ClockThứ Năm, 29/05/2014 05:24

Trang thơ Đỗ Văn Khoái

TTH - Đỗ Văn Khoái sinh năm 1956 tại Huế, lấy tên thật làm bút danh, là hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. Anh làm thơ và đăng báo từ thời học THPT. Những bài thơ tình được nhiều người yêu thích. Tập thơ đầu tay của anh ra mắt độc giả là tập thơ thiếu nhi “Phía ngoài ô cửa” và đã đạt được giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ II. Anh quan sát những hình ảnh thực tế của cuộc sống cùng hành động sinh hoạt của trẻ một cách tinh tế, sử dụng ngôn từ bình dị, tượng hình, lời thơ nhẹ nhàng để kể, để hát, để đi vào lòng trẻ thơ. Bài thơ “Bố là tất cả” được phổ nhạc và phổ biến rộng trên cả nước qua một số chương trình nhạc tuổi thơ cũng như các nhà trẻ, mẫu giáo. Thừa Thiên Huế Cuối tuần Xin giới thiệu những bài thơ thiếu nhi của anh nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi sắp đến.

 Con mèo tắm nắng 

 Con mèo tắm giữa sân trưa
 Dầm lâu trong nắng vẫn chưa ướt mình
 Vuốt ve hoài bộ lông xinh
 Rồi bơi thi với bóng mình - lạ chưa?
 Khoảng sân thành khoảng sông trưa
 Lá khô - những chiếc thuyền chưa cắm sào
 Tiếng ve cổ vũ hô hào
 “Cố lên nhé! Cố lên nào! Bạn ơi!”
 
 
 Mùa hạ
 
 Con diều thả chú bé
 Vào nền trời cỏ xanh
 Mặt trời như nóng bức
 Xuống sông tắm một mình
 
 Và mọi ô cửa phố
 Đều mở hết lòng ra
 Từ trong những vòm lá
 Ngọn gió ve vỡ òa
 Nghe buổi chiều mùa hạ
 Chật ních tiếng sấm ùa
 Con diều và chú bé
 Thành thiên thần trong mưa.
 
 
 Trưa quê
 
 Con đò ngủ cạnh bờ đê
 Mây trắng ngủ với bèo về trên sông
 Cây cầu ngủ đứng lưng cong
 Cánh đồng ngủ với mênh mông lúa vàng
 Cây đa ngủ cạnh đình làng
 Con đường lịm giữa hai hàng tre xanh
 Gió không có chỗ cho mình
 Lẩn khuất trong lá như rình rập ai
 Lim dim trâu ngủ còn nhai
 Một trưa mùa hạ quê dài tiếng ve.
Ngữ Nhã (giới thiệu)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Mâm cơm nóng

1. “Ba tin mẹ sẽ làm tốt!” – Vũ, chồng My hay dùng câu nói ấy để khích lệ tinh thần My mỗi khi đứng trước quyết định lớn. Lần đó, My gần như đặt cược cả công ty cho một hợp đồng có tính mạo hiểm. Nghĩa là nếu thắng, công ty My sẽ bước thêm một bậc thang mới, mở ra rất nhiều cơ hội cho những dự án kế tiếp. Ngược lại, nếu thua, khả năng xấu nhất là công ty My phá sản.

Mâm cơm nóng
Bóng nắng

Bà Liếng sống một mình trong cái chòi dưới chân dốc Mù U. Nơi đó vắng ngắt, cánh đồng bỏ hoang, cỏ ngoi lên tới tận bờ, mấy con bò làng bên cũng chẳng buồn qua gặm những đám cỏ cằn khô. Bà Liếng là người đàn bà câm nên người làng quen gọi bà câm, quên mất cái tên Liếng từ bao giờ.

Bóng nắng
Cậu học trò năm ấy

Xuân ngẩng đầu lên nhìn tôi rồi ngoảnh mặt đi nơi khác. Nhiều lần tôi cố tình nhìn chăm chăm về phía Xuân để cậu ta không còn “cơ hội” đánh lảng sang hướng khác. Vậy mà dường như đoán biết được lúc nào là có ánh mắt của tôi đưa xuống chỗ ngồi của mình, khi thì cậu cúi mặt xuống, khi thì cậu nhìn mông lung ra cửa sổ, nơi có cây khế sai quả của nhà bác cai trường.

Cậu học trò năm ấy
Return to top