ClockThứ Tư, 18/08/2021 15:24

Tranh chấp đất ở Hố Chàng: Nhờ tòa phân định

TTH - Vụ tranh chấp đất ở Hố Chàng (P. Thủy Dương – TX. Hương Thủy) từ tháng 4 đến nay vẫn chưa ngã ngũ, dù chính quyền địa phương đã tổ chức hòa giải.

Chấp hành pháp luật để đảm bảo quyền lợi

Một trong những thửa đất tranh chấp

Năm 2016, TX. Hương Thủy cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho ông Lê Sơn Hà. Trong đó, thẻ thứ nhất mang số thửa 486, tờ bản đồ số 30, diện tích 5.565,4m2; thẻ thứ hai mang số thửa 6, tờ bản đồ số 36, diện tích 4.577,2m2.

Ngày 27/2/2018, ông Lê Sơn Hà chuyển nhượng 2 thửa đất nói trên cho 2 ông: Nguyễn Trung Kiên và Văn Viết Nghĩa.

Đến ngày 8/4/2021, ông Kiên và ông Nghĩa gửi đơn lên UBND P. Thủy Dương xin cải tạo đất trồng cây không vận chuyển đất dôi dư. Trong quá trình 2 ông Kiên, Nghĩa cải tạo đất, các ông, bà: Lê Thị Gái, Lê Quý Kệ, Lê Viết Hạnh, Lê Thị Chanh, Lê Quang, Phạm Chương, Nguyễn Thị Đối, Lê Quý Cần, Lê Khoa Nguyên có đơn kiến nghị gửi UBND P. Thủy Dương vì cho rằng, đây là phần đất của mình.

Theo những người gửi đơn, trước đây, họ là thành viên của đội sản xuất và sau đó là HTX nông nghiệp Thủy Dương, được cấp đất tại khu vực này để sản xuất nông, lâm nghiệp. Hiện, vẫn còn nhiều hộ đang canh tác, lập chuồng trại chăn nuôi ở đây, không hiểu vì lý do gì khi đất mình quản lý tự nhiên đổi chủ quyền cho người khác.

Ngoài nội dung nêu trên, đơn còn nêu kiến nghị về việc giấy chứng nhận QSDĐ bị cấp chồng lấn, cụ thể là trường hợp bà Lê Thị Kế (chồng là ông Lê Quý Cần) tranh chấp với ông Lê Quý Kệ tại thửa đất mà ông Kệ tranh chấp với 2 ông Nguyễn Trung Kiên và Văn Viết Nghĩa.

Sau khi nhận được đơn kiến nghị, UBND P. Thủy Dương tiến hành kiểm tra thực địa, yêu cầu ông Nguyễn Trung Kiên ngưng việc cải tạo đất và mời các hộ gia đình, cá nhân liên quan đến UBND phường làm việc và lấy ý kiến khu dân cư về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng, quá trình bỏ hoang của các hộ gia đình…

Sở dĩ UBND P. Thủy Dương có động thái này là bởi, qua tìm hiểu và đối chiếu hồ sơ, tài liệu liên quan, để trong năm 2013 hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Chỉ thị Số: 05/CT-TTg ngày 4/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn P. Thủy Dương được Đoàn đo đạc Xí nghiệp 3 (Bộ Tài nguyên & Môi trường) thực hiện đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính và hoàn thiện hồ sơ cấp giấy trên toàn phường.

Sau khi đoàn đo đạc Xí nghiệp 3 đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính trên toàn phường, năm 2015, UBND P. Thủy Dương xác nhận tất cả các hồ sơ đề nghị (trong đó có ông Lê Sơn Hà), sau đó chuyển Chi nhánh VPĐK đất đai TX. Hương Thủy để cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Đến ngày 2/8/2016, UBND TX. Hương Thủy cấp cho ông Lê Sơn Hà (vợ là bà Phùng Thị Hiền) 2 giấy chứng nhận QSDĐ như đã nêu. Thời điểm cấp giấy chứng nhận QSDĐ, ông Hà và bà Hiền thường trú tại tổ 3 P. Thủy Dương (nhà ở gần 2 thửa đất này).

Trở lại với những buổi làm việc giữa P. Thủy Dương và các bên liên quan, sau khi các bên cung cấp nguồn gốc đất, quá trình sử dụng, tiếp đó đi thực địa để kiểm tra hiện trạng thửa đất, đến ngày 5/5, UBND P. Thủy Dương mời ông Lê Sơn Hà gặp để xác minh nguồn gốc đất.

Tại đây, ông Hà cho biết, khi giao dịch mua bán đã chỉ rõ đất có bờ rào ranh giới và nói rõ có đất của ông Kệ, ông Nhơn cho 2 ông Nghĩa và ông Kiên rõ. “Về nguồn gốc thửa đất số 486, một phần của tôi khai hoang, một phần tôi mua bằng miệng của ông Tiếp, ông Tùng, ông Mau và một phần mua của ông Búa có giấy viết tay. Còn về nguồn gốc thửa đất số 6, tôi đổi đất của ông Phạm Dũng, Phạm Lễ (đổi bằng miệng) và một phần mua của ông Búa vào năm 1993-1994, sau đó có đổi cho ông Kệ một phần để ông làm trại dê hiện nay”, ông Lê Sơn Hà nói.

