ClockChủ Nhật, 20/06/2010 05:03

Trang văn thức trọn kiếp người

TTH - (Đọc Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường - Nxb Hội Nhà văn 2010).Nếu ai đó hỏi, sự nghiệp văn chương của Hoàng Phủ Ngọc Tường rút cuộc là gì? thì câu trả lời: bút ký. Bút ký Hoàng Phủ là những giọt mưa dầm được lọc qua vỏ trái đất, bốc hơi và ngưng tụ thành sương, âm ỉ thấm cả vào lòng đá núi. 

Trong Ai đã đặt tên cho dòng sông, ngoài “số trang” được lấy từ 2/3 cuốn Trịnh Công Sơn - Cây đàn Lya của Hoàng tử bé (mà tôi mạn phép không bàn tới trong bài viết này); trong khối lượng đáng nể của mình, Hoàng Phủ đã “dứt ruột” (chỉ) chọn ra 16 bút ký, nên là tinh tuyển, đáng gối đầu giường đọc một cách chậm rãi.

Đọc văn Hoàng Phủ, biết ông là một người đi nhiều, phiêu lưu và thậm chí mạo hiểm. Cũng nhờ vậy, ngồn ngộn dữ liệu tinh tươm, sống động được chuyển tải qua chu trình thai nghén đầy chiêm nghiệm từ mong manh gió sương cho tới sự trường tồn của núi đá, thời không.  

Chỉ Ngọn núi ảo ảnh, đã khối chuyện li kỳ: chuyện bà Rôme chủ đồn điền ở Khe Sanh, với đặc sản “cà phê chồn”; chuyện ông Martin dám xây một khách sạn mười lăm phòng thời lên Bạch Mã còn phải đi bằng kiệu trên đường sạn đạo; chuyện tranh đấu của học sinh sinh viên; chuyện về con ngựa hoang núi Hồng Lĩnh Võ Thành Minh, ngồi thổi sáo bên bờ hồ Leman để phản đối chia cắt đất nước, chuyện ông Ngô Đình Cẩn...
 
Như con sông từ nguồn ra biển, qua Hoàng Phủ chúng ta biết đến bóng dáng cô đơn đến gãy đổ, đó là Giang, với Trong Rừng cười thì ngược lại. Sự xúc tác giữa ngô nghê và triết lý sống mang tính hoang dã phồn thực của những nhân vật xứng danh anh hùng vùng rừng núi Thừa Thiên đã kiến tạo nên khoảng thời gian xanh tươi giữa sự gầm rú kinh hoàng của bom đạn giặc thù, và lúc đó nỗi ảm đạm rừng già trở nên trong veo từ riêng rẽ từng tế bào số phận. “những buổi tối chập choạng đi ăn cơm quán về giữa thị trấn tràn ngập những bầy bò rung hạt chuông leng keng hòa lẫn với tiếng chuông nhà thờ chiêu hồn những người lính chết trận”...
 

Bìa sách Ai đã đặt tên cho dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường
 
Hoàng Phủ luôn đi tìm “những thời gian hoang phế”. Bởi, “những phế tích luôn luôn mang một vẻ đẹp riêng; vẻ đẹp đau đớn của những tháng tích còn lưu giữ lại trên tro tàn của những gì mà con người từng xây dựng nên”. Ở múi thời gian trong chiều thăm thẳm của vũ trụ, Hoàng Phủ đã đồng điệu với Marcel Proust khi nhà văn Pháp này “ủ” mình trong bóng tối để “tìm thời gian đã mất”. Thời gian là gì, nếu không là thước phim về chiều lịch đại mỗi linh thể sống, gồm cả những lát cắt mà không trí nhớ nào có thể phục hồi nguyên vẹn nỗi xót xa; hằn rõ trên khuôn mặt Diễm xưa.
 
Nếu Hoàng Phủ cho phép, tôi thử dụng hình ảnh sau đây để viễn du vào thế giới tâm hồn ông. Một đêm chìm vào giấc ngủ, linh hồn Hoàng Phủ lén nhập vào chú dế, lang thang khắp nẻo luân hồi và, thật may mắn, nó kịp trở về trả lại linh hồn cho ông trước lúc trời rạng.
 
