ClockThứ Sáu, 16/11/2018 16:44

Tránh cảnh “nồi da xáo thịt”

TTH - Các cụ không ngờ rằng, nhà đất bây giờ trị giá 1,3 tỉ đồng đã “đưa” 6 chị em tuổi gần cuối cuộc đời, đến chốn công đường quyết liệt “nhờ” tòa chia.

1. Cảm giác bức bối bao trùm phòng xét xử TAND TP. Huế trước phiên tòa xét xử vụ án chia di sản thừa kế mà nguyên đơn, bị đơn là 6 chị em ruột, trong đó chị cả, anh trai kế đều trên 70 tuổi. Cậu em út cũng xấp xỉ 50. Cha mẹ của họ mất từ lâu, không để lại di chúc về ngôi nhà mà 6 người con đã cùng nhau lớn lên, chỉ dặn dò bằng miệng, ngôi nhà này không được bán mà để ở, làm nơi thờ tự, nơi con cháu trở về sum họp, gắn kết thêm tình thân trong các dịp lễ tết, cúng giỗ...

Các cụ không ngờ rằng, nhà đất bây giờ trị giá 1,3 tỉ đồng đã “đưa” 6 chị em tuổi gần cuối cuộc đời, đến chốn công đường quyết liệt “nhờ” tòa chia.

“Chia nhà rồi bàn thờ của cha mẹ phải làm sao?”. Trả lời thắc mắc của tòa, người chị cả quả quyết, bà phải lấy phần thừa kế của mình. Bàn thờ cha mẹ ai thờ thì thờ, không thì tự ai người đó đem về nhà thờ. Người em trai út trình bày: Các anh chị đến tuổi, lấy vợ lấy chồng rồi ra ở nơi khác. Sau khi lập gia đình, vợ chồng con cái ông vẫn ở với cha mẹ. Cha mẹ lần lượt qua đời, ông ở trong nhà nên chịu trách nhiệm thờ cúng. Nhưng mỗi lần đến ngày kỵ giỗ, các anh chị em tập trung lại, lúc nào cũng cãi cọ nhau, cho rằng ông chiếm hết tài sản của cha mẹ. Cho nên ông làm đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản của cha mẹ cho yên thân. Ông đề nghị được giao ngôi nhà, ông sẽ “thối” tiền cho các anh chị.

Thực ra, người con trai út nghèo, chẳng có tiền để “thối”, chỉ còn cách chờ bản án có hiệu lực pháp luật, ông bán gấp nhà, chia xong còn bao nhiêu vợ chồng kiếm mua lại miếng đất bé bé, xa xa, rồi vay mượn dựng nhà ở tạm.

2. Nữ thẩm phán cho biết, thêm một khúc mắc trong vụ án này là do người anh thứ hai khăng khăng, ông phải lấy lại 125 triệu đồng đã bỏ ra vào năm 2006 để xây ngôi nhà phụ tránh lụt trên thửa đất. Thế nhưng qua định giá, căn nhà phụ đó chỉ có giá trị 30 triệu đồng. Nữ thẩm phán nhiều lần mời 6 chị em, anh em đến tòa hòa giải, phân tích điều hơn lẽ thiệt, rằng nên thỏa thuận được với nhau, vì nếu để tòa án mở phiên tòa xét xử, cả 6 người đều phải chịu án phí, nộp vào ngân sách Nhà nước tính ra tổng cộng 60 triệu đồng. Nên để số tiền này phụ thêm cho người anh thứ, coi như lọt sàng xuống nia, chứ không mất đi đâu cả. Tình cảm ruột thịt vì vậy cũng được “vãn hồi”. Vậy mà bao lần hòa giải vẫn không thành, 6 anh chị em vẫn khăng khăng phải ra tòa.

Lạ một điều hôm đó khi phiên tòa mở, hội đồng xét xử tiếp tục hòa giải thì 5 anh chị em lại đồng ý phụ cho người anh trai thứ 100 triệu đồng. Vậy là ngoài số tiền đồng ý với yêu cầu của người anh thứ hai, các anh chị em nhà này còn “mất” tổng cộng 60 triệu đồng tiền án phí. Điều đó chứng tỏ là ruột thịt nhưng họ đã không còn tin tưởng nhau, mà chỉ tin mọi điều được hội đồng xét xử giải quyết tại phiên tòa

Với trị giá nhà đất đó, mỗi người chỉ được hưởng 180 triệu đồng từ việc chia chác di sản của cha mẹ tạo dựng với lời dặn dò không được bán mà giữ lại để ở và làm nơi thờ tự, để con cháu sum họp. Đó không chỉ là điều mất mát của gia đình họ mà còn ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng, xã hội. Thể hiện ý nguyện của mình bằng cách lập di chúc theo quy định của pháp luật, công bằng, có tình, có lý đối với khối tài sản để lại, là cách góp phần vào việc tránh cảnh “nồi da xáo thịt”, giữ gìn trật tự xã hội mà mọi công dân cần tập thói quen tuân thủ.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top