ClockThứ Bảy, 02/09/2017 05:41

Trái ngọt Phong Xuân

TTH - Vượt qua muôn vàn khó khăn trong những tháng năm đầu khai hoang, giờ đây người dân vùng kinh tế mới Phong Xuân (Phong Điền) đã “an cư, lạc nghiệp”.

Vượt qua gian khó

Ông Hồ Ngọc Nhuẫn ở thôn kinh tế mới (KTM) Vinh Phú vẫn còn nhớ như in những ngày sau giải phóng, cả gia đình dắt nhau từ Quảng Điền lên vùng đất mới Phong Xuân khai hoang, sinh sống.

Mô hình trồng lạc ở khu KTM Phong Xuân mang lại hiệu quả

Cảm nhận từ ngày đầu đặt chân đến đây là sự hoang sơ, nghèo khó. Sau một vài năm sinh sống, ông Nhuẫn muốn đưa gia đình trở về Quảng Điền. Nhiều đêm trăn trở, ông nghĩ phải chấp hành chủ trương, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước nên bám trụ đến bây giờ.

“Ngày mới lên định cư, vùng đồi Phong Xuân hầu như không có gì ngoài cỏ dại, lau sậy um tùm. Đất đai thì không thiếu nhưng phải bắt đầu từ đâu, khai hoang như thế nào để trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả là điều trăn trở của tôi và những hộ dân cùng cảnh. Rồi tiếng cuốc, tiếng cày từ ngày này qua tháng khác cũng “biến” những vùng đất hoang thành nương khoai, đồng sắn. Tận dụng nguồn lương thực tại chỗ, người dân chăn nuôi thêm lợn, gà... Cuộc sống tuy vẫn còn nhiều gian khó, nhưng bắt đầu dần dần ổn định”, ông Nhuẫn tâm sự.

Theo ông Nhuẫn, hồi đó, nguồn nước rất khó, người dân chưa thể khai hoang trồng lúa. Hơn nữa vùng đất đồi lúc này còn hiểm trở, bom đạn sót lại sau chiến tranh nên người dân e ngại trong việc khai hoang, be bờ trồng lúa. Mãi đến nhiều năm sau, chương trình rà phá bom mìn của tỉnh, huyện được triển khai đã “dọn sạch” những hố bom đạn trên vùng đất Phong Xuân.

Rồi hồ đập Quao được đầu tư xây dựng, tạo nguồn nước dồi dào phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Đây cũng là “kỳ tích” tạo bước ngoặt trong phát triển sản xuất của người dân các khu KTM Phong Xuân và các vùng lân cận”.

Có nguồn nước, những ruộng lúa bắt đầu hình thành, từ 5 ha, 10 ha đến nay mở rộng hàng trăm ha. Năng suất lúa lúc này tuy còn thấp nhưng đã giải quyết phần nào nguồn lương thực, không còn cảnh ăn đong từng bữa, hay phải mua ở các vùng đồng bằng. Sẵn có nguồn nước từ đập Quao, người dân đào thêm ao hồ nuôi cá để cải thiện bữa ăn. Có hộ nuôi đến 2-3 hồ cá không chỉ cung cấp thực phẩm hằng ngày mà còn tăng thêm thu nhập.

Đất “nở hoa”

Từ ngày đất nước đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân dần đi vào ổn định, kinh tế phát triển. Hộ ông Hồ Ngọc Nhuẫn ở thôn Vinh Phú ngoài trồng sắn, lúa, lạc, hoa màu còn có thêm mô hình trồng tiêu, trồng rừng kinh tế... Bình quân mỗi năm gia đình ông Nhuẫn thu nhập trên 100 triệu đồng, xây dựng được nhà kiên cố khang trang.

Hộ ông Trần Văn Sơn ở thôn Vinh Ngạn 2, từ ngày mới lên định cư, sinh sống ở Phong Xuân chỉ hai bàn tay trắng. Trải qua nhiều năm lận đận, đời sống gia đình ông Sơn từng bước ổn định. Cách đây chừng 10 năm, được các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương tín chấp vay vốn, ông Sơn đầu tư chăn nuôi lợn, gà theo mô hình gia trại, rồi phát triển thành trang trại. Quy mô trang trại của gia đình ông 5-7 năm gần đây, hằng năm luôn có từ 300-400 con lợn và 10 ngàn con gà, doanh thu từ 2-2,5 tỷ đồng, lãi ròng 200 triệu đồng. Không chỉ xây được nhà kiên cố khang trang, cách đây mấy năm ông còn tậu chiếc ô tô trị giá 700 triệu đồng.

Hầu hết hộ dân các khu KTM trên địa bàn Phong Xuân đều ổn định cuộc sống. Từ 5 năm trở lại đây, sắn nguyên liệu được Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Phong An bao tiêu sản phẩm, giá ổn định. Hàng trăm hộ KTM khá giả nhờ trồng sắn. Năng suất lúa tăng dần hằng năm, người dân còn kết hợp chăn nuôi, trồng cây ăn quả theo mô hình gia trại mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Nhiều hộ thu nhập từ 50 triệu đến hàng trăm triệu đồng/năm, con cái ăn học đến nơi đến chốn. Được chính quyền địa phương, các ban ngành quan tâm, bình quân mỗi hộ KTM được cấp 1-2 ha rừng trồng kinh tế.

Nghề trồng sắn, trồng rừng trên địa bàn xã còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở các khu KTM. Đến mùa thu hoạch sắn, hay chăm sóc, thu hoạch gỗ rừng trồng, người dân đều tham gia mang lại nguồn thu nhập đáng kể, trung bình mỗi ngày 200 ngàn đồng...

Đời sống ổn định, kinh tế phát triển, người dân sẵn sàng hưởng ứng, tham gia cùng với Nhà nước xây dựng hệ thống giao thông, hạ tầng trên địa bàn. Với những công trình lớn, người dân chỉ tham gia ngày công, còn những công trình vừa và nhỏ, bà con đóng góp thêm kinh phí xây dựng.

Hệ thống đường sá đến nay đã được bê tông, nhựa hóa, đê bao thủy lợi được xây dựng kiên cố... tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, cơ giới hóa trong sản xuất cho người dân. Tính riêng năng suất lúa những năm gần đây, bình quân đạt từ 55-57 tạ/ha. Mô hình trồng sắn cho thu nhập 50-60 triệu đồng/ha, lạc 1,5-2 triệu đồng/sào, mô hình trồng rau cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha...

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân, ông Trần Văn Cân thông tin, trên địa bàn xã có 16 thôn, trong đó có 9 thôn KTM với khoảng 650 hộ, chiếm hơn một nửa dân số toàn xã. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 23 triệu đồng/năm, riêng hộ KTM 24 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 6%.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai

Chiều 28/3, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành phẫu thuật cho nhóm bệnh nhi Gia Lai. Đây là các trường hợp được Quỹ Friedens Kinder (Đức) tài trợ chi phí mổ.

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai
Tranh bích họa làm đẹp trường học

Ngày 24/3, Chi đoàn Báo Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Đoàn Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế và Đoàn xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) tổ chức chương trình vẽ tranh bích họa tại các điểm trường trên địa bàn xã Phong Xuân.

Tranh bích họa làm đẹp trường học
Return to top