Từ thiên nhiên đến con người, khoảng cách được rút ngắn dần để rồi dung hoà thành những vật thể có sinh mệnh như nhiên. Người làm vườn, ở Huế là một phụ nữ bận rộn hơn mà cũng ưu tư hơn cả R. Tagore thi sĩ: “mùa Xuân, bà trồng thêm cây, mùa Hạ làm cỏ đốt lá, mùa Thu hái quả, mùa Đông đọc sách hái măng, thầm lặng chờ Xuân đến”; đúng như tên gọi bộ phim thuộc hàng kinh điển: “Spring, Summer, Fall, Winter, anh Spring...” Samsara - vòng luân hồi thấm đẫm cả vào mùa thi ca lúc người làm vườn lặng “nhìn thành phố lên sương và nghe tiếng chuông thu không của mấy chục ngôi chùa cổ quanh núi rơi thánh thót giống như một cơn mưa thiền nối tiếp”.
 
Hoàng Phủ là vậy, đọc văn ông nhiều lúc ngỡ thơ. Nghĩa là chỉ cần cắt tỉa chút xíu... Đoạn văn: “nghe tiếng gọi ngoài cửa tôi mừng quá, đặt bút chạy ra mở cửa. Hoá ra chỉ là tiếng gió thổi, mấy chiếc lá khô theo cơn gió chạy dài dọc hành lang”; được Hoàng Phủ “chế” thành cặp lục bát mà người đời khen mãi: Tôi ra mở cửa đón người/ chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang.
 
Nghiễm nhiên gió ấy trở thành chủ thể của cảm hứng nghệ thuật, sau Con Người. Từ thiên nhiên đến thế giới nội tâm, Hoàng Phủ đã tìm ra cách lý giải về nguồn cội của loài động vật được vinh danh hàng đầu trên hành tinh xanh hiện là “độc bản”: “Con người thật giống bản lai của nó là Trái Đất, với muôn vàn những dòng sông lặng lẽ chảy suốt đêm ngày trong thân thể nó là những dòng máu, vận hành trong lẽ tuần hoàn của vũ trụ và chuyên chở biết bao điều huyền nhiệm của cuộc sống”. Đó là đoạn văn không thể viết lại lần thứ hai trong nghiệp dĩ văn chương.
 
Hoàng Phủ, một trong số hiếm người đang sở hữu nhiều đoạn văn hay nhất hiện nay mà nếu không khập khiểng thì chỉ có thể so sánh với nhiều câu thơ hay dành cho nàng Kiều của Nguyễn mà thôi. Chính nhờ vậy, lạ lùng thay, không những dòng sông mà thành phố nơi Hoàng Phủ đang sống cũng rệu như cội nến, chảy miên man rồi khai sinh cho mình dòng tên Sử thi buồn. Sông Hương trong văn Hoàng Phủ, như người con gái bước ra từ một huyền thoại buồn loang cả vào mai sau.
 
Yêu thiên nhiên cây cỏ, Hoàng Phủ đã đặt chân đến hầu hết tầng “không gian huyền nhiệm kiểu phương Đông, với thiên nhiên đầy hoa rừng mùa Xuân, nắng rực rỡ mùa hè, và sương khói mộng ảo mùa Thu”. Có những vùng đất, địa danh tên sông tên núi tên người, chỉ một áng văn, dòng thơ, một niệm khúc nhưng là vĩnh viễn không thể sinh động hơn. Thì trước nhất, đoạn văn dưới đây về Bạch Mã là minh chứng: “Sách kể chuyện thần tiên xưa nói rằng ba mươi năm một lần, biển xanh hóa thành ruộng dâu. Biển dâu thời tôi sống kéo tới dồn dập đến kinh hoàng. Biển dâu trên thời đại, trên đời dân, trên phận người, trên cây hoa anh đào. Biển dâu đến cả hoa kia cỏ này. Bạch Mã như một thành phố ảo trong sa mạc, huy hoàng phút chốc rồi tan biến, chỉ còn lại một bóng núi lau mờ”...
 
Đọc Đời rừng, tôi không khỏi ngạc nhiên về độ phì nhiêu của trí tưởng trên những nẻo đường thấm đẫm mưa mong thuở hồng hoang dáng núi. Rừng tùng ngút ngàn, sung sức ken dày một thủa, là nơi đoàn tụ của lũ phượng hoàng bay từ mù xa truyền thuyết, nay chỉ là một ngọn đồi trọc lốc không hy vọng chồi non bật nhú kể từ sau chiến dịch Ranch Hand “đã triệt hạ những nơi nó đi qua đến tận chếc lá cuối cùng”.
 
