ClockThứ Ba, 14/07/2015 17:04

Trang trại ở rú cát đối mặt với nắng hạn

TTH - Mấy tháng gần đây thời tiết nắng hạn kéo dài khiến các vùng trang trại rú cát huyện Quảng Điền gặp không ít khó khăn.

Thiếu nước

Mỗi lần về Quảng Vinh hay Quảng Lợi (Quảng Điền), chúng tôi thường ghé thăm trang trại của ông Trương Trọng Đức. Bằng sức người, ông đã chinh phục được vùng đất cát khô cằn bằng những loại hoa màu mang lại giá trị kinh tế cao như: mướp đắng, dưa leo...
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng chống chọi với nắng hạn
Lần trở lại đầu tháng 7 vừa rồi, màu xanh của những loại hoa màu cho giá trị kinh tế cao ở trang trại một phần được thay bằng cây sả, đơn giản vì cây này chống chịu tốt với nắng hạn, diện tích còn lại phải bỏ hoang. Ông Đức giải thích, do titan bị khai thác quá mức cộng với thời tiết nắng hạn khiến cho mạch nước ngầm bị giảm đi, thiếu nước tưới cho cây trồng nên phải đành bỏ hoang, đợi khi có mưa xuống mới bắt tay vào làm tiếp.
Huyện Quảng Điền có vùng cát nội đồng khoảng 2.298 ha, phân bố trên địa bàn 03 xã (Quảng Thái, Quảng Lợi và Quảng Vinh). Từ năm 2004, Quảng Điền chủ trương phát triển kinh tế vùng cát nội đồng trên diện tích 358 ha với các mô hình trang trại, gia trại, trồng rừng theo hướng nông, lâm, thủy sản kết hợp. Hiện, hầu hết diện tích phát triển trang trại này đang trong tình trạng khan hiếm nguồn nước khiến các hộ phát triển trang trại gặp rất nhiều khó khăn.
Thiếu nước cũng khiến việc nuôi trồng thuỷ sản ở vùng cát bị ngưng trệ. Gia đình ông Trần Phương có một hồ nuôi cá mỗi năm cho thu nhập gần 40 triệu đồng. Tuy nhiên đã 3 tháng nay, hồ cá gần như cạn nước, cá chết hàng loạt vì không chịu nổi nắng nóng. Thất thu từ nuôi trồng thuỷ sản cũng là thực trạng chung của những hộ nuôi trồng thuỷ sản tại khu rú cát.
Nắng hạn kéo dài còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cháy rừng tại một số trang trại rú cát. Gần đây nhất, trang trại của ông Nguyễn Phúc Chư, xã Quảng Lợi xảy ra hỏa hoạn hơn 1ha rừng bị thiêu rụi. Nhờ phát hiện và tiến hành chữa cháy kịp thời nên thiệt hại không quá lớn.
Không chỉ thiếu nước trong phát triển kinh tế, ngay cả nguồn nước sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày cũng trở thành vấn đề đối với các hộ dân nơi đây. Nguồn nước những hộ này sử dụng là nước ngầm nên không biết chất lượng nước ra sao. Để đảm bảo nguồn nước sạch sử dụng ăn, uống, nhiều hộ phải cất công đi vào khu vực dân cư cách đó chừng 1km đến 2km để mua nước vào sử dụng.
Còn khó khăn
Để có đủ nguồn nước phục vụ trong chăn nuôi cũng như sinh hoạt hàng ngày, nhiều hộ phải thức dậy từ rất sớm để bơm nước. Ông Trần Đình Lựu, xã Quảng Lợi cho biết: “Tôi thường xuyên phải thức dậy lúc 3 giờ đến 4 giờ sáng để bơm nước dự trữ cung cấp cho trang trại. Bởi vào ban ngày, nguồn nước ngầm ở đây xuống mức rất thấp, chỉ cần bơm chưa đầy 5 phút là nguồn nước đã bị hụt, phải nghỉ khá lâu mới có thể tiếp tục bơm”.
Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho hay: Toàn xã có 15 ha nuôi trồng thuỷ sản trên vùng rú cát. Tuy nhiên thời gian qua do thiếu nước, cá chết hàng loạt, nhiều hồ khô cạn nước nên hầu như không thể nuôi trồng thuỷ sản. Chúng tôi đã kiến nghị với huyện, tỉnh cần đầu tư hệ thống thuỷ lợi dẫn nước từ sông Sịa hoặc từ An Lỗ về để cung cấp nước cho bà con vào mùa khô và tiêu thoát nước cho vùng trang trại vào mùa mưa.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quảng Điền: Đầu tư hệ thống thuỷ lợi lên vùng trang trại cần một nguồn vốn lớn nhưng hiệu quả sẽ không cao. Bởi vùng rú cát này có độ cao khá chênh so với vùng dân cư tập trung nên nếu có xây dựng hệ thống thuỷ lợi cũng chỉ thoát nước được vào mùa mưa, còn mùa khô khó đưa nước lên vùng này.
Tại các buổi tiếp xúc cử tri gần đây, người dân vùng rú cát có rất nhiều kiến nghị liên quan đến nguồn nước phát triển kinh tế trang trại. Cụ thể, họ mong một ngày nước sạch có thể đến với vùng này, hay ít ra các cơ quan chuyên trách nên tiến hành xét nghiệm thành phần nước ngầm tại vùng này xem có thực sự đảm bảo về chất lượng để người dân có thể sử dụng trong ăn uống hay không?
Tất nhiên việc đầu tư hệ thống thủy lợi cần có nguồn vốn lớn. Theo chúng tôi, để có thể phát triển kinh tế vùng cát nội đồng, bên cạnh việc chờ đợi nguồn đầu tư của Nhà nước, để giảm bớt khó khăn về nguồn nước, các chủ trang trại cần có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Cụ thể nên chọn những cây trồng có khả năng chống chịu với hạn hán, nuôi trồng thuỷ sản theo mùa vụ nhằm giảm bớt áp lực do thiếu nguồn nước. Đồng thời cũng nên có một phần đóng góp thể hiện trách nhiệm và sự chung tay để tạo thêm động lực phát triển.
Bài, ảnh: Hoàng Loan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kết nối giao thương giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường

Tối 20/4, Cộng đồng kết nối doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh Việt Nam (OBC) tỉnh tổ chức chương trình kết nối giao thương và kỷ niệm 2 năm thành lập chapter OBC Unity. Sự kiện thu hút 100 khách mời và thành viên là các chủ doanh nghiệp đến từ Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Tại sự kiện, có 35 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm.

Kết nối giao thương giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường
Tạo tác động tích cực để phát triển doanh nghiệp bền vững

Chiều 20/4, Liên đoàn lãnh đạo và Doanh nhân trẻ thế giới (JCI) tại Việt Nam, thuộc Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trường đại học Kinh tế Huế tổ chức hội thảo với chủ đề “Lãnh đạo 4.0 – Tạo tác động tích cực và phát triển bền vững”. Hội thảo được tổ chức dành cho các chủ doanh nghiệp (DN), quản lý các cấp, nhân viên và các bạn sinh viên.

Tạo tác động tích cực để phát triển doanh nghiệp bền vững
Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

TIN MỚI

Return to top