ClockThứ Năm, 14/03/2013 21:20

Trăm nghe, trăm thấy cũng không bằng

TTH - Tục ngữ ta có câu “Trăm nghe không bằng một thấy”. Ngụ ý câu nói là một lời khuyên dành cho mọi người về sự cần thiết của việc nhìn tận mắt, không nên tin theo nhưng lời đồn đại mà đôi khi phải gánh thiệt vào thân. Vậy nhưng, hình như thấy rằng như thế cũng chưa đủ, thế nên lại tiếp tục có câu “Trăm thấy không bằng một làm”.

Dạo này ở nông thôn tỉnh ta thấy ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hay và hiệu quả. Nó thể hiện sự mạnh dạn cũng như khả năng nắm bắt kiến thức khoa học kỹ thuật cũng như thời cơ của người dân. Trước đây không lâu, tôi thích và tâm huyết với mô hình làm nấm rơm ở các xã Phú Lương, Phú Đa thuộc huyện Phú Vang. Rơm rạ không thiếu ở nông thôn. Ngày trước thường được tận dụng để làm chất đốt hay các loại phân chuồng. Nay nhu cầu đó không còn, vậy nên ý tưởng tận dụng rơm rạ để làm nấm là rất hữu dụng, lợi cả trăm bề. Những năm gần đây, thấy có mô hình nhiều nuôi trông trồng xen canh cá- lúa, cá tôm ở những vùng có nhiều chân ruộng sâu, rồi mô hình nuôi ếch, nuôi các động vật hoang dã hay trồng các loại cây cảnh như hoa Đà Lạt trên đất Thừa Thiên Huế… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.

Đa số những mô hình làm ăn mới xuất hiện đều gắn liền với những ông chủ, bà chủ dám nghĩ dám làm, có khát vọng vươn lên. Chính từ khát khao đổi đời đó mà họ luôn biết tìm tòi, lắng nghe để nắm bắt nhu cầu cuộc sống và học hỏi từ người khác, để rồi biết chọn cho mình một lối đi riêng phù hợp. Ở đây phương châm “Trăm nghe không bằng một thấy” tỏ ra hữu dụng. Trường hợp anh Trương Minh Hào ở Nam Đông là ví dụ tiêu biểu. Một thời gian dài sống ở Đà Lạt, tận mắt chứng thực việc trồng hoa đã giúp anh nảy ra ý định đưa hoa ở vùng đất cao nguyên về trồng ở Nam Đông đạt hiệu quả. Hay như trường hợp ông Đinh Như Trực ở Phú Hồ, vì “quá mê” nên đã “khăn gói” vào tận Sài Gòn để tham quan học tập, rồi thực hiện mô hình nuôi ếch trong lồng lưới rất có hiệu quả. Ai đến thăm cũng xuýt xoa khen.

Thực tế, việc triển khai các mô hình mới về trồng trọt hay chăn nuôi không phải bao giờ cũng dễ dàng. Với nhiều người, có khi phả trả giá bằng sự nợ nần chồng chất đến khuynh gia bại sản. Cũng một mô hình, một đối tượng nuôi trồng giống nhau mà sự thành bại lại rất khác nhau. Nguyên nhân vẫn là ở việc nắm bắt đầu ra, những kiến thức khoa học kỹ thuật bổ trợ liên quan đến chuồng trại, cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh và còn có cả sự may rủi nữa. Thực tế, hiệu quả không có gì bằng ở chỗ được rút ra từ những trải nghiệm của bản thân mỗi người theo kiểu “Trăm thấy không bằng một làm”.

Điều đáng vui hiện nay là “cùng làm” với người nông dân còn có đoàn thể xã hội, sự trợ giúp của các cơ quan nghiên cứu, những trung tâm khuyến nông, khuyến ngư… Chính những cơ quan, tổ chức này không chỉ “nghe giùm” hay “thấy giùm” cho mà trong rất nhiều trường hợp còn trực tiếp “làm giúp” cho người dân. Những mô hình gia trại chăn nuôi lợn, gà an toàn sinh học được triển khai gần đây ở ở thị xã Hương Thủy, huyện Quảng Điền hay thành phố Huế được thực hiện hông qua Trung tâm Khuyến nông lâm ngư của tỉnh. Ở đây phương châm “Trăm nghe không bằng một thấy” và “Trăm thấy không bằng một làm” được gắn với những quy trình từ việc tham quan học tập kinh nghiệm, xây dựng mô hình thí điểm, rồi rút kinh nghiệm nhân rộng ra đại trà… là những bước đi phù hợp với khả năng tiếp nhận cũng như góp phần khơi dậy khát vọng làm ăn ở mỗi người dân.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
3
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn

TIN MỚI

Return to top