ClockChủ Nhật, 20/05/2018 09:36

Trang phục không đơn thuần để mặc

TTH - Cách đây không lâu, hình ảnh mấy chị phụ nữ mặc áo dài thướt tha bỗng nổi hứng thể hiện một tiết mục dạng "gangnam style... loạn xị" đã gây nên một "cơn lốc" trên mạng xã hội.

Thăm di tích tôn nghiêm từ 1/10/2017: Kiểm soát chặt chẽ trang phục7 bộ trang phục ấn tượng của Đệ nhất Phu nhân Mỹ trong chuyến công du nước ngoài đầu tiênĐiểm lại những bộ trang phục ấn tượng các mùa Oscar trước

Cũng có người lên tiếng dạng như "người ta giải trí thư giãn, có gì mà phải phê phán?!!".... Song, dạng ý kiến ấy hơi hiếm, còn tuyệt đại đa phần là lắc đầu ngao ngán. Thái độ anti như vậy cũng lại nhận được sự đồng cảm của nhiều người nữa trong cộng đồng.

Liệu có quá cứng nhắc, quá nghiệt ngã? Môi trường mạng xã hội, tâm lý đám đông quả là đôi lúc thật dễ sợ. Có những chuyện không đáng gì cũng bị thổi phồng, có những góc nhìn xô lệch khiến nạn nhân bị "ném" tơi tả... Bởi vậy, với một tâm thế hết sức tỉnh táo, hết sức cảnh giác, tôi thử vào cái clip ồn ào nọ để xem thực hư nó ra làm sao. Và tôi đã sốc! Bỗng dưng thấy tội nghiệp, thấy tổn thương ghê gớm cho tà áo dài dân tộc.

Dù có thể chưa có văn bản chính thức công nhận, dù có thể vẫn còn ý kiến này ý kiến khác, nhưng với nhiều người, tà áo dài truyền thống từ lâu đã nghiễm nhiên mặc định là "Quốc phục" của phụ nữ Việt Nam. Không tin, hãy lần giở mà xem, rất lâu rồi, ở tất cả các sự kiện trọng đại mà nữ giới tham gia hoặc đóng vai trò chủ thể như lễ lạt, cưới xin, giỗ chạp, công cán nước ngoài, tiếp quốc khách... Trang phục được chọn lựa là gì nếu không phải là áo dài? Cho dù bây giờ y phục của phụ nữ vô cùng phong phú với đủ cung bậc, sắc màu thì chiếc áo dài vẫn chưa hề có dấu hiệu bị "soán ngôi". Thậm chí, nó còn được xem là niềm tự hào, là "biểu tượng đầy quyến rũ, đầy mê hoặc" của Việt Nam đối với thế giới.

Nhưng điều gì đã thực sự làm nên sự quyến rũ của tà áo dài? Đó là vì chất liệu, vì thiết kế tưởng giản đơn nhưng đầy thông minh khiến chiếc áo đã phô diễn được tối đa vẻ đẹp của cơ thể người phụ nữ?... Điều ấy có, nhưng có lẽ là chưa đủ. Làm nên sức sống, sức mê hoặc của tà áo dài- theo chúng tôi thiển nghĩ- còn là bởi cái "cốt cách hồn vía" của ngôn hạnh công dung từ bao thế hệ người phụ nữ Việt Nam hàm tích trong đó qua dòng chảy thời gian. Chiếc áo dài khiến cho người phụ nữ ý thức được bổn phận và phẩm hạnh của mình. Và ở chiều ngược lại, đức hạnh, cốt cách của người phụ nữ đã "nhuộm" cho tà áo dài đất Việt thêm lấp lánh, huyền hoặc...

Thời còn học đại học, thầy giáo của chúng tôi trong một lần nói đến cụm từ "áo mão cân đai" (áo- mũ- khăn- dải/vòng đeo ngang lưng) có giải thích, đó là những loại trang phục để phân biệt thứ lớp, địa vị, nghề nghiệp của người xưa. Nhìn vào nó, người ta sẽ biết anh là ai, và đương nhiên khi đã mặc trang phục ấy, anh phải ứng xử thế nào cho chuẩn mực, tương xứng với địa vị, nghề nghiệp của mình. Chiếc áo dài truyền thống cũng vậy, mỗi khi đã ướm vào thì phải ý thức và hành xử phù hợp với cốt cách của người phụ nữ truyền thống. Xã hội bây giờ không còn buộc phụ nữ phải "yểu điệu thục nữ", đi nhẹ nói khẽ như lối xưa nữa. Nhưng qủa thật, vẫn sẽ rất khó "tiêu hóa" được hình ảnh những cô gái trong tà áo dài thướt tha mà ra đường ngồi giang chân 2 bên sau xe máy, tay lại còn thêm chiếc xe đạp của cô khác đu bám. Mặc áo dài nhưng chơi cả rap lẫn disco hay gangnam style nhặng xị như đoạn clip nọ. Áo dài mà ăn nói cứ ào ào bỗ bã, vung tay múa chân bất cần ý tứ nơi công cộng... Hãy nhìn qua những quốc gia "đồng chủng đồng văn", hiện đại như người Nhật, giàu có, năng động như Hàn Quốc, nhưng có bao giờ ta thấy người phụ nữ Nhật Bản mặc kimono, người phụ nữ Hàn Quốc mặc hanbok mà nhảy, mà hò hét tưng bừng hay chưa? Mà giả dụ như có, ta sẽ nghĩ gì, có chấp nhận được?

Công năng chính của trang phục là để mặc, nhưng có những loại trang phục là văn hóa, nó đòi hỏi phải được ứng xử một cách cẩn trọng, văn hóa chứ không chỉ đơn thuần là để che da che thịt. Và áo dài không là ngoại lệ. Không biết có bị cho là cổ hủ hay không, nhưng từ thâm tâm tôi chân thành nghĩ vậy.

HÀN YÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trang phục lịch sự khi đến nơi tôn nghiêm

Trong dòng người du xuân những ngày tháng Giêng nơi công viên, chùa chiền, Đại Nội Huế… rất dễ bắt gặp nhiều người mặc áo dài truyền thống đủ sắc màu rất trang trọng, lịch sự, vui tươi. Bên cạnh đó, có không ít người mặc đồ thoải mái, như: quần cụt, váy ngắn…

Trang phục lịch sự khi đến nơi tôn nghiêm
“Check - in” Hoàng cung với cổ phục

Gần đây, phong trào “phục hưng” trang phục truyền thống phát triển mạnh mẽ. Các loại cổ phục có nguồn gốc từ Huế, như áo ngũ thân, áo tấc, Nhật bình được nhiều người yêu thích.

“Check - in” Hoàng cung với cổ phục

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top