Thế giới

Tổng thống Putin khiến Tổng thống Ukraine tức tím mặt

ClockThứ Ba, 18/08/2015 10:14
TTH.VN - Thông tin về việc Tổng thống quyền lực của Nga – ông Vladimir Putin có chuyến công du đến bán đảo Crimea đã khiến người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko thực sự tức tối và không tránh khỏi cảm giác lo lắng. 

Tổng thống Poroshenko

Nhà lãnh đạo Poroshenko đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích người đồng cấp Nga Putin về chuyến thăm, nói rằng hành động đó là một phần của kế hoạch nhằm đốt nóng căng thẳng ở miền đông Ukraine. 
  
"Đây là một sự thách thức đối với thế giới văn minh và là một sự tiếp nối của kế hoạch nhằm làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Kế hoạch đó đã được quân đội Nga và những binh lính đánh thuê của họ ở Donbass thực hiện trong suốt thời gian qua”, Tổng thống Poroshenko đã gay gắt cáo buộc như vậy trên trang Facebook của mình. 
  
Ông chủ điện Kremlin hôm qua (17/8) đã thực hiện một chuyến thăm đến Yalta ở Crimea nhằm quảng bá cho ngành du lịch ở bán đảo xinh đẹp được sáp nhập vào Nga hồi tháng 3 năm ngoái, website của điện Kremlin đưa tin. Đề cập trực tiếp đến Crimea, Tổng thống Poroshenko cho rằng, bán đảo này chỉ có tương lai khi là một phần của đất nước Ukraine và điều này bao gồm cả “tương lai của ngành du lịch”. 

Người Ukraine đổ xô đến Crimea 
  
Liên quan đến ngành du lịch ở Crimea, kênh tin tức Uapress.info của Ukraine đưa tin, một hàng dài vô tận những chiếc xe ô tô của Ukraine đang băng qua biên giới vào Crimea và được biết đây là những người Ukraine vào Crimea để du lịch. 
  
Những thành phần cực đoan ở Ukraine đang kêu gọi lên danh sách “những kẻ phản bội” vì đã quyết định đi nghỉ ở bán đảo của Nga. Lực lượng cực đoan còn đe dọa trừng phạt những người Ukraine đi du lịch ở Crimea. 
  
"Tôi gần đây có nói chuyện với Ilya Kiva – phó chỉ huy lực lượng vũ trang Ukraine ở khu vực Kherson. Ông ta nói rằng, người Ukraine đang ồ ạt đến bán đảo Crimea bị chiếm đóng để đi nghỉ. Theo biển số xe, những người đi nghỉ đến từ Donetsk, Luhansk, Kharkov và Kiev," vị chính khách Ukraine có tên là Dmytro Korchynsky cho hay. 
  
Ông Korchynsky tỏ ra lo lắng vì xu hướng trên, nói rằng Kiev nên lên danh sách những người đến bán đảo bị Nga “chiếm đóng. 
  
Crimea từ lâu đã luôn được coi là một điểm du lịch hoàn hảo. Số du khách đến Crimea trong mùa nghỉ hè năm nay được cho là sẽ ở con số 4,3 triệu người, tăng 15% so với năm ngoái. 
  
Bán đảo Crimea đã chính thức trở thành một phần của nước Nga sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh hoàn tất tiến trình sáp nhập hồi tháng 3 năm ngoái. Việc Crimea sáp nhập vào Nga xuất phát từ nguyên nhân là một cuộc đảo chính vũ trang ở Kiev , trong đó Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ. Crimea – một bán đảo tự trị thuộc Ukraine , đã từ chối không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời mới ở Kiev . Chính vì thế, Crimea đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của họ với Ukraine và Nga. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, hơn 96% người dân trên bán đảo Crimea lựa chọn ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập trở lại Nga – nơi họ vẫn luôn coi là “mái nhà” của mình. 
  
Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo nhận được sự ủng hộ rộng khắp của người dân xứ sở Bạch Dương nhưng lại bị Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) ra sức phản đối. Mỹ và EU đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì vụ sáp nhập nói trên. 
  
