ClockThứ Bảy, 18/09/2021 14:22

Trang phục triều Nguyễn qua nét vẽ chibi

TTH - Bằng lối vẽ chibi, những bức tranh minh họa “Nguyễn triều nữ y”, khái quát các trang phục nữ giới thời Nguyễn do bạn trẻ Nguyễn Quốc Trí (Kris Nguyen) ở TP. Hồ Chí Minh thực hiện được nhiều người yêu thích, đón nhận.

Hoa văn trang phục cung đình trên tuyến đường đi bộHoàng bào triều Nguyễn

Các tác phẩm được Quốc Trí vẽ theo lối chibi

Dự án “Nguyễn triều nữ y” gồm 14 bức tranh, khái quát những dạng thức trang phục tiêu biểu thời Nguyễn, đi kèm với ảnh thật của trang phục. Ở mỗi tác phẩm, tác giả cũng viết chú thích tên gọi, chất liệu và đặc điểm trang phục gắn với vùng miền, giai cấp.

Các tác phẩm được vẽ trên máy tính theo lối chibi, một kiểu vẽ tranh xuất phát từ Nhật Bản, mang vẻ ngộ nghĩnh và gần gũi. Dù sử dụng lối vẽ chibi nhưng các tác phẩm vẫn giữ được phong cách đặc trưng của các trang phục, khắc họa được nét mặt người phụ nữ Á Đông. Ngoài ra, các chi tiết trên trang phục được vẽ rất tỉ mỉ, nhìn vừa đáng yêu vừa tinh xảo.

Quốc Trí chia sẻ, anh chọn minh họa tranh theo lối chibi để khái quát các dạng thức trang phục một cách giản lược, tạo sự thu hút và ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận mà không cảm thấy nhàm chán. Để đảm bảo tính chính xác cho trang phục, anh chỉ giản lược một phần nhỏ hoa văn và tập trung minh họa kiểu dáng. Trí cho hay: “Tôi minh họa kiểu dáng trang phục một cách khái quát nhất nên một số chi tiết, hoa văn có thể chưa quá đúng với điển chế. Tuy nhiên, tôi vẫn dựa trên các khuôn mẫu, cách sắp xếp hoa văn trên những bộ y phục xưa”.

Áo ngũ thân tay chẽn

Theo Quốc Trí, trang phục thời Nguyễn vô cùng đa dạng, phong phú nhưng chưa được nhiều người biết đến. Đa phần mọi người chỉ biết tới kiểu áo ngũ thân tay chẽn truyền thống, tiền thân của chiếc áo dài bây giờ. Ngay từng vùng miền đã có cách ăn mặc và biến tấu khác nhau trên bộ ngũ thân. Vì vậy, qua dự án, Trí muốn đem tới cho mọi người cái nhìn khái quát và hiểu biết thêm về các bộ trang phục xưa.

Là dự án liên quan đến văn hóa, lịch sử, Quốc Trí phải tìm hiểu, tham khảo nhiều tài liệu, trang web cổ phong uy tín và nghe tư vấn từ những người bạn có kiến thức sâu về cổ phong để có thể đem tới cho mọi người nguồn thông tin chuẩn xác. “Nếu không hiểu hay chỉ nhìn bên ngoài thì dễ hiểu sai, từ đó tạo ra những sai lệch khi phóng tác lên những bộ cổ phục. Tôi nghĩ, khi thực hiện những dự án này, đòi hỏi phải am hiểu về trang phục dân tộc, nhất là quy chuẩn cũng như cách mặc. Nếu không sẽ dễ đưa tới cho mọi người những định hướng sai lệch”, Trí bộc bạch.

Áo tấc

Vốn yêu thích văn hóa Việt, Quốc Trí rất thích tìm hiểu cổ phục. Từ niềm đam mê này, anh tham gia sáng lập Hoa Niên, một cơ sở kinh doanh cổ phục Việt, chủ yếu là trang phục thời Nguyễn tại TP. Hồ Chí Minh. Ấp ủ ý định thực hiện dự án “Nguyễn triều nữ y” đã lâu nhưng khoảng thời gian giãn cách do dịch COVID-19, Quốc Trí mới có thời gian hoàn thành. 

Tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa, Trí luôn dành cho văn hóa châu Á nói chung niềm yêu thích đặc biệt. Ngay khi còn trên ghế nhà trường, anh thích tìm hiểu nền văn hóa Nhật Bản, Trung Quốc và văn hóa dân gian Việt Nam. Qua tìm hiểu, Trí khám phá ra rằng, còn rất nhiều điều thú vị về văn hóa Việt Nam mà ít ai biết đến. Anh cũng luôn đưa tinh thần, văn hóa dân tộc vào các bản thiết kế của mình. Qua đó, mang tới cho mọi người cái nhìn rõ nét hơn về nền văn hóa Việt Nam đa dạng, đầy màu sắc. Đó cũng là tiền đề để anh nghiêu cứu, minh họa những bộ phục trang thời Nguyễn.

Trí hào hứng: “Điều làm tôi vui mừng là thông qua tác phẩm nghệ thuật, có thể đưa văn hóa Việt tới gần hơn với mọi người, theo một cách dễ tiếp nhận nhất.

Các tác phẩm của tôi luôn có hơi hướng cảm hứng từ nét vẽ của các họa sĩ Mai Trung Thứ, Lê Phổ - những họa sĩ đi đầu trong hội họa cận đại”.

Xem những tác phẩm minh họa trang phục triều Nguyễn qua facebook, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao bày tỏ sự thú vị: “Dự án của Quốc Trí rất hay và có ích trong việc phổ biến kiến thức về nữ y truyền thống, nhất là đối với các bạn trẻ”.

Các tác phẩm cũng nhận được sự đón nhận tích cực từ giới trẻ. Tôn Thất Minh Khôi, người sáng lập trang “Thiên Nam Lịch đại Hậu phi” chuyên khảo cứu về lễ nghi, văn hóa cung đình cũng đánh giá cao nét vẽ gần gũi, dễ thương của Quốc Trí: “Những bức tranh thực sự có giá trị tham khảo, được đầu tư nghiêm túc, có nguồn tư liệu, dẫn chứng rõ ràng, giúp công chúng hình dung được trang phục của phụ nữ thời Nguyễn ở các khu vực địa lý, tầng lớp. Khi thực hiện đề tài về lịch sử, cách vẽ chibi của Quốc Trí dễ dàng tiếp cận với công chúng, là nguồn tư liệu tham khảo trực quan, sinh động khi muốn tìm hiểu về trang phục thời nguyễn”.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trang phục lịch sự khi đến nơi tôn nghiêm

Trong dòng người du xuân những ngày tháng Giêng nơi công viên, chùa chiền, Đại Nội Huế… rất dễ bắt gặp nhiều người mặc áo dài truyền thống đủ sắc màu rất trang trọng, lịch sự, vui tươi. Bên cạnh đó, có không ít người mặc đồ thoải mái, như: quần cụt, váy ngắn…

Trang phục lịch sự khi đến nơi tôn nghiêm
Phát huy giá trị Thái Y viện triều Nguyễn

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách “Thái Y viện triều Nguyễn: Lịch sử và triển vọng phát triển”, sách dày 440 trang, được NXB Đại học Huế ấn hành.

Phát huy giá trị Thái Y viện triều Nguyễn
Chén vỡ… hóa rồng!

Từ những mảnh sành sứ của chén bát vỡ được thu mua, bàn tay tài hoa của những nghệ nhân khảm sành sứ xứ Huế đã làm hồi sinh dáng vẻ uy nghi của rồng bay, phượng múa trên những di tích Cố đô Huế, đình chùa, miếu vũ…

Chén vỡ… hóa rồng
Lễ Ban Sóc mở màn Festival Huế 2024

Sáng 1/1, tại cửa Ngọ Môn, Ban Tổ chức Festival Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Chương trình công bố Festival Huế 2024 và lễ hội đầu tiên của năm - Sân khấu hóa tái hiện lễ Ban Sóc triều Nguyễn. ​

Lễ Ban Sóc mở màn Festival Huế 2024

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top