ClockThứ Ba, 24/11/2020 13:15

Trân quý cổ vật - Bài 2: Bảo vật thất thoát, trưng bày khó khăn

TTH - Huế từng là trung tâm hội tụ nhiều cổ vật quý hiếm nhưng đến nay, rất nhiều trong số ấy đã bị tản mát khắp nơi. Trong khi đó, việc sưu tầm cổ vật rất khó khăn do cơ chế, kinh phí.

Trân quý cổ vật - bài 1: Quá khứ vàng son

Triển lãm cổ vật tại Bảo tàng Lịch sử

“Chảy máu” cổ vật

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, số lượng cổ vật quý giá của triều Nguyễn đã bị mất mát, lưu lạc khá nhiều. Căn cứ vào các tư liệu lịch sử, Huế từng nhiều lần bị mất cổ vật, tiêu biểu là vào các năm 1775, 1862, 1885, 1945, 1947, 1972... Vụ mất mát lớn nhất trong lịch sử gắn liền với sự kiện thất thủ kinh đô năm 1885, Huế bị cướp đi phần lớn những gì quý báu nhất. Những cổ vật quý này hiện phân tán, lưu lạc khắp nơi trong nước và nhiều nước trên thế giới. Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, số lượng cổ vật tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện nay chỉ bằng khoảng 1/10 so với thời kỳ hoàng kim triều Nguyễn.

Chẳng hạn, bản Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn vô cùng giá trị vừa được nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Bảo sưu tầm, giới thiệu cũng được lưu trữ tại thư viện Anh quốc. Theo thông tin từ ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cuốn cổ thư này từng được bày bán ở một hiệu sách cổ ở Paris, sau đó được Thư viện Anh quốc thủ đắc và trở thành thư mục nằm trong bộ sưu tập cổ thư của thư viện này từ năm 1894. Nhiều món đồ sứ ký kiểu cũng được trưng bày trong các bảo tàng ở Paris, Brussels, London, Berlin, New York, Boston…

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay, có không ít cổ vật quý hiếm của Huế được đưa đi nơi khác, do chủ nhân của chúng (đa số là các gia đình quý tộc cũ) chuyển nơi ở hoặc bán do hoàn cảnh khó khăn. Một dạng thất thoát đáng nói nữa là, nhiều cổ vật do người dân tình cờ phát hiện nhưng không báo với chính quyền, mà bán cho những người buôn bán phế liệu hoặc buôn bán cổ vật. Nhiều cổ vật dạng này đã “lặng lẽ” rời khỏi Huế.

Việc mất cắp cổ vật cũng xảy ra trong hệ thống di tích Cố đô Huế. Cuối năm 2013, tại điện Hòa Khiêm, lăng Tự Đức, kẻ trộm lẻn vào lấy đi nhiều cổ vật có giá trị, gồm: 2 lư xông trầm hình con nghê bằng đồng và 4 ché đựng rượu làm bằng sứ cao khoảng 60cm có tráng men, được trang trí tinh xảo với những hình ảnh rồng, nghê, phong cảnh… đến nay vẫn chưa tìm lại được.

Đề cập đến tình trạng thất thoát cổ vật, nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng kể, thời điểm những năm 1990 đến 2000, nhiều cổ vật ở Huế vẫn còn bị trôi nổi. Nhiều gia đình bán nhưng các nhà sưu tập ở Huế không có điều kiện mua. “Một gia đình ở Huế bán chiếc tô là đồ sứ ký kiểu thời chúa Nguyễn, vẽ cảnh chùa Thiên Mụ trên đó có bài thơ của chúa Nguyễn Phúc Chu. Chiếc tô đặc biệt quý, không ai có nhưng lúc ấy tôi không có điều kiện mua nên người ta bán cho nhà sưu tập ở TP. Hồ Chí Minh. Đến giờ tôi vẫn còn ray rứt”, anh Hoàng tiếc rẻ.

