ClockThứ Năm, 23/10/2014 09:49

Trái phép nhưng vẫn chưa bị xử lý

TTH - 6 bãi tập kết cát sạn trái phép tập trung gần khu vực chân cầu Chợ Dinh tại xã Phú Thượng, huyện Phú Vang tồn tại trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân, gây bức xúc.
 
Chờ ảnh

 

“Không chịu nổi”

Theo phản ánh, người dân phải chịu đựng bụi, khói, tiếng ồn, đường sá xuống cấp và nguy cơ tai nạn giao thông từ hoạt động của 6 bãi tập kết cát sạn của các ông Hiển, Hùng, Nhiếp, Thuận, Phúc, Phú trong nhiều năm qua. Mức độ ô nhiễm ngày càng tăng. Cách đây gần 20 năm, bãi cát sạn của ông Hiển hình thành tự phát, tập kết cát sạn phục vụ nhu cầu xây dựng. Sau đó, thấy việc kinh doanh cát sạn làm ăn được, những bãi khác cũng tự phát hình thành, nằm sát bờ sông, ngay trong khu dân cư. Khoảng cách giữa những đống cát sạn cao ngất và nhà dân chỉ là con đường liên thôn hẹp. Hầu như nhà nào cũng suốt ngày đóng kín cửa nhưng vẫn chẳng ăn thua. Từ vật dụng sinh hoạt, từng bữa cơm và không khí để thở đều ám bụi. 5, 6 năm gần đây, các chủ bãi sắm máy móc hút cát sạn từ đò, tàu lên bãi và sàng cát, sạn cũng bằng máy móc, thay cho hình thức thủ công (dùng xẻng xúc), gây ra tiếng ồn vô cùng khó chịu. Nhà ông Lê Ghi bị “kẹp” giữa hai bãi cát sạn của ông Hiển và ông Hùng bức xúc: “Bất kể lúc nào, giữa khuya hay tờ mờ sáng, cứ có tàu về là người ta hút cát, sàng cát, máy móc ầm ĩ, không thể nào chịu đựng nổi. Cuộc sống của chúng tôi nhiều năm qua hết sức tồi tệ vì ô nhiễm tiếng ồn, khói, bụi. Nhiều khi gia đình vừa dọn cơm ra, cũng là lúc tàu chở cát về, khói đen ngòm “ập” vào nhà. Vậy là không ai dám ăn mâm cơm ám đầy khói đó nữa.” Điều khiến gia đình ông Ghi bức xúc hơn cả là đứa con trai đang học lớp 8 không thể học hành gì được khi tiếng máy hút, sàng cát ầm ĩ từ đầu buổi tối đến tận khuya. Cũng vì lý do đó mà vợ ông Ghi mắc chứng bệnh đau đầu kinh niên. “Nỗi niềm” của gia đình ông Ghi cũng là cực hình kéo dài năm này qua năm khác đối với những hộ dân trong khu vực, đang sống chung với ô nhiễm bởi hoạt động từ 6 bãi tập kết cát sạn trái phép gây ra.
Đừng muộn hơn nữa
Ông Lê Ngọc Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng xác nhận phản ánh của người dân về thực trạng đa ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài là có thật. Ngoài sống chung với khói, bụi, tiếng ồn, việc xe ben liên tục vào ra vận chuyển cát sạn gây nên tình trạng đường sá hư hỏng, do cát ướt đổ ra đường, ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Nhiều vụ tai nạn đã xảy ra. Năm nào cử tri cũng “kêu”, cũng kiến nghị. Chính quyền địa phương xã, huyện cũng đã nhắc nhở, lập biên bản, phạt hành chính. Theo thông tin từ Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Phú Vang, mức phạt mà huyện áp dụng có lúc lên đến 10 triệu đồng. Công an giao thông chốt chặn, xử lý xe chở cát vi phạm. Các chủ bãi cam kết giảm thiểu ÔNMT bằng các biện pháp tưới nước chống bụi, khắc phục tình trạng bùn đọng, hoạt động hút, sàng cát bằng máy móc gây tiếng ồn chỉ thực hiện trong giờ hành chính, ngày thứ bảy, chủ nhật không hoạt động.
Vậy nhưng, theo người dân sống trong khu vực, chỉ bãi của ông Hiển là có thực hiện việc tưới nước, chủ kinh doanh các bãi còn lại không hề “động tĩnh”. Thứ bảy, chủ nhật hay đêm khuya, sáng sớm, khi có đò, tàu về là các bãi hoạt động, mặc kệ người dân “điên đầu”. Chịu không nổi bụi và bùn, các hộ dân phải tự kéo ống ra đường để xịt, tưới. Đặc biệt, bãi cát sạn của ông Hùng (sử dụng diện tích đất do UBND tỉnh giao cho Công ty Nuôi trồng thủy sản Thừa Thiên Huế làm văn phòng giao dịch) gây ô nhiễm “nặng nề”. Chủ bãi này có tàu (lấy cát từ thượng nguồn về) công suất lớn, nên mỗi lần cập bờ gây rùng nhà dân, khói đen mù mịt. Chịu không nổi, một số người dân đã có những cuộc cãi cọ, ồn ào với chủ bãi.
