ClockChủ Nhật, 13/09/2020 08:10

Trăng trên đỉnh đồi

TTH - Gần nửa đêm, cửa phòng bệnh lại mở. Cô điều dưỡng đưa bà cụ bệnh nhân đến chiếc giường cạnh giường ông, mới trống lúc tối nay. Dìu bà cụ là người phụ nữ nhỏ nhắn, có lẽ là người nhà. Bệnh nhân trước đây nằm giường này, lúc chập tối khi nghe bác sĩ thông báo sáng mai được ra viện, chờ tiêm thuốc xong liền gọi taxi về luôn. Con trai của cụ bảo, ngày mai anh sẽ đến làm thủ tục ra viện. Còn tối nay đưa mẹ về nhà ngủ, chứ cụ nhớ hơi nhà lắm rồi.

Người yêu quêPhải dứt!Chuyện ở xóm Thương

Đây là phòng dành cho những bệnh nhân nặng, thời gian điều trị thường rất dài. Người nào khỏi bệnh, ra viện đều mừng như thế. Ông nằm viện gần mười ngày nay, cũng “nhớ hơi nhà”. Nhưng ông nửa muốn về, nửa muốn ở lại. Bởi trong phòng bệnh này, ông được vui, được xúc động, dù chỉ là từ “chuyện của người ta”. Nếu ông trở về nhà, thì…

Nhà của ông trên đồi. Căn nhà cách khá xa những hộ dân trong vùng, bởi khu vườn rộng gần năm nghìn mét vuông. Hồi ông bán hết nhà cửa ở phố để mua căn nhà tạm bợ trên miếng vườn cằn cỗi này, mấy người họ hàng còn sót lại tưởng ông quẫn trí. Ông không quẫn, nhưng co rúm lại, để sám hối, cũng để trốn tránh cái cạm bẫy luôn chực chờ, mà ông biết chỉ cần yếu lòng là cuộc đời đi tong.

Cha mẹ chỉ có đứa con trai duy nhất nên mọi vun vén đều dành cho ông. Nhà hai mặt tiền ở vị trí sầm uất, vừa có cửa hiệu cho thuê, vừa có gian hàng tạp hóa lớn nhất nhì thành phố, buôn bán thuận lợi, dư của ăn của để. Năm hai nhăm tuổi, ông cưới vợ. Cha mẹ giao cho vợ chồng con trai tiệm tạp hóa. Ông vốn nghĩ, cuộc sống rồi cũng sẽ bình thường, êm ả như cha mẹ vẫn sống.

Nhưng hôm ấy, thằng bạn thân từ “thời tắm truồng”, làm ăn xa trở về, rủ ông cùng đến tiệc sinh nhật của một người mà nó gọi là “đại ca”. Ở đó ê hề đồ ăn. Rượu. Các cô gái váy ngắn. Trong cái đêm hỗn tạp, tưng bừng ấy, lúc ngà ngà say, ông đã thử “nàng tiên nâu”. Rồi nghiện. Ma túy có sức hủy hoại khủng khiếp. Của nả trong nhà bị “thằng nghiện” nã bằng hết để thỏa mãn những cơn nghiện ngày một tăng “đô”. Cha mẹ khóc hết nước mắt, nhiều lần ngất lên ngất xuống. Khi tỉnh táo, ông nhận thức được mình khốn nạn đến mức nào, đau lòng và ray rứt. Nhưng thật quỷ quái, ông không những không dứt ra được, trái lại ngày càng lún sâu hơn.

Ông bắt đầu bỏ nhà lang thang, theo đám nghiện buôn bán ma túy, để có ma túy mà chích. Rồi bị bắt, ông bị xử 5 năm tù. Ngoài “thằng nghiện”, ông còn là một “thằng tù”. Cha mẹ ra đường phải cúi mặt, không dám nhìn hàng xóm. Nhưng không tháng nào họ không chạy xe máy sáu, bảy chục cây số, đến trại giam thăm, động viên con. Lần nào cũng khóc, nhưng cha mẹ bảo ông may mắn “được” đi tù. Hy vọng sau 5 năm, con trai họ cắt được ma túy. Chỉ có vợ ông, cả năm trời cũng không thấy mặt. Ông hỏi thì cha mẹ lảng qua chuyện khác.