Rào cản

Năm 2014, việc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mua được chiếc xe kéo tay của vua Thành Thái tặng Thái hậu Từ Minh trở thành sự kiện đầu tiên ghi nhận Việt Nam đấu giá thành công và đưa cổ vật quay về cố hương sau hơn 100 năm lưu lạc tại nước ngoài. Nhắc lại câu chuyện đấu giá đầy gay cấn hồi ấy, TS. Phan Thanh Hải (lúc ấy là Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên Việt Nam đấu giá thành công tại sàn đấu giá quốc tế và đưa được cổ vật về lại quê hương. Thành công ấy có sự đóng góp về vật chất và tinh thần của bà con Việt kiều tại Pháp và một số doanh nghiệp trong nước; là kết quả sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND tỉnh với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao mà trực tiếp là Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp”.

Chiếc xe kéo được đấu giá thành công hiện trưng bày tại cung Diên Thọ

Theo dõi các trường hợp cổ vật được hồi hương về Việt Nam, hầu hết đều là nỗ lực từ cá nhân các nhà sưu tập, người yêu văn hóa lịch sử và thương gia buôn bán cổ vật. Cá nhân chỉ cần có tiền, dự đấu giá và mua tùy theo túi tiền của mình. Còn cơ quan Nhà nước luôn phụ thuộc vào các quy trình pháp lý, dự toán và phê duyệt kinh phí... Trong khi các cuộc đấu giá diễn ra nhanh, giá cả biến động liên tục, cần phải kịp thời. Đây là rào cản trong nỗ lực mua và đưa cổ vật hồi hương.

Những lần tham gia đấu giá quốc tế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế rất bị động. Trung tâm đã vuột mất cơ hội mua bức tranh “Chiều tà” của vua Hàm Nghi trong phiên đấu giá tại Pháp năm 2010. Lúc ấy, trung tâm rất quyết tâm và tìm cách đấu giá để đưa bức tranh quý này về nước. Tại phiên đấu giá, bức tranh có giá khởi điểm 800-1.200 euro được đẩy lên 8.800 euro, vượt số tiền có thể cân đối của trung tâm 800 euro. Khi quyết định mua chiếc xe kéo vượt số tiền tỉnh có thể bố trí, ông Phan Thanh Hải đã tính đến việc liều mua trước, huy động đóng góp sau. Cùng phiên đấu giá chiếc xe kéo, trung tâm cũng vuột mất chiếc long sàng.

Bà Huỳnh Thị Ánh Vân, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế chia sẻ, bà thường xuyên theo dõi và biết nhiều cổ vật triều Nguyễn được đưa ra đấu giá tại Hồng Kông, Pháp, Mỹ... nhưng không thể tham gia vì những khó khăn về cơ chế, kinh phí. Việc mua cổ vật trong nước đã khó, huống chi đấu giá ở nước ngoài. “Việc sưu tầm cổ vật triều Nguyễn chúng tôi luôn đau đáu nhưng để đưa cổ vật hồi hương là một câu chuyện dài khi những vấn đề liên quan đến pháp lý, kinh phí, thủ tục tài chính cho việc sưu tầm cổ vật còn rất bất cập, nhất là trong những trường hợp phải quyết định nhanh như đấu giá”, bà Vân băn khoăn.

Chưa phát huy hết giá trị

Dù các bảo tàng đã nỗ lực trong tổ chức hoạt động, đổi mới trưng bày nhưng hệ thống bảo tàng còn khá đơn điệu, chưa thể trở thành một địa chỉ văn hóa, du lịch thực thụ, lượng khách tham quan vẫn khiêm tốn. Vì thế, chưa thể khai thác, phát huy hết giá trị của cổ vật, được xem là phần hồn của bảo tàng. Theo TS. Phan Thanh Hải, hệ thống bảo tàng công lập đang yếu vì đầu tư về cơ sở vật chất chưa đến nơi, đến chốn. Ngoài Bảo tàng Hồ Chí Minh được xây dựng mới, các bảo tàng còn lại đều tận dụng cơ sở vật chất cũ. Việc trưng bày hiện vật vẫn theo cách sơ đẳng nhất của công tác bảo tàng.

Địa điểm Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế chỉ trưng bày được 600 hiện vật. Ở các di tích trưng bày ít hơn vì không thể đảm bảo an toàn cho cổ vật trong không gian khá rộng lớn. Bảo tàng có cổ vật quý cũng không dám đem ra trưng bày thường xuyên, bởi khi trưng bày cổ vật quý phải đạt các tiêu chuẩn quốc tế về không gian trưng bày, ánh sáng, công tác bảo vệ… Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hoàn toàn có thể sánh vai cùng nhiều bảo tàng quốc tế nhưng do cơ sở vật chất, không gian trưng bày không phù hợp nên chưa thể phát huy hết giá trị.

