ClockThứ Ba, 24/12/2013 21:37

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

TTH - Với sự bình chọn của chính phủ hai nước Việt Nam và Hàn Quốc, cơ quan Xúc tiến thương mại Hàn Quốc vừa trao giải thưởng trách nhiệm xã hội (CSR) cho sáu doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó Tập đoàn Hwaseung Vina được bình chọn là DN ưu tú nhất trong hoạt động CSR, được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư Việt Nam, bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc.
Sự vinh danh và tưởng thưởng này đã cho thấy một cách làm nghiêm túc, và nhiều hơn là một sự đầu tư nghiêm túc của các DN Hàn Quốc tại Việt Nam. Một thông tin khác cũng cho hay, cho đến nay, vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đang đứng thứ 3, sau Nhật Bản và Singapore với tổng vốn đăng ký là 28,7 tỷ USD ở 3.480 dự án.
 
Thật ra mà nói thì thuật ngữ “trách nhiệm xã hội” và chỉ số CSR đã không còn là quá lạ lẫm trong hoạt động của các DN, nhất là khi hoạt động của các DN đã được đánh giá, nhìn nhận trong xu thế hướng đến phát triển bền vững, hay nói một cách khác là tăng trưởng xanh. Các khía cạnh được xem xét khi đánh giá tiêu chí CRS của DN không chỉ ở cải tiến/hiện đại điều kiện, môi trường làm việc cũng như ứng xử với người lao động; các cam kết về chất lượng sản phẩm và dịch vụ hậu mãi, tính trung thực trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm, bảo đảm an toàn sức khoẻ cho cộng đồng hay ở các hoạt động từ thiện, hoạt động xã hội khác mà còn bao gồm cả việc bảo vệ môi trường tự nhiên như một yêu cầu bắt buộc đối với DN. Điều này còn đặc biệt quan trọng hơn đối với các DN có khả năng gây ô nhiễm và có tác động xấu đến dân cư, cộng đồng từ khả năng gây ô nhiễm này. Chính vì thế, để giảm thiểu nguy cơ, khâu đánh giá tác động môi trường đã được tính toán ngay từ lúc hình thành dự án, đồng thời phải nghiêm túc thực hiện điều đó một cách trung thực suốt trong quá trình vận hành.
 
Cho dù vẫn còn là vấn đề khá mới mẻ và được hiểu theo nhiều cách khác nhau nhưng trong quá trình phát triển của mình, nhiều DN của chúng ta cũng đã đưa vào áp dụng chỉ số CSR và đang nỗ lực xây dựng nó trong quá trình vận hành. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, việc công nhận các DN được trao giải thưởng CSR của Việt Nam hãy còn mỏng và có thể, còn chưa được nghĩ tới, hay chí ít là các DN được công nhận có CSR chưa được cộng đồng biết đến như nó cần có. Thay vào đó, người tiêu dùng lại nghe/đọc/xem trên các phương tiện thông tin truyền thông về các nhà máy xả thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; trong đó “đình đám” nhất là vụ Công ty Vedan (Long Thành, Đồng Nai) “khai tử” luôn dòng sông Thị Vải, Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái chôn thuốc trừ sâu cực độc và ảnh hưởng đến cả một khu vực dân cư rộng lớn ở Thanh Hoá...
 
Trên địa bàn tỉnh, bên cạnh những nhà máy, công ty đang vận hành một cách có trách nhiệm, đồng thời từng bước xây dựng các yếu tố hướng đến việc thực hiện các tiêu chuẩn CSR, việc một số DN, nhà máy vi phạm các quy chuẩn về môi trường (trước khi có sự thể hiện các tiêu chuẩn CSR) cũng là điều đang xảy ra, dù ở những mức độ khác nhau, thậm chí việc thiếu trách nhiệm này đã dẫn đến phản ứng do những bức xúc lưu cữu từ phía người dân trong một khoảng thời gian dài mà việc người dân thôn Thượng An (xã Phong An, huyện Phong Điền) dùng bao tải và cát lấp tất cả cống dẫn, thoát nước Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế (thuộc Chi nhánh Công ty TNHH MTV Thực phẩm và Đầu tư FOCOSEV) đầu tháng 11 vừa qua là một ví dụ. Tại diễn đàn HĐND trong kỳ họp mới đây, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Đình Đấu cũng cho hay, sở đã thanh tra, ra quyết định xử phạt 260 triệu đồng đối với nhà máy này, đồng thời ra quyết định xử phạt trên 1 tỷ đồng đối với một số DN, cơ sở nuôi tôm trên cát trên địa bàn. Ông cũng đồng thời lưu ý một số tác động tiêu cực khác đối với môi trường từ xưởng pha chế thuốc trừ sâu ở Hương Thuỷ và nguy cơ từ các nhà máy chế biến dăm gỗ trên địa bàn.
 
Xem ra, việc xây dựng và vận hành tiêu chuẩn để DN được công nhận CSR hãy còn là điều khó khăn, không chỉ riêng với bất cứ một địa phương nào. Bên cạnh việc động viên, khuyến khích, vinh danh và tưởng thưởng, cần phải có một chế tài, đủ nặng và nghiêm khắc về phương diện pháp lý để DN nhìn vào đó mà điều chỉnh lại chính mình trước khi bị công luận lên tiếng về phương diện đạo đức.
Hạnh Nhi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 500 đoàn viên công đoàn được tập huấn nghiệp vụ

Sáng 24/4, Công đoàn Đại học Huế tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết đại hội Công đoàn các cấp nhiệm kỳ nhiệm kỳ 2023- 2028 và tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động công đoàn.

Gần 500 đoàn viên công đoàn được tập huấn nghiệp vụ
Phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân

Sáng 24/4, tại Khu công nghiệp huyện Phong Điền, Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2024 với chủ đề "Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng" và Tháng Công nhân với chủ đề "Đoàn kết công nhân - Triển khai Nghị quyết".

Phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

Chiều 22/4, Ban Bí thư tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 32 -CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp
Return to top