Lần đầu tiên nghe báo có vợ đến thăm, ông mừng quýnh quáng. Nhưng trước mặt ông là gương mặt lạnh lùng, cùng tờ đơn yêu cầu ly hôn. Đau lắm. Nhưng vợ lấy ông là để có chồng, có con cái, có cuộc sống hạnh phúc giản dị, như những người bình thường. Thằng nghiện, thằng tù như ông đã làm lỡ dở cuộc đời của một người phụ nữ. May mà chưa có con. Ông cúi mặt, ký vào tờ đơn. Tòa án đến tận trại giam để làm các thủ tục. Vậy là xong.

Lại lọ mọ đèo nhau đến trại giam, cha mẹ ông an ủi: “Thôi con ạ. Mình có tội, có lỗi, mình phải chịu trách nhiệm, phải trả giá. Ở đây tu tỉnh, cai ma túy, khi nào “ra” rồi bắt đầu lại. Lúc nào cũng có cha mẹ ở cạnh con. Nhưng cha mẹ không thể ở cạnh ông nữa, bởi trên đường từ trại giam trở về nhà, họ bị tai nạn giao thông cướp đi mạng sống. Ông ngã ra bất tỉnh nhân sự khi nhận hung tin.

Không còn gia đình, đánh mất cha mẹ, ra tù ông bán nhà mặt phố, sau khi tìm được năm nghìn mét vuông đất cùng căn nhà tạm bợ trên đồi. Nơi đây thuộc dạng “khỉ ho cò gáy”, dân cư thưa thớt. Nhưng điều kiện đó có vẻ phù hợp, bởi ông không muốn gặp ai, nhất là đám bạn bè ngày xưa rủ rê ông vào con đường nghiện ngập. Ông nợ hai cuộc đời của cha và mẹ. Nước mắt không thể trả nợ được. Nhưng trên đồi ấy, ông có thể khóc thật lớn mà không phải cúi mặt giấu giếm. Cha mẹ là điều gì đó thật diệu kỳ. Nước mắt thương cha, nhớ mẹ làm nhẹ vơi nỗi bức bối đè nặng trong ngực. Ông tha thứ cho tội lỗi mình gây ra, có thể mỉm cười nhẹ nhàng khi cam, chanh mùa đầu bói quả.

Từ một thanh niên phố thị, ông thành nông dân thực sự, sạm đen nhưng chắc chắn, dẻo dai ra. Hai chục năm, mảnh đồi cằn cỗi dần thành trang trại trù phú đủ loại hoa trái. Trang trại của ông trở thành điểm check- in của những người trẻ. Bao giờ rời khu vườn, họ cũng có được vài bức ảnh ưng ý. Các vị khách đến rồi đi, luôn hài lòng bởi nụ cười vui vẻ, hiếu khách của lão chủ vườn. Chẳng ai biết, những mùa trăng, ông ngồi bóng đổ dài bên thềm nhà. Trăng trên đỉnh đồi, tròn rồi khuyết, chông chênh đến da diết.

Trừ ông, bệnh nhân trong phòng bệnh, ai cũng có người thân. Vợ theo chăm chồng. Con cái theo chăm cha, mẹ. Có người đàn ông cỡ tuổi ông, đêm nào cũng thức trắng xoa lưng, bóp chân cho cha. Nhìn cảnh ấy, ông rưng rưng. Có người vợ nhất quyết không chịu đặt lưng xuống vì sợ ngủ quên mất, nhỡ chồng cần giúp mà không biết. Ông thấy mắt mình ươn ướt.

Người phụ nữ đi cùng bà cụ mới đến, nhanh nhẹn đặt mấy túi đồ vào một góc, nhẹ nhàng đỡ người bệnh nằm xuống giường. Cô dịu dàng bảo: “Bà yên tâm, đừng lo gì nhé”. Kiểu dịu dàng khiến ông đặc biệt chú ý. Đó là người phụ nữ có ánh mắt chứa chan sức sống và ấm áp. Ánh mắt đó khiến ông thấy cô thật xinh đẹp. Bà cụ được tiêm thuốc xong. Cô nắm bàn tay xương xẩu của bà. Cứ nắm mãi như thế cho đến lúc cụ thiếp vào giấc ngủ. Ông vẩn vơ nghĩ, cái nắm tay ấm áp có thể là sự an ủi hơn bao nhiêu lời nói, và cũng có thể là liều thuốc giảm đau.

