ClockThứ Sáu, 10/03/2017 06:16

Trằm Nãi, một lần lênh đênh

TTH - Người ta gọi nơi ấy là gì? Vì sao vùng nước rộng ấy không được sử dụng vào một công năng nào đó? Giá mà được ngồi trên một con thuyền lênh đênh giữa mặt hồ hẳn sẽ thú vị lắm... Những điều ấy đã nhiều lần quay trở lại trong tôi mỗi lần ngang qua một vùng nước khá lớn ở ven Quốc lộ 1A, thuộc địa phận Phong Điền. Cứ thử hình dung giữa một vùng nóng bỏng, chỉ có màu xanh bàng bạc của tràm hoa vàng, chợt nhiên hiện ra một vùng nước rộng, xanh, sẽ thấy lòng mình dịu lại.

Sau này, trong những cuộc trò chuyện, mới biết rằng ở Phong Điền có nhiều vùng ngập nước như thế. Người dân địa phương quen gọi chúng là trằm, với những cái tên mộc mạc, dân dã như trằm Niêm, trằm Thiềm, trằm Hóa Chăm, trằm Sen, trằm Ô Môi, trằm Bàu Bàng... Trằm cũng chính là nơi có nguồn nước dự trữ cho đời sống hàng ngày, giữ màu xanh cho cây trái trong mùa khô hanh khá dài mỗi năm bên cạnh các khe, suối, hói, bàu được phân bố rải rác khắp vùng rú cát của Phong Điền. Đây cũng là nơi cư trú cho các loài thủy sản nước ngọt với số lượng lớn về chủng loại.

Trằm Nãi, một ngày nắng

Thực ra thì sực háo hức của tôi đã được bắt đầu khi màu xanh thẳm của nước hiện ra phía sau những rặng tràm. Lúc ấy, đang là một ngày nắng sau tết Nguyên đán. Dù sức nóng cũng hãy còn chừng mực, nhưng mặt hồ rộng và xanh đến thỏa thuê mắt nhìn. Những dải cây chạy lúp xúp ven mặt nước. Xanh và yên tĩnh đến nao người.

Người đồng hành trong chuyến đi hôm ấy đã chỉ cho tôi những đám tràm, chổi sể, sim mua, dứa dại và những đám cỏ năn, cỏ lác, cả những bụi choại, dành dành... trên đường đến trằm Nãi. Lúc ấy đã gần trưa. Ngày có nắng nhưng nhiều gió. Dù vậy, có thể thấy nắng lấp loáng trên mặt hồ. Trên chiếc thuyền nhỏ, chúng tôi đi vào vùng trằm với những tiếc xuýt xoa không chỉ về độ rộng mà còn vì vẻ đẹp lặng lẽ, nhu mì của những rặng tràm nước soi bóng. Khác với Rú Chá (Hương Trà) - mà cũng có thể vì tôi đã đến nơi ấy trong mùa cạn nước - Trằm Nãi là một sự thu hút khác với hết thảy những gì thô mộc, tự nhiên nhất mà nó có, cả với sự sạch tưng như chưa từng bị ai đó quấy rầy. Tôi cũng không rõ là có phải vì đứng chân trong nước không, nhưng cái cách mà tràm choãi những chiếc tán khẳng khiu nhưng có vẻ rất dẻo dai cứ mang đến một cảm giác nhẫn nại, chịu đựng và ân cần.

Có lẽ, cũng không mấy ai biết, dưới mặt nước mênh mông kia, trằm Nãi cũng như các “đồng đội” khác của mình mà tôi đã kể ở trên còn chứa một trữ lượng lớn than bùn được hình thành từ xác chết thực vật phân hủy trong nhiều triệu năm, từ kỷ thứ tư. Một tài liệu khác cho thấy, tổng diện tích chứa than bùn của các vùng trằm mà Phong Điền đang sở hữu vào khoảng trên 2.281 ngàn m2 với độ dày từ 1-5 m và qua thăm dò khảo sát, chất lượng than bùn ở đây được xếp loại từ khá đến tốt.

Nhưng khi lênh đênh trên trằm Nãi, câu chuyện của chúng tôi lại về những chuyện khác. Ấy là khi anh bạn trao đổi với một cán bộ xã đang làm “guide” kiêm lái thuyền cho chúng tôi về việc làm thế nào bảo tồn nguyên vẹn vùng trằm nước để sau này có thể đưa vào phục vụ du lịch. Lúc ấy, tôi mới biết rằng, đã có những ý tưởng ban đầu từ lãnh đạo huyện trong việc phát triển các vùng trằm hiện có, dựa trên sự đánh giá khả năng, vị trí địa lý cũng như những cơ hội khác để phát triển du lịch sinh thái, sân golf cho những năm về sau. Câu chuyện đã làm tôi mường tượng đến những bungalow (dạng nhà nhỏ riêng biệt, đơn giản, hài hòa với thiên nhiên) trước khi là những bungalow resort hay đẳng cấp hơn là một và có thể là những khu resort nào đó. Tại sao lại không thể kỳ vọng, vì vùng này chỉ cách trung tâm huyện lỵ khoảng 10km và Phong Điền cách TP. Huế cũng như TP. Đông Hà (Quảng Trị) vào khoảng trên 40km và giao thông gần như không còn là vấn đề.

Tôi cứ nghĩ hoài, tại sao lại không thể thiết kế và tổ chức một tour du lịch dã ngoại và đưa nó vào hoạt động thường xuyên ở đây, với những câu chuyện được viết lại về vai trò của vùng trằm trong sản xuất và đời sống; với những câu chuyện được sưu tầm và kể lại về những năm tháng mà những người hoạt động cách mạng đã dựa vào vùng trằm để nuôi quân và đánh giặc... Tại sao lại không khi có thể tổ chức những tour dạo trên vùng trằm trên những chiếc thuyền dân dụng, với những mái chèo khẽ khàng, nhưng câu chuyện rủ rỉ trong giọng kể và có thể đâu đó vọng lên một điệu dân ca nào đó như tôi đã từng được chiêm nghiệm ở vùng ngập nước Tràng An (Ninh Bình), hay mải miết trong tay chèo và màu áo bà ba xanh thắm của các cô gái An Giang ở Tràm Trà Sư?

Thì cũng cứ mường tượng thế. Biết đâu rồi lại có ý tưởng hay kỳ vọng nào đó về đích. Ít nhất thì cũng đã biết về việc đặt vấn đề quy hoạch vùng ngập nước này cho sự phát triển dài lâu từ Bí thư Huyện ủy Phong Điền.

Dù vậy, tôi vẫn ước chi khoảng trưa đó, trên trằm Nãi, mình có thêm một chiếc áo phao để thoải mái nhìn mênh mông mặt hồ, để có thể nghe tiếng trằm thở trong gió...

Bài, ảnh: Nguyễn Sông Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Ngày 6/4, đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam do ông Nguyễn Tiến Cường, Quyền Trưởng Ban Kinh tế-Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với HND huyện Phong Điền và kiểm tra một số mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Khắc phục nhà tốc mái do giông lốc

Sáng 31/3, chính quyền địa phương các huyện A Lưới, Phong Điền đã huy động lực lượng dân quân địa phương, các ban ngành hỗ trợ người dân khắc phục nhà bị tốc mái.

Khắc phục nhà tốc mái do giông lốc
Return to top