Bà Huỳnh Thị Anh Vân cho biết, do phải sử dụng điện Long An làm nơi trưng bày, lại không thể lắp điều hòa nên việc kiểm soát độ ẩm đảm bảo môi trường lý tưởng cho hiện vật, nhất là với hiện vật chất liệu vải, giấy khá khó khăn. Với những chất liệu dễ hư hỏng, bảo tàng phải có chế độ bảo quản riêng hoặc hạn chế thời gian tiếp xúc với không khí, môi trường bên ngoài. Cổ vật là linh hồn của bảo tàng, di tích, không đưa cổ vật ra trưng bày thì không góp phần làm sinh động không gian của di tích, đây là bài toán khó.

Bảo tàng Lịch sử vẫn đang sử dụng địa điểm di tích Quốc Tử Giám nên gặp nhiều khó khăn về diện tích trưng bày và lưu giữ hiện vật. Các phương tiện, trang thiết bị bảo quản hiện vật đã xuống cấp, hư hỏng. Kinh phí được cấp hàng năm còn ít nên chưa thể làm bảo quản trị liệu hàng loạt mà chỉ bảo quản hiện vật theo kiểu “cuốn chiếu”.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn bày tỏ: “Dù từng là kinh đô của Việt Nam, nhưng xưa nay Huế chưa từng được đầu tư xây dựng một bảo tàng đúng nghĩa. Du khách đến Huế rất mong được chiêm ngưỡng, tìm hiểu cổ vật cung đình thời Nguyễn nhưng thất vọng vì các cổ vật đặc biệt quý hiếm, độc bản thời Nguyễn đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Các loại cổ vật cung đình bằng sành sứ, kim loại, gấm vóc, gỗ quý ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế rất nhiều nhưng tiếc là không đủ không gian trưng bày”.

Bài, ảnh: Minh Hiền

Bài 3: Để cổ vật luôn tỏa sáng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

“Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam” là nội dung trưng bày chuyên đề do Bảo tàng Lịch sử phối hợp với Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Phòng giáo dục - Đào tạo huyện Quảng Điền tổ chức tại Trường THCS Ngô Thế Lân sáng 14/3.

Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Tính toán cho không gian trưng bày mỹ thuật

Bên cạnh lối trưng bày truyền thống, Bảo tàng Mỹ thuật Huế cần hướng đến kết hợp công nghệ số để thu hút, hấp dẫn, tăng cường khả năng trải nghiệm cho người xem. Công nghệ số cũng cần tập trung đến việc số hóa dữ liệu trưng bày để phục vụ, khai thác các giải pháp thông minh.

Tính toán cho không gian trưng bày mỹ thuật
Trộm cổ vật, hai đối tượng lĩnh án

Ngày 7/12, Tòa án Nhân dân tỉnh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Lê Văn Hòa (SN 1990), Nguyễn Quang Trung (SN 1991, cùng trú tại phường Phú Hậu, TP. Huế) về tội “Trộm cắp tài sản”.

Trộm cổ vật, hai đối tượng lĩnh án
"Châu bản triều Nguyễn – Ký ức một triều đại”

Hướng tới ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp khai mạc không gian trưng bày “Châu bản triều Nguyễn – Ký ức một triều đại” vào ngày 17/11 tại Toà nhà triển lãm, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số 5 Vũ Phạm Hàm, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội.

Châu bản triều Nguyễn – Ký ức một triều đại”
“Chưa biết nơi đâu là chốn dừng chân”

Gần 5 năm thành lập, nhưng một trong ba không gian thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Huế vẫn “chưa biết nơi đâu là chốn dừng chân”, đó là Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật. Hàng chục tác phẩm mỹ thuật được sưu tầm với số tiền được chi ra từ ngân sách 2-3 tỷ đồng/năm, chưa kể có rất nhiều tác phẩm được tặng.

“Chưa biết nơi đâu là chốn dừng chân”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top