Đến ngày 10/5, UBND phường có Công văn đề nghị Chi nhánh VPĐK đất đai TX. Hương Thủy phối hợp với phường và các hộ gia đình liên quan đo đạc phần đất chồng lấn, tuy nhiên, tại buổi đo đạc, các hộ chưa thống nhất ranh giới do đó việc đo đạc tạm ngưng.

Đến ngày 21/6, UBND P. Thủy Dương mời những người từng cư trú cùng thời điểm sử dụng đất để lấy ý kiến thì những người có mặt cho rằng, 2 thửa đất ông Lê Sơn Hà chuyển nhượng cho ông Kiên và ông Nghĩa có nguồn gốc đất là của các ông: Búa, Tùng, Đẩu, Nhơn, Hạnh, và bà Trần Thị Thước (mẹ ông Kệ,) được HTX chia và có khai hoang thêm. Sau khi HTX chia, các hộ trồng khoai sắn, do trâu bò phá nên chuyển sang trồng bạch đàn. Sau đó ông Hà san ủi để trồng cây.

Đến ngày 22/7, UBND P. Thủy Dương mời các hộ gia đình để hòa giải. Tuy nhiên, buổi hòa giải bất thành khi đa số các hộ không đồng ý 2 phương án thỏa thuận bằng tiền và đổi đất (chỉ có ông Phạm Chương đồng ý). Phương án còn lại là ông Lê Sơn Hà trả lại tiền cho ông Kiên và ông Nghĩa thì ông Hà cho biết đã tiêu hết tiền.

Xung quanh câu chuyện này, nhiều hộ dân quanh vùng cho rằng, về lý, ông Lê Sơn Hà chuyển nhượng đất là không sai, vì theo quy định, đất khai hoang lâu ngày không sử dụng thì ông Hà có quyền khai hoang và xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Tuy nhiên, về tình cảm xóm làng thì phải xem lại, vì trong diện tích đất ông Hà chuyển nhượng có đất canh tác của những người đứng đơn đã nêu.

Liên quan đến chuyện tranh chấp và cấp giấy chứng nhận QSDĐ chồng lấn, ông Ngô Hữu Thuận – Chủ tịch UBND P. Thủy Dương cho biết, tháng 9/2018, ông Thuận mới được phân công giữ chức vụ Chủ tịch UBND phường. Vì vậy việc tham mưu, cấp giấy chứng nhận QSDĐ thuộc về công chức địa chính và lãnh đạo phường tiền nhiệm.

Theo ông Nguyễn Thanh Minh – Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy, sau khi hòa giải bất thành, căn cứ theo Luật Đất đai 2013, thị xã đã đề nghị UBND P. Thủy Dương hướng dẫn những bên liên quan làm thủ tục khởi kiện ra Tòa. “Khi có kết quả phân xử, những bên liên quan phải tuân thủ theo phán quyết của Tòa”, ông Minh nói.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Báo động tình trạng trộm ở chung cư

Một đường dây trộm mô tô tại các chung cư (CC) đã bị lực lượng nghiệp vụ Công an TP. Huế triệt xóa. Các đối tượng thực hiện hành vi này đều đang trong lứa tuổi thanh, thiếu niên (TTN). Đây là vấn đề đáng báo động trong xã hội hiện nay và việc quản lý an ninh tại các CC cũng cần phải chặt chẽ hơn.

Báo động tình trạng trộm ở chung cư
Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế

Phục vụ cho việc đánh giá, so sánh tiềm năng của xe máy điện trong lĩnh vực giao vận, UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện dự án thử nghiệm xe máy điện giao hàng tại TP. Huế.

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế
Nhiều hộ dân ở Hương Xuân thiếu nước sạch

Dù đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nhưng hiện nay hàng chục hộ dân trên địa bàn xã Hương Xuân (Nam Đông) vẫn thiếu nước sạch để sử dụng, gây khó khăn cho đời sống, sản xuất của các hộ dân.

Nhiều hộ dân ở Hương Xuân thiếu nước sạch
Thông tin doanh nghiệp:
Quy trình sản xuất ống gió ở Nhà Máy P69 có gì khác biệt?

Nhà Máy Cơ Khí P69 hiện nay đang là đơn vị sản xuất ống gió hàng đầu Việt Nam. Hệ thống sản xuất của nhà máy sử dụng các loại máy móc với công nghệ tiên tiến cùng quy trình chặt chẽ nên cho ra những sản phẩm chất lượng đáp ứng hầu hết các yêu cầu của khách hàng.

Quy trình sản xuất ống gió ở Nhà Máy P69 có gì khác biệt
Sức trẻ ở làng Rồng

Ở tuổi 86, khắc vào ký ức của lão ngư Lê Văn Tẩy là những lần Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ Hà Nội, đều đặn về thăm người dân làng Rồng, tận tay trao cho bà con từng phần quà