ClockThứ Bảy, 04/02/2017 12:01

Tổng ủy Diêm Trường ngày ấy

TTH - Năm 1941, Tổng ủy Diêm Trường được thành lập với Bí thư là đồng chí Lê Minh, sau này là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.

Miếu Mệ Môn (Vinh Giang, Phú Lộc), bên cạnh có căn hầm bí mật, nơi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã ở từ năm 1942 đến 1945. Ảnh: Tư liệu

Ngày 1/ 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Ở Việt Nam, thực dân Pháp vừa tăng cường đàn áp khốc liệt phong trào cộng sản, vừa ra sức vơ vét sức người, sức của để cung cấp cho nhu cầu chiến tranh. Riêng tại Thừa Thiên Huế, chúng tập trung củng cố bộ máy đàn áp, tăng cường các hoạt động khủng bố cách mạng. Nhiều lãnh đạo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế và đảng viên bị bắt. Ở Phú Lộc, tổ chức Đảng và cơ sở cách mạng bị tổn thất nặng nề.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII đề ra nhiệm vụ trước mắt của Cách mạng Việt Nam là đánh đổ đế quốc và tay sai. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị, Đảng bộ huyện Phú Lộc có chủ trương đi sâu vào hoạt động bí mật và xây dựng tổ chức Đảng bí mật. Trong bối cảnh đó, vào năm 1941, Tổng ủy Diêm Trường được thành lập. Bấy giờ ở huyện Phú Lộc có 4 tổng là Diêm Trường, An Nông, Lương Điền và An Cư. Tổng Diêm Trường bao gồm toàn bộ vùng khu III Phú Lộc, nay gồm các xã Vinh Hưng, Vinh Mỹ, Vinh Hiền, Vinh Hải và Vinh Giang. Tổng ủy Diêm Trường do đồng chí Lê Minh làm Bí thư Tổng ủy và gồm có các chi bộ Bàn Môn, Nghi Giang, Đơn Chế và Diêm Trường - Phụng Chánh với hơn 30 đảng viên. Chi bộ Bàn Môn được thành lập từ năm 1930, là một trong hai chi bộ Đảng vùng nông thôn đầu tiên ở Thừa Thiên với Bí thư Chi bộ là đồng chí Lê Bá Dị. 

Trong số các chi bộ thuộc Tổng ủy Diêm Trường, 2 chi bộ Nghi Giang và Đơn Chế được tách ra từ Chi bộ Nghi Giang - Đơn Chế (thuộc xã Vinh Giang - thành lập từ năm 1939). Nghi Giang là chi bộ có đông đảng viên nhất. Chi bộ có 3 anh em ruột là Lê Minh, Lê Hải và Lê Cương, trong đó Lê Minh và Lê Cương từng là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Năm 1949, đồng chí Lê Minh là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, sau đó là Ủy viên Thường vụ Liên khu IV. Sau Hiệp định Genève, đồng chí tiếp tục làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, sau đó là Ủy viên Thường vụ Liên khu V, Bí thư liên tỉnh Trị Thiên Huế. Năm 1966, đồng chí làm Phó Bí thư Khu ủy Trị Thiên kiêm Bí thư Thành ủy Huế. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, đồng chí giữ chức Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy chiến dịch Mặt trận Huế. Đồng chí Lê Cương làm Phó Bí thư và quyền Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên từ năm 1956 đến 1960. 

Chi bộ Diêm Trường - Phụng Chánh ra đời muộn hơn vào năm 1941, gồm 4 đảng viên, trong đó có 3 cha con là Lê Tự Thanh, Lê Tự Lập, Lê Thị Tiếp và Trần Cầu. Phụ trách Chi bộ Diêm Trường - Phụng Chánh là đồng chí Lê Tự Thanh tham gia hoạt động cách mạng và được kết nạp Đảng rất sớm, từ năm 1930. Đồng chí đã giáo dục các con, như Lê Tự Lập, Lê Thị Tiếp trở thành những chiến sĩ cách mạng kiên cường. Chính việc phát triển được nhiều đảng viên mới dẫn đến xuất hiện các chi bộ Đảng, trong đó có Chi bộ Diêm Trường - Phụng Chánh là lý do dẫn đến việc thành lập Tổng ủy  Diêm Trường. Tháng 6/1941, Ban Vận động thống nhất Đảng trong toàn tỉnh chính thức công nhận Tổng ủy Diêm Trường.

Tháng 2/1942, đồng chí Nguyễn Chí Thanh vượt ngục từ Buôn Mê Thuột trở về. Tháng 7/1942, đồng chí Nguyễn Chí Thanh triệu tập hội nghị cán bộ Đảng tại Bến Tu (Quảng Điền). Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Triển khai chủ trương của hội nghị, một số trạm giao thông liên lạc được đặt tại những gia đình cơ sở thuộc các huyện Phú Lộc, Phong Điền và thành phố Huế. Tổng ủy Diêm Trường không đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo phong trào ngày càng dâng cao và trước thực tế đòi hỏi cấp thiết của cách mạng nên đã được thay bằng Huyện ủy lâm thời Phú Lộc, do đồng chí Lê Cương làm Bí thư. 

Tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng Tổng ủy Diêm Trường đã làm tốt vai trò lãnh đạo các phong trào cách mạng không chỉ ở khu III mà còn cả toàn huyện Phú Lộc. Ngay sau khi được thành lập, Tổng ủy đã phân công các đảng viên liên lạc, xây dựng cơ sở với các nơi trong huyện (như ở Lương Điền, Cầu Hai, Vinh Hòa), trong tỉnh và mở rộng địa bàn ra các tỉnh miền Trung. Theo đó, đồng chí Lê Tự Thanh (Chi bộ Phụng Chánh - Diêm Trường) vào Quảng Nam, Quảng Ngãi để liên hệ với du kích Ba Tơ. Bí thư Tổng ủy Lê Minh được phân công trách nhiệm ra Quảng Trị, Quảng Bình, vào Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Từ năm 1942 đến tháng 7/1945, Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên đóng trụ sở làng Nghi Giang (xã Vinh Giang, Phú Lộc). Nhà ở của đồng chí Lê Minh là cơ quan ấn loát và phát hành các chỉ thị, tài liệu cách mạng của Tỉnh đảng bộ. Các tờ báo Giết giặc, Vì nước, Vì dân được in ấn ở đây. Nơi đây còn là trụ sở liên lạc, móc nối các hoạt động của Xứ ủy Trung Kỳ với các tỉnh, thành. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh thường xuyên về nhà đồng chí Lê Minh và ông Phan Duệ (xóm Cồn, Vinh Giang) để hoạt động và chỉ đạo phong trào. Nhà của đồng chí Lê Tự Thanh ở thôn Phụng Chánh (xã Vinh Hưng) cũng là nơi diễn ra nhiều cuộc làm việc và gặp gỡ của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy. Những bài giảng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh cũng được tập hợp và in “li tô” ở đây để phát hành trong toàn tỉnh.

Sự ra đời của Tổng ủy Diêm Trường cho thấy vị thế quan trọng của vùng đất khu III Phú Lộc trong những năm trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Tổng Diêm Trường trở thành căn cứ cách mạng của tỉnh Thừa Thiên Huế. Những người con của vùng đất Diêm Trường như Lê Minh, Lê Cương… trở thành những những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Thanh niên tổng Diêm Trường hăng hái tham gia tự vệ Việt Minh và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên. Còn hôm nay, về các làng quê bên kia đầm Cầu Hai, tôi có dịp đi qua xóm Phường (Nghi Giang, Vinh Giang), nơi có căn hầm ẩn náu của đồng chí Nguyễn Chí Thanh và ngôi nhà của đồng chí Lê Minh từng là trụ sở cơ quan Tỉnh ủy lâm thời, và ngược lên làng Phụng Chánh (Vinh Hưng), thăm lại mái nhà xưa của lão đồng chí Lê Tự Thanh ở xóm Bông Lang. Dấu xưa oai hùng như vẫn còn in nét, lại nhớ về Tổng ủy Diêm Trường một thời oanh liệt.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sông Hương ngày ấy… bây giờ

Khi hoàn thành cầu sông Hương sẽ là cầu đi bộ thứ 7 bắc qua dòng sông này, tính từ chợ Dinh lên ngã ba Tuần. Cùng với nó là cảnh quan đôi bờ được chỉnh trang, góp phần làm cho Huế hiện hữu đẹp lên từng ngày.

Sông Hương ngày ấy… bây giờ
Món ăn tinh thần trong quân ngũ

Vui vẻ, ấm áp tình đồng chí, đồng đội là cảm nhận của các chiến sĩ sau mỗi buổi sinh nhật đồng đội tại đơn vị của mình.

Món ăn tinh thần trong quân ngũ
Return to top