Sáng sớm, tất tả xuống cổng bệnh viện, mang về hai phần cháo, cô đưa ông một phần, bảo: “Anh đừng ngại. Tôi tiện thể mua luôn. Nếu tôi đoán không sai, sáng nay kiểu gì anh cũng phải nhờ người khác mua giúp”. Đúng là ông vẫn thường nhờ người nhà các bệnh nhân khác, khi họ đi mua đồ ăn. Cô thật biết quan tâm, tinh ý. Cô lại bảo: “Bà yên tâm, có anh đây sẽ giúp lúc bà cần. Cháu về thu xếp công việc, rồi cháu sẽ vào viện với bà”. Và cười. Ông thấy có cảm giác gì lạ lắm, khi được giao làm người nhà, giúp bà cụ trong lúc cô vắng mặt. “Người nhà”- điều mà mấy chục năm nay ông đánh rơi mất, khiến những đêm trăng trên đồi mãi chông chênh.

“Cô ấy là cháu nội hay cháu ngoại của bà ạ”? Nghe ông hỏi về cô, bà cụ cười móm mém: “Tôi không chồng con, không người thân. Nó là hàng xóm. Nó là trẻ mồ côi. Trước, nó có chồng, nhưng mãi không có con nên thằng chồng bỏ vợ. Suy sụp cũng mất mấy năm, nhưng sau đó nó thay đổi hẳn. Ngoài công việc để kiếm sống, nó luyện tập yoga và đi làm từ thiện. Nó giúp đỡ tui miết. Không có nó, cuộc đời tui khó khăn hơn nhiều”.

Chuẩn bị bữa trưa cho bà cụ, cô không quên phần của ông. Lòng ông chùng xuống cảm giác gì lạ lắm. Lâu lắm rồi, đây là lần đầu tiên ông có người nấu ăn cho. Sau khi bà cụ ăn xong, ông và cô ra sảnh, bên ngoài phòng bệnh, nơi có những bộ bàn ghế mà người nhà bệnh nhân đang sử dụng. Cũng như họ, ông và cô đặt thức ăn xuống bàn. Những chiếc hộp mở ra, tỏa mùi thức ăn thơm phức. “Ôi, hôm nay chú có vợ mang đồ ăn cho à. Vui quá rồi nghen. Cô à, mấy hôm cháu cứ thấy chú gửi mua đồ ăn rồi lủi thủi ra đây ăn một mình…”- thanh niên trẻ, chồng của nữ bệnh nhân phòng bên tếu táo.

Ông và cô nhìn nhau. Má cô đỏ ửng. Mặt ông cũng nóng bừng, bất giác ông mong ước có cô ngồi bên thềm nhà cùng ngắm ánh trăng trên đỉnh đồi. Điều mong ước đó, chắc chắn, sẽ có lúc ông nói với cô.

QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Mâm cơm nóng

1. “Ba tin mẹ sẽ làm tốt!” – Vũ, chồng My hay dùng câu nói ấy để khích lệ tinh thần My mỗi khi đứng trước quyết định lớn. Lần đó, My gần như đặt cược cả công ty cho một hợp đồng có tính mạo hiểm. Nghĩa là nếu thắng, công ty My sẽ bước thêm một bậc thang mới, mở ra rất nhiều cơ hội cho những dự án kế tiếp. Ngược lại, nếu thua, khả năng xấu nhất là công ty My phá sản.

Mâm cơm nóng
Bóng nắng

Bà Liếng sống một mình trong cái chòi dưới chân dốc Mù U. Nơi đó vắng ngắt, cánh đồng bỏ hoang, cỏ ngoi lên tới tận bờ, mấy con bò làng bên cũng chẳng buồn qua gặm những đám cỏ cằn khô. Bà Liếng là người đàn bà câm nên người làng quen gọi bà câm, quên mất cái tên Liếng từ bao giờ.

Bóng nắng
Return to top