ClockChủ Nhật, 05/05/2019 14:36

Tranh cá 3D

TTH - Dù chưa học qua trường lớp nào, Nguyễn Phước Sơn, chàng barista (nhân viên pha chế cà phê) 22 tuổi đã tạo nên những tác phẩm cá 3d độc đáo.

Tiếp nhận thêm sản phẩm 3D về di sản văn hóa Huế

Tỉ mẩn từng đường nét

Nghệ thuật từ Nhật Bản

Bơi trong những sản phẩm gốm, mong manh tưởng chừng chỉ cần hắt xì là những chú cá sẽ phóng ra ngoài. Nhưng không, mặt nước vẫn tĩnh lặng vì những gì chúng tôi đang ngắm là cá 3d.

Cha đẻ của tranh cá 3d là nghệ nhân người Nhật Bản Riusuke Fukahori. Dày công nghiên cứu trong 12 năm, ông đã sáng tạo nên loại hình hội họa độc đáo dựa trên phương pháp vẽ layer by layer (lớp chồng lớp). Trong tranh, lớp màu vẽ và lớp keo được khéo léo xen kẽ, từ đó khắc họa hình ảnh những chú cá vô cùng sống động.

Mê mẩn bởi vẻ đẹp của những chú cá này, chàng barista chia sẻ: “Em rất muốn được ngắm những chú cá xinh đẹp ngay trên bàn làm việc của mình. Và em nghĩ có nhiều người đồng quan điểm ấy. Vì thế ý tưởng mang cá 3d đến mọi người nảy nở”. Thế là ròng rã nhiều tháng, Nguyễn Phước Sơn loay hoay với keo, màu vẽ và gốm. Sau ca làm việc vất vả, ánh đèn nơi góc nhà của Sơn vẫn thường tỏ rạng đến khuya.

Sống động nhờ cách vẽ “layer by layer”

Cái khó của vẽ tranh cá 3d là phải sắp xếp sao cho hợp lý các lớp vẽ. Chỉ cần chệch một chút thì tác phẩm đành phải bỏ. Vì thế, dù lớn hay nhỏ, dù quan trọng hay không, mỗi bộ phận của bức tranh đều có giá trị riêng. Đó là điểm mà những ai vẽ tranh cá 3d luôn dè chừng. Một chút sơ sẩy, một chút quá tay, bao nhiêu công sức đều thành dã tràng xe cát.

Muốn cá sắc sảo, mỗi lớp keo chỉ được dày 3mm, nếu mỏng hoặc dày hơn, hiệu quả đánh lừa thị giác sẽ giảm đi đáng kể. Nguyễn Phước Sơn sử dụng màu vẽ Acrylic và keo Epoxy Resin của Nhật Bản. “Phải dùng cân tiểu li và đong đếm thật chính xác. Thông thường, tỷ lệ chất keo trên chất rắn là 2/1 hoặc 3/1 tùy loại”, Sơn tỷ mỉ.

Để thành thạo từng nét vẽ, Phước Sơn đã rèn giũa từng ngày. Từ vây dưới, thân bụng, đuôi, đầu-mắt, vảy - vây trên, mỗi bộ phận được Sơn rèn đi rèn lại không ngơi nghỉ. Từng bộ phận cũng chính là những lớp cắt của cá. Sau những tháng ngày khổ luyện, khi đã tự tin vào tay nghề, chàng trai sinh năm 1997 mới “múa bút” trên gốm Nhật.

Sống động nhờ cách vẽ “layer by layer”

Sinh động

Các sản phẩm thủ công bao giờ cũng mất nhiều thời gian, nhưng chúng tôi tin kỷ lục sẽ thuộc về loại hình vẽ cá 3d. Mỗi một chú cá, Nguyễn Phước Sơn phải gia công 6 lần. Sơn nói: “Để keo khô và đạt chuẩn, mỗi lớp cần 15-24 giờ. Vì thế, thời gian hoàn thiện sản phẩm đơn giản nhất mất nguyên một tuần”. Đối với sản phẩm phức tạp, thời gian còn dài hơi hơn. “Nếu cá ở những tầng khác nhau, tăng chiều sâu cho bể thì phải mất hàng tháng trời”, chàng trai 22 tuổi cho biết thêm.

Nhìn những chú cá uốn mình, đầy sức sống trong bát, chúng tôi đùa với Sơn rằng “nuôi” cá 3d không cần tốn thức ăn. Phước Sơn cười, tự hào: “Người chơi chỉ cần ngắm cá. Góc này cá nghiêng mình, xoay bát một chút cá sẽ “bơi” theo hướng khác, vì thế không bao giờ chán”. Đẹp, độc đáo và bền lâu với thời gian, mỗi sản phẩm cá 3d giao động từ 200 nghìn đồng đến vài triệu đồng.

Phước Sơn đang kết hợp những tiểu cảnh bonsai mini và cá 3d, tạo ra những sản phẩm cực kỳ độc, lạ. Trên bờ là tán cây cổ thụ với dáng hình oai phong lẫm liệt. Dưới mặt hồ là đàn cá tung tăng thưởng thức bóng cây tùng, cây bách. Khung cảnh mơ màng như câu chuyện cổ tích, hướng người xem đến chốn an bình.

Vấn đề keo trong rất được Sơn chú trọng. Với diện tích nhỏ như bát, tô, keo trong sẽ tự tan bọt. Nhưng những diện tích lớn, việc xử lý đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Để theo đuổi đam mê, Nguyễn Phước Sơn đang chuẩn bị hành trang vào nam. Tại đây chàng trai mê cá 3d sẽ tham gia các khóa đào tạo về tranh và học cách làm chủ keo trong. Mơ ước của Sơn là tạo nên những tác phẩm thật sự giá trị, mãn nhãn. “Em sẽ tạo nên các tác phẩm trên diện tích lớn như mặt bàn. Vì thế, phải trang bị thật nhiều kiến thức và kỹ năng cần thiết”. Phước Sơn nói.

Bài, ảnh: MAI HUẾ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thiên nga trên tách cà phê

Vết bỏng trên bàn tay trái vẫn còn đậm màu, thế mà nụ cười của Lê Anh Tuấn, chàng barista (nhân viên pha chế cà phê) 22 tuổi vẫn thật rạng rỡ. Thuần thục bên máy pha cà phê, và chỉ chớp mắt với những cái lắc tay điệu nghệ, chú thiên nga xinh đẹp đã hiện hữu trên tách Latte-Art (một dòng cà phê pha chế rất được yêu thích).

Thiên nga trên tách cà phê
Return to top