ClockChủ Nhật, 27/03/2016 06:26

Trang trọng Lễ tế Xã Tắc

TTH.VN - Rạng sáng 27/3 (19/2 ÂL), tại Đàn Xã Tắc (phường Thuận Hòa, TP Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trang trọng tổ chức Lễ tế Xã Tắc năm 2016. Buổi lễ do ông Nguyễn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ Lễ tế. Ông Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Ông Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ban ngành và đông đảo người dân đã đến dự.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cùng các đồng chí lãnh đạo dâng hương trước giờ chính thức diễn ra Lễ tế Xã Tắc

Lễ tế Xã Tắc là một nghi lễ truyền thống rất quan trọng ở nước ta trước đây nhằm cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, Nhân dân no ấm, thiên hạ thái bình. Các triều đại độc lập ở Việt Nam, từ Đinh, Lý, Trần, Lê đến Nguyễn đều cử hành Lễ tế Xã Tắc vào mùa xuân hàng năm và luôn xem đây là quốc lễ. Trải qua thời gian cùng các biến động lịch sử, chỉ duy nhất tại Cố đô Huế hiện nay còn bảo tồn được đàn tế Xã Tắc bên trong Kinh thành Huế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung làm chủ Lễ tế

Với tính chất là một nghi lễ cung đình, Lễ tế Xã Tắc đã được nghiên cứu, phục hồi thành công và trở thành một nét văn hóa truyền thống độc đáo của tỉnh Thừa Thiên Huế, nhằm mục đích đáp ứng nguyện vọng của người dân luôn mong mỏi được dâng hương cầu nguyện, cùng đồng cảm trong hoài vọng quốc thái dân an, phong điều vũ thuận đem lại hạnh phúc cơm no áo ấm cho Nhân dân. Lễ tế Xã Tắc được tổ chức tái hiện lần đầu tiên vào năm 2008. Từ đó đến nay, nghi lễ truyền thống này được tổ chức hàng năm vào dịp xuân.

Đội nhạc lễ trong Lễ tế Xã Tắc

Lễ tế Xã Tắc năm 2016 được tổ chức dựa theo các nghi thức truyền thống  được nghiên cứu và điều chỉnh theo hướng tinh gọn, phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. 

Lễ vật dâng cúng tại Lễ tế Xã Tắc năm 2016

Việc phục hồi thành công Lễ tế Xã Tắc nhằm góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp từ Lễ tế Xã Tắc của Việt Nam từng diễn ra trong lịch sử, đề cao những giá trị nhân văn sâu sắc của nghi lễ là: hình thức gắn kết giữa con người với thế giới tự nhiên; tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà; biểu thị khát vọng cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, thiên hạ thái bình, đoàn kết, đổi mới và phát triển.

Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top