Nhắc nhở có, phạt có, cam kết có. Tuy nhiên, cam kết cứ cam kết, phạt cứ phạt… rồi đâu vẫn hoàn đấy. Các bãi này còn hoạt động, dân còn chịu ô nhiễm. Theo ông Lê Ngọc Kiên, xử lý tận gốc các bãi tập kết cát sạn, mới mong giải quyết được những hệ lụy ÔNMT. Nhưng điều này thuộc thẩm quyền của cấp trên. Người dân trong khu vực đang “kêu cứu”, đề nghị chính quyền địa phương các cấp và cơ quan chức năng đừng để muộn hơn nữa, “xắn tay” xử lý triệt để các bãi tập kết cát sạn trái pháp luật, buộc họ di dời ra khỏi khu dân cư, chấm dứt hệ lụy ÔNMT, ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống, sức khỏe của dân.
Ông Lại Phước Khương, Phó Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Phú Vang:
“Quy hoạch xong sẽ cấp phép”
6 bãi cát tập kết cát sạn ở xã Phú Thượng hoàn toàn tự phát, không được cấp phép, gây ÔNMT. Năm 2011, huyện phối hợp với các ban ngành của tỉnh khảo sát, quy hoạch tại vị trí bãi ông Hùng (hiện nay) làm một điểm được cấp phép theo quy định đáp ứng đầy đủ các điều kiện về môi trường, an toàn giao thông… Muốn làm được điều đó, trước hết phải thực hiện thủ tục thu hồi đất (UBND tỉnh giao cho Công ty Nuôi trồng thủy sản Thừa Thiên Huế), chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sau đó thực hiện các bước tiếp theo như thành lập bến bãi, cấp phép hoạt động và đấu thầu. Ai trúng thầu phải thực hiện toàn bộ hoạt động theo quy định của Nhà nước. Tỉnh và huyện đã có nhiều cuộc họp (có mặt 6 chủ bãi) thông báo về vấn đề này. Các chủ bãi cát sạn đề nghị được cấp phép hoạt động tại địa điểm cũ (trong đó 2 doanh nghiệp có văn bản đề nghị), vì với diện tích 2.000m2 đất tại bãi ông Hùng (điểm quy hoạch) là quá hẹp. UBND tỉnh đã có văn bản trả lời không chấp nhận.
Ở góc độ pháp luật, những bãi này hoạt động bất hợp pháp, cơ quan chức năng, thẩm quyền có quyền cưỡng chế. Tuy nhiên, đây cũng là việc mưu sinh của người dân nên phải tìm cách “tháo gỡ”, quy hoạch xong tại một điểm được cấp phép, sẽ vận động họ di chuyển đến, nếu không thực hiện sẽ bị cưỡng chế. Hi vọng cuối năm 2014 hoặc đầu quý II năm 2015, sẽ hoàn thành việc cấp phép tại điểm đã quy hoạch.
Quy hoạch tại một điểm xa khu dân cư như nguyện vọng của người dân là rất tốt. Chúng tôi đang khảo sát, tìm các điểm xa khu dân cư tại xã Phú Mậu, bởi xã Phú Thượng không còn quỹ đất.
Bà Nguyễn Thị Ái (người dân):
“Phải giải quyết triệt để”
Chúng tôi đã phải hứng bụi, khói, tiếng ồn… quá lâu, mức độ ô nhiễm ngày càng tăng. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Nếu những bãi tập kết kinh doanh cát sạn này trước đây được cấp phép, thì nay theo chủ trương của tỉnh, phải di dời ra khỏi khu dân cư vì gây ô nhiễm. Huống hồ, cả 6 bãi nói trên đều hoạt động trái phép. Lẽ ra chính quyền các cấp và cơ quan chức năng có thẩm quyền phải dứt khoát dẹp bỏ, để bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, trả lại cho người dân cuộc sống bình thường. Nếu nói vì vấn đề an sinh xã hội, mưu sinh của các chủ bãi mà “nương tay” cho hoạt động trái phép của họ là không công bằng. Chẳng lẽ vì lợi ích của một số người mà coi nhẹ lợi ích chính đáng của chúng tôi?
Phương án quy hoạch và cấp phép tại một điểm để đưa 6 bãi về đó là việc rất đáng mừng. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng ý quy hoạch và cấp phép tại vị trí bãi ông Hùng hiện nay. Nếu làm như vậy thì xem như chưa giải quyết điều gì cả. Bởi vị trí này cũng vẫn nằm trong khu dân cư và hiện nay chúng tôi đang phải chịu ô nhiễm khói, bụi, tiếng ồn… Đề nghị các cấp chính quyền giải quyết rốt ráo, quy hoạch một điểm xa khu dân cư để đưa những bãi này về đó. Đã giải quyết phải giải quyết vấn đề thật triệt để, tránh tình trạng dù bãi cát sạn được cấp phép, nhưng nằm trong khu dân cư thì vẫn gây ô nhiễm. 
Phạm Thùy Chi (ghi)
 
