qua 17 dự án và các chương trình phát triển nhằm chống biến đổi khí hậu và ứng phó các tác động của nó. Các lĩnh vực về phát triển đô thị, năng lượng, nông nghiệp và quản lý nước cũng được đặc biệt chú ý.

Nhân chuyến thăm này, một loạt các thỏa thuận dự kiến sẽ được ký kết, trong đó có các thỏa thuận về môi trường, tư pháp, giáo dục và khoa học, y tế….

Trong số các thỏa thuận về trợ giúp phát triển và hỗ trợ kỹ thuật sẽ được cân nhắc phê chuẩn trong chuyến thăm của Tổng thống Hollande là thỏa thuận của Cơ quan Phát triển Pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu tại các tỉnh Hà Tĩnh, Ninh Bình và Cần Thơ liên quan tới khoản vay 52,5 triệu euro và khoản tiện trợ không hoàn lại 1 triệu euro nhằm tài trợ cho các dự án chống nước biển dâng.

Một hợp đồng cung cấp dịch vụ dự kiến cũng được ký giữa Airparif (Hiệp hội kiểm tra chất lượng không khí của vùng Ile-de-France) và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhằm thiết lập một hệ thống giám sát chất lượng không khí tại Hà Nội.

Theo Dân trí

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Việt Nam - Indonesia: Điểm tựa Mỹ Đình

Chưa bao giờ đội tuyển Việt Nam lại bị dư luận phản ứng nhiều như hiện tại. Điều đó đang tác động rất lớn đến tâm lý của thầy trò HLV Philippe Troussier.

Việt Nam - Indonesia Điểm tựa Mỹ Đình
Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024 của lãnh đạo cấp cao, nhận lời mời của Chủ tịch và Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU lần thứ 148 (IPU-148) và các hội nghị liên quan tại Thụy Sĩ.

Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148
Return to top