Nhân vật Kon Lai trong Sử thi buồn là người đã đi hết ngọn nguồn sông núi, rừng thẳm, đã gặp “những cô gái trần truồng, hơi thấp nhỏ nhưng trắng trẻo xinh đẹp hơn người dương trần và đi lại dễ dàng trên mặt nước”. Tôi cũng như Kon Lai, Hoàng Phủ, tin: đó là tiên nữ sông A Pàng trong huyền nhiệm riêng củasự thật. Cũng như luôn tin rằng“một phần của nước sông A Pàng rẽ ra để chảy về cõi âm”xa lắm.
 
16 bút ký, mỗi tác phẩm mỗi hướng nhìn khác biệt, song theo tôi chúng chung dòng máu chảy ra từ thăm thẳm một phần của người mẹ tâm linh. Nếu để chọn ra 3 bút ký hay nhất, đầu tiên tôi sẽ chọn Sử thi buồn; vì thế không thể xếp Ai đã đặt tên cho dòng sông kế tiếp, mà thay vào đó còn có Côn Sơn... Và nếu để chọn thêm một bút ký “lạ” nhất, thì đấy phải là Ngọn núi ảo ảnh. Lạ bởi nó chứa nhiều thể loại (trong một thể loại) - đây hẳn là nhận định chủ quan nhất của tôi trong bài viết này.
 
Tôi đã đọc được bài tùy bút nguyên vẹn trong Ngọn núi ảo ảnh, từ “những ý niệm hình thành trong tuổi thơ” cho tới... “nương dâu mênh mông nơi trần thế”. Tôi đọc được dòng thông tấn báo chí: “được khám phá vào năm 1932”... cho tới... “từ đỉnh núi”.
 
Tôi đọc được cuộc “hội nghị” sôi nổi về đề tài “Tổ quốc là gì?” từ: “xin cụ vui lòng cho biết”cho tới... “Tổ quốc chìm sâu trong tâm linh của mỗi người”. Cũng trong Ngọn núi ảo ảnh, thật ngạc nhiên, còn có cả truyện ngắn được thể hiện với bút pháp không kém phần lung linh như là sự đáp lời chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh. Truyện mở đầu: “Trời sẫm mây. Gió từ biển vào, lượn rồng rắn trên đầu rừng lau, làm dậy tiếng rì rào khô khốc rất rộng quanh tôi”. Và kết: “Nàng đăm đăm nhìn tôi, nói bằng giọng trang nghiêm mà tôi hiểu rằng người ta chỉ dùng để nói một vài điều nào đó trong cả đời người”...
 
Văn Hoàng Phủ là một dòng chảy tâm thức như chính dòng Hương của Huế: đằm sâu, lãng mạn với rất nhiều những cổ vật được vớt lên từ phong ba lịch sử mà người ta từng biết và luôn biết rằng chúng hãy còn dưới đáy sông kia.
 
Nhụy Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô

Chiều 28/3 tại Trường đại học Nghệ Thuật, Đại học Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Chi hội Mỹ Thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp Trường Đại học Nghệ thuật tổ chức lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ VII - Huế 2024.

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Giải thưởng Cống hiến 2024: Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc

Tối ngày 27/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sự kiện lễ trao giải "Cống hiến lần thứ 18" đã diễn ra. Sự kiện do báo Thể thao và Văn hóa phối hợp cùng Truyền hình Thông tấn (VNews) và Công ty TNHH Ngọc Việt Corporation tổ chức nhằm tôn vinh những gương mặt xuất sắc nhất trong lĩnh vực thể thao và âm nhạc Việt Nam.

Giải thưởng Cống hiến 2024 Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc
Đưa di sản đến gần hơn với công chúng

Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thực hiện nhiều chương trình nhằm đưa giá trị của Quần thể di tích Huế đến gần hơn với công chúng bằng các hình thức khác nhau.

Đưa di sản đến gần hơn với công chúng
Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024

Hội sách Alpha Books Huế 2024 do Công ty Cổ phần sách Alpha tổ chức vừa khai mạc phục vụ mọi người vào sáng 27/3 tại Vincom Plaza Huế (ngã 6 trung tâm TP. Huế) với đa dạng các đầu sách đến từ nhiều NXB, mức chiết khấu cao.

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024
Return to top