ClockThứ Tư, 23/03/2011 17:53

Trắc bách diệp - cây xanh vị thuốc

TTH - Một trong những cây xanh được sử dụng làm dược liệu lâu đời và phổ biến nhất phải kể đến là cây trắc bách diệp, còn được gọi là trắc bá diệp. Tên gọi này có được từ việc phiên âm tiếng Trung Quốc. Đây là một loài cây hạt trần, thuộc họ tùng bách (Cupressaceae), với tên khoa học là Platycladus orientalis (các tên đồng danh là Thuja orientalis, Biota orientalis), có nguồn gốc ở Trung Quốc nên có tên tiếng Anh là Chinese arbortivae, phân bố ở các tỉnh Quí Châu, Cam Túc, Tứ Xuyên. Ngoài ra còn thấy phân bố ở Nhật Bản, Bắc Triều Tiên, Ấn Độ, Bắc Iran.


Trắc bách diệp là loại cây gỗ nhỏ thường xanh hoặc cây bụi lớn, phân cành nhiều, cành xếp theo mặt phẳng thẳng đứng hơi chếch, có dạng như lá kép, từ đó đã được gọi tên như đã dẫn. Lá rất nhỏ, màu xanh sáng, dạng vảy dẹt, xếp theo 4 hàng lợp lên nhau. Do kiểu cành và màu sắc lá đặc trưng tạo cho cây có sắc thái lạ mắt, nó đã được nhiều nơi trên thế giới dẫn giống trồng làm cây cảnh. Ở Việt Nam, cây được nhập trồng từ lâu, đã thích nghi cao độ, sinh trưởng, phát triển khỏe như một loài cây bản địa. Tán cây có dạng hình chùy chóp nón, nếu được chăm bón và sửa cành cẩn thận dưới điều kiện chiếu sáng toàn phần sẽ tạo được những cây tỏa tán đều, tròn trịa, dạng trứng tròn, hao hao một quả cầu xanh. Từ đó, giới chơi cây cảnh còn gọi nó với cái tên trắc cầu.

Tuy xuất thân từ vùng á nhiệt đới mát mẻ, nhưng cây khá dễ tính, sống được ở nhiều nơi trên các vùng nhiệt đới. Cây thường ưa sáng, đất ẩm mát, có độ phì khá, nhưng cũng chịu được che bóng một phần, đất kém dinh dưỡng và trải qua nhiều tháng nắng hạn trên nhiều loại thổ nhưỡng khác nhau. Tất nhiên, để có những cây ngoại hình đẹp, cân đối, sắc lá tươi sáng cần đáp ứng các điều kiện tối ưu cho nó. Cây có thể trồng đất hay trồng chậu. Khi trồng đất trong sân vườn, công viên, muốn cây sinh trưởng phát triển bình thường và có ngoại hình cân đối, đẹp mã, cần chọn những khoảnh không gian mở để cây không bị rợp bóng nhiều giờ trong ngày. Cũng cần chú ý độ ẩm nơi trồng, nên chọn nền đất thoát nước tốt để tránh úng vào những thời điểm mưa kéo dài, tưới đủ ẩm trong những ngày nắng nóng và thỉnh thoảng bón bổ sung phân cho cây, đặc biệt là lân và kali. Khi trồng chậu cần để chậu những nơi thông thoáng, được chiếu sáng toàn phần, ngoài việc chăm bón như trồng đất, thỉnh thoảng xoay hướng chậu để tán cây tỏa đều. Một số nơi cũng trồng trắc bách diệp làm hàng rào chắn gió hoặc trồng chấm phá trong các công viên.

Có thể nhân giống cây bằng cách gieo hạt hay giâm cành. Cây sinh trưởng chậm, vì vậy, trong những năm đầu tiên cần bảo vệ kĩ càng để giúp cây non tránh các tác nhân bất lợi như giá rét, khô hạn, gió nóng, úng nước và cả sâu bệnh.
Ngoài tác dụng làm cảnh, cây còn được dùng làm thuốc. Bộ phận thường được dùng làm thuốc là hạt và lá. Hạt là vị thuốc quen thuộc, hầu như tài liệu dược học cổ truyền nào cũng có ghi chép dưới tên gọi “bá tử nhân”, tiếng La-tinh là Semen biotae (hạt của cây Biota). Vị thuốc này còn được gọi là trắc bá tử nhân, bách tử nhân…, có tác dụng dưỡng tâm, an thần, nhuận trường, chữa chứng mồ hôi trộm. Lá có tác dụng bổ âm, lương huyết, chỉ huyết, trừ phong thấp. Cũng có tài liệu cho rằng cả hạt và lá đều có tác dụng chống hen, trừ nấm, hạ sốt, giảm ho, long đờm, làm êm dịu, lợi tiểu, trợ tiêu hóa… Như vậy, trắc bách diệp là một loài cây xanh đa tác dụng, vừa là một nguồn gen đẹp để tôn tạo cảnh quan, phòng hộ chắn gió, lại vừa là nguồn dược liệu quí, đáng được bảo tồn và phát triển.
Ở Huế, cây trắc bách diệp đã được dẫn giống trồng làm cảnh từ lâu. Hiện nay, nó xuất hiện khá phổ biến ở nhiều vườn chùa, sân vườn công sở, trường học, tư thất và các công viên dưới dạng trồng đất hay trồng chậu. Nhiều nhà sản xuất cây cảnh ở Huế và vườn ươm cây xanh của Trung tâm Công viên Cây xanh lâu nay cũng đã thường xuyên nhân giống để đáp ứng nhu cầu xã hội.
Đỗ Xuân Cẩm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top