Kể từ sau vụ sáp nhập, giới chức chính quyền Kiev luôn miệng khẳng định sẽ tìm mọi cách để lấy lại bán đảo Crimea . Tổng thống Petro Poroshenko từng tuyên bố sẽ xây dựng quân đội Ukraine thành một lực lượng quân sự mạnh nhất Châu Âu để quay trở lại giành bán đảo Crimea. Tuy nhiên, Nga cũng cứng rắn không kém khi nhiều lần khẳng định sẽ không bao giờ có chuyện trả lại bán đảo Crimea cho Ukraine . Nga dường như cũng chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với bất kỳ mối đe doạ nào nhằm vào Crimea khi liên tục tăng cường sức mạnh phòng thủ trên bán đảo này bằng việc triển khai hàng loạt vũ khí tối tân, thiện chiến của mình. Gần đây, giới chức lãnh đạo ở Moscow nhiều lần đề cập đến khả năng đưa vũ khí hạt nhân đến bán đảo Crimea. 
  
Gần đây, phương Tây đang phải chứng kiến một xu hướng khác khiến họ không khỏi tức giận. Đó là việc một số đoàn nghị sĩ của các nước thành viên Châu Âu hoặc là đã đến hoặc là đang có ý định đến thăm bán đảo Crimea. Đoàn nghị sĩ Pháp là đoàn mở đầu cho trào lưu này. Điều cay đắng hơn cho phương Tây là đoàn nghị sĩ Pháp sau khi đến thăm Crimea đã có những đánh giá tích cực về bán đảo này. Thậm chí, đoàn nghị sĩ Pháp còn cho rằng, Nga đã cứu Crimea khỏi một cuộc nội chiến thảm khốc bằng việc sáp nhập bán đảo này. 
  
Chuyến thăm bán đảo Crimea của ông Putin diễn ra trong bối cảnh bạo lực đang bùng phát trở lại ở miền đông Ukraine ở cấp độ chưa từng có kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn mới nhất được ký kết. 
  
Kể từ tuần trước, các cuộc giao tranh, đụng độ đang diễn ra ác liệt từng ngày giữa quân Kiev và lực lượng ly khai. Bạo lực quay trở lại đồng nghĩa với việc thương vong cũng diễn ra hàng ngày. Quân đội Ukraine và lực lượng ly khai hôm qua cho biết, đã có thêm 2 binh lính và nhiều dân thường thiệt mạng trong những cuộc đụng độ diễn ra đêm trước ở gần cảng của thành phố Mariupol và ở khu vực Horlivka. 
  
Tình trạng leo thang bạo lực đã khiến các chính phủ phương Tây thực sự lo ngại bởi họ đang đặt kỳ vọng vào thỏa thuận ngừng bắn đạt được hồi tháng 2 ở Minsk. 

Theo Vnmedia
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Các công ty tài chính kêu gọi hành động về ô nhiễm nhựa

Một nhóm gồm 160 công ty tài chính ngày hôm nay (19/4) đã lên tiếng kêu gọi các chính phủ nhất trí về một hiệp ước chấm dứt ô nhiễm nhựa, nhằm giúp thúc đẩy hành động của khu vực tư nhân, trước vòng đàm phán toàn cầu tiếp theo ở Canada.

Các công ty tài chính kêu gọi hành động về ô nhiễm nhựa
Chuyên gia bày tỏ lo ngại về bệnh cúm gia cầm lây sang người

Sự lây lan toàn cầu đang diễn ra của các ca nhiễm “cúm gia cầm” sang động vật có vú trong đó có con người là một mối quan ngại lớn về sức khỏe cộng đồng, các chuyên gia y tế cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) ngày 18/4 cho biết, khi họ công bố các biện pháp mới nhằm giải quyết những bệnh lây truyền qua đường không khí.

Chuyên gia bày tỏ lo ngại về bệnh cúm gia cầm lây sang người
Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20%

Một nghiên cứu do chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy đến giữa thế kỷ này, thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng suất và sức khỏe con người do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến khoảng 38.000 tỷ USD/năm, tức gần 1/5 GDP toàn cầu, bất kể nhân loại có cắt giảm khí carbon gây ô nhiễm mạnh mẽ đến đâu.

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20
'Nóng' chủ đề Trung Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng G7

Rạng sáng 18/4 (giờ Việt Nam), Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã khai mạc trên đảo Capri của Italy, với trọng tâm thảo luận là tình hình căng thẳng hiện nay ở Trung Đông.

Nóng chủ đề Trung Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng G7
Return to top