Bài ảnh: Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để đường tranh bích họa “sống” cùng thời gian

Những bức tranh bích họa dọc theo nhiều tuyến đường ở Huế được coi là địa điểm check in hấp dẫn, thu hút nhiều du khách và giới trẻ. Song, theo thời gian, những hình ảnh sống động, đẹp mắt, độc đáo và ý nghĩa ấy đã hoen ố, một số bức bị xuống cấp, bôi bẩn, mốc meo.

Để đường tranh bích họa “sống” cùng thời gian
Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào

Qua quan sát, diện chưa rộng lắm nhưng tôi đã “lờ mờ” nhận ra xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường (thường được gọi là xu hướng tiêu dùng xanh) đang dần hiện hữu và được coi trọng, nó không ở chỗ này thì ở chỗ kia. Xu hướng này chỉ có được khi đi cùng với nhận thức và những lĩnh vực tiêu dùng văn minh.

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào
Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện vọng chung của cả cộng đồng xứ Huế. Nó đã đi vào đời sống và đang dần tạo thành thói quen tự giác nơi mỗi thành viên…

Buồn vui chuyện… rác
Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn

Suy cho cùng, ý thức người dùng mới là quan trọng nhất. Nhưng nói ý thức chung chung thì khó quá, còn làm thế nào để buộc mọi người phải có ý thức trong cái sự xử lý "đầu ra" tế nhị và nhạy cảm kia thì lại là câu hỏi không hề dễ.

Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn
Return to top