ClockThứ Năm, 24/04/2014 05:31

Trăm năm giữ tiếng đàn Chiêm Huế

TTH - Một tiệm đàn bảng hiệu cũ kĩ, đơn sơ nhưng là điểm đến của nhiều khách hàng lớn tuổi. Trên các diễn đàn trang mạng xã hội, một số bạn trẻ cũng truyền tin về độ bền những cây đàn được làm ở đây…

Giữ nghiệp cha ông

Đến đường Phạm Văn Đồng (TP Huế), không mất nhiều thời gian, có thể nhìn thấy một tấm bảng hiệu tự thiết kế đã cũ, một căn nhà nhỏ ngổn ngang gỗ, sơn… Chủ nhân hiệu đàn - người đàn ông ngoài 40 với đôi tay chai sần đầy vec-ni và vết cắt quệt tay lấy chiếc ghế cũ mời khách ngồi. Anh là Trương Hữu Hòa, thế hệ thứ ba của tiệm đàn Chiêm Huế - Tân Văn.

Anh Hòa với cây đàn do cha làm ra được khách hàng gửi tới sửa.

Gần 100 năm trước, ông nội anh Hòa là Trương Hữu Chiêm chế tác đàn cổ tiếng tăm ở vùng miền Trung nên được người trong nghề gọi với nghệ danh “Chiêm Huế”. Từ nhỏ, thấy cha và ông miệt mài chế tác đàn nên anh Hòa thường xuyên lân la, tìm hiểu. Thấy cháu có khiếu, ông nội truyền luôn các ngón nghề cho Hòa. 12 tuổi, cậu bé Trương Hữu Hòa đã thuộc lòng bản vẽ các loại đàn tân, cổ lúc bấy giờ và có thể ra gỗ, ráp thùng đàn như cha. Năm 1988, anh kế thừa cửa hiệu với tên gọi Chiêm Huế - Tân Văn.

Trào lưu chơi guitar thịnh hành, mặt hàng này trở thành nguồn chính nuôi sống gia đình Trương Hữu Hòa. Tiếng tăm một thời của ông “Chiêm Huế” khiến nhiều khách hàng tìm đến cửa hiệu anh đặt những loại đàn cổ. “Có lần, một ông người Pháp đi cùng hướng dẫn viên gặp tôi muốn đặt cây đàn tam Huế. Tôi hẹn một tuần sau đến lấy. Lúc bàn giao, khách dùng thước đo một cách tỉ mỉ rồi lấy từ trong túi ra bức ảnh ố vàng so sánh, tấm tắc khen. Tôi được thưởng thêm tiền bằng đúng giá tiền công làm đàn. Nói chuyện rồi mới vỡ lẽ: ông ta là nhà sưu tầm đàn cổ. Loại đàn này về sau tôi có làm thêm một cây cho một vị khách già mà theo lời ông ta, đó là bản vẽ do bà Từ Cung để lại. Tiếc là sau này, ông ta đã bán cây đàn cho người khác”, anh Hòa kể về những kỷ niệm đời nghề.

Tư vấn cho khách hàng đến tiệm. Ảnh: L. Tuệ

Lẫn trong những phách gỗ làm thùng đàn là quyển sổ với vô vàn ghi chép, trong đó tôi tình cờ gặp một lá thư tay với vài dòng vẻn vẹn: “Sửa lại giúp chú nhé! Đừng làm mới màu sơn vì chú muốn giữ nó như một kỷ niệm về ba cháu”. Anh Hòa vào nhà trong cầm ra một cây violon bạc màu giọng rưng rưng: “Đàn của ba tui làm đó chị ạ. Nó lớn hơn tuổi tôi. Chủ nhân cây đàn này kể, khi nhận được đàn, 4 năm sau tôi mới chào đời. Bác ấy lớn tuổi, không đi được nên nhờ người gửi cây đàn về cho tôi chỉnh âm kèm theo mấy lời nhắn đây. Đây là sản phẩm của đời trước nên tôi cứ theo thông lệ là sửa chữa miễn phí”.

Không chỉ có đàn của người khách đặc biệt nói trên mà bất cứ nhạc cụ nào của Chiêm Huế - Tân Văn xưa và nay đều được người kế nghiệp tiếp tục bảo hành. Một “quy định” không giống ai của tiệm đàn gia truyền khiến bất cứ khách hàng nào khi đến Chiêm Huế - Tân Văn cũng muốn đặt cho được cây đàn mang về. Còn đối với người chủ tiệm, hạnh phúc trong “nghiệp” làm đàn chính là được bảo hành những tác phẩm của cha ông được người đời gìn giữ, nâng niu.

Một mình, một tiệm

Nghệ sĩ ưu tú Tôn Nữ Lệ Hoa, người gắn bó với âm nhạc truyền thống đất Cố đô kể rằng: “Thời còn sống, cố nghệ nhân Trần Kích chỉ chọn Chiêm Huế - Tân Văn để đặt đàn. Những cây đàn theo ông đi khắp nơi gửi tiếng hồn dân tộc đến với bạn bè thế giới. Ông Chiêm Huế có làm cho tôi một cây đàn tranh từ những năm 70 và quả thật, đó là cây đàn bền nhất mà tôi từng có”. Mai Văn Duy, một sinh viên trẻ đam mê nhạc hiện đại có nhận xét khác: “Em mua guitare ở hai cửa hiệu nhưng vẫn chưa hài lòng cho đến khi có được một cây đàn từ Chiêm Huế - Tân Văn. Âm dây kết hợp với âm thùng khiến em như thấy mình tìm được người bạn tri âm”.

Bí quyết tạo nên những cây đàn có sức sống bền bỉ ấy theo anh Hòa chính là khẩu khuyết “thùng trắc, mặt ngô”. Hai loại gỗ này được chọn và xử lý kỹ bằng bí quyết gia truyền, sau đó là ráp và đưa keo sẽ giúp đàn lâu hư kể cả khi ngâm đàn trong nước nhiều ngày. Quan trọng nhất chính là khâu chỉnh âm, tạo nên linh hồn cho nhạc cụ. Lúc này, công phu tích lũy bao nhiêu năm làm nghề của người thợ mới phát tiết nhờ đôi tai thính biết chọn lọc âm thanh. “Càng lâu năm trong nghề thì kỹ năng chỉnh âm càng đạt độ tinh. Những người thợ hơn nhau ở chỗ đó”, anh Hòa thổ lộ.

Một mình, một tiệm, anh Hòa tự tay làm tất cả các công đoạn cho sản phẩm. Chính vì neo người nên không thể sản xuất đại trà và dễ thất hẹn với khách hàng. “Nhận lời ai là tui lên danh sách tuần tự để hoàn thiện từng loại đàn. Mình làm để giữ tiếng của cha, của ông nên không giàu được mà chỉ đủ nuôi vợ con thôi. Xu hướng người ta đặt đàn dân tộc ngày càng ít dần, thậm chí có những tên đàn bây giờ chỉ còn thấy trên bản vẽ của ông nội tôi truyền lại, không thấy nơi đâu làm nữa”, người giữ nghề gia truyền trăn trở.

L. Tuệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trùng tu di tích đình làng

Là địa phương có khá nhiều đình làng và di tích văn hóa lịch sử, thời gian qua TP. Huế ưu tiên nguồn lực bố trí vốn đầu tư nâng cấp, trùng tu các công trình đình làng nhằm góp phần bảo tồn và phục hồi, hướng đến tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tại các di tích.

Trùng tu di tích đình làng
Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Return to top