ClockThứ Bảy, 06/10/2018 13:05

Trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực

TTH - Lương không đủ trang trải cuộc sống, nhiều cán bộ, công chức phải xoay xở làm thêm. Thế nên, nhiều người kỳ vọng, cải cách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 sẽ tạo ra đột phá.

Chương trình hành động của Chính phủ về cải cách chính sách tiền lươngHôm nay diễn ra Hội nghị cán bộ toàn quốc, quán triệt Nghị quyết T.Ư 7

Lương cán bộ, công chức, viên chức cần đảm bảo đời sống để thực hiện tốt công việc

Làm thêm mới đủ sống

Với mức lương 3.0, khoảng 3,7 triệu đồng/tháng sau khi trừ bảo hiểm, N.T.L – cán bộ văn phòng của Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế không thể đủ trang trải nuôi con. Vợ anh cũng là viên chức, hai vợ chồng phải bươn chải bán hàng online kiếm thêm thu nhập. Anh L. chia sẻ: “Vợ chồng tôi người từ Nghệ An, người từ Hà Tĩnh vào Huế lập nghiệp, khó khăn trăm bề. Mức lương ấy chỉ có thể đủ chi tiêu cá nhân, đâu lo đủ cho gia đình".

N.T, cô bạn thời sinh viên được giữ lại trường nhưng sau mười mấy năm làm giảng viên, dù học vị đến tiến sĩ nhưng lương cũng chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. T. tâm sự, mức lương ấy tạm đủ sống. Hàng tháng, còn bao nhiêu khoản phải chi, tháng nào cũng thiếu trước hụt sau. T. phải làm kim chi, sữa gạo lứt, các loại mặt nạ dưỡng da… để bán kiếm thêm thu nhập.   

Chuyện cán bộ, giảng viên đại học bán hàng online không còn hiếm. Cô bạn của tôi hài hước rằng, giờ đến trường đại học bạn dạy, chỉ cần đi quanh trường cái gì cũng có, từ đồ xách tay cho đến thực phẩm sạch, đồ ăn home made... Trong câu chuyện trước đó với giảng viên Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế, tình trạng này cũng phổ biến. Lương không đủ sống, nhiều cán bộ mở bán hàng lưu niệm ở phố đi bộ, một số người buôn bán online đủ các dạng: shop quần áo, trang trại nuôi gà, bán hàng ăn... Dẫu làm việc ngoài giờ nhưng việc bán hàng hẳn nhiên vẫn ít nhiều ảnh hưởng đến chuyên môn.

Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cho rằng: “Chế độ tiền lương hiện chưa khuyến khích được người tài làm việc cho các cơ quan Nhà nước. So với mức sống hiện nay, mức lương còn thấp, trong khi chi phí từ lương không chỉ lo ăn uống hàng ngày mà còn rất nhiều thứ cần cho sinh hoạt, quan hệ xã hội”.

Lương phải là động lực

Dù sau 4 lần cải cách với 14 lần điều chỉnh lương cơ sở nhưng mức tăng lương chủ yếu chỉ đủ bù trượt giá, chưa bảo đảm nhu cầu sống cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức. Hệ thống lương hiện nay chưa có sự khác biệt trong cơ chế trả lương cho các loại công việc khác nhau. Việc tăng lương còn cào bằng, chủ yếu dựa vào thâm niên và bằng cấp chứ không dựa vào công việc, chức vụ được giao đảm nhận, tạo ra sức ì lớn. Việc nâng lương đến hẹn lại lên, đó chính là chỗ dựa cho một bộ phận cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

Theo ông Hà Văn Tuấn, trả lương theo năng lực, vị trí việc làm không còn là câu chuyện mới, nó được nhắc đến từ lâu. Chính vì vậy, khi Nghị quyết 27 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp được ban hành, đã nhận được sự đồng tình mạnh mẽ của người dân. Đây được xem là quyết định có tính lịch sử nhằm tạo ra những đột phá trong chính sách tiền lương. Trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động.

Chính sách tiền lương được cải cách sẽ bãi bỏ hệ thống bảng lương được coi là quá phức tạp, chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo mang tính bình quân, cào bằng hiện nay bằng các bảng lương mới đơn giản và phù hợp hơn, bảo đảm không thấp hơn mức lương hiện hưởng. Cô Quỳnh Hương, giảng viên Trường đại học Khoa học – Đại học Huế cho hay: “Tiền lương phải là thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình họ. Việc trả lương theo chức vụ, vị trí thay vì thâm niên sẽ hợp lý hơn. Người công tác lâu năm cũng như người trẻ, được đánh giá chủ yếu qua hiệu quả làm việc, tạo được động lực cho cán bộ, công chức phấn đấu, thi đua, nâng cao hiệu quả công việc”.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương. Chương trình phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2021 thực hiện áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị. Đến năm 2030, thực hiện nâng mức tiền lương của khu vực công phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách Nhà nước. Tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

Ông Hà Văn Tuấn cũng cho rằng, với thiết kế của đề án, đảm bảo tiền lương khu vực công sẽ tiệm cận dần và không chênh lệch với tiền lương khu vực doanh nghiệp để khu vực Nhà nước có thể thu hút được nhân lực chất lượng cao với chế độ tiền lương thỏa đáng.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng. Tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Một thành phố trực thuộc Trung ương đang được hình thành, và Huế hứa hẹn sẽ trở thành nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4 Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng
Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3: Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội

Mặc dù Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chưa lâu, song những định hướng của bản quy hoạch dường như đã được tỉnh “thực tiễn hóa” khá sớm, đặc biệt các phương án phát triển kinh tế - xã hội.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3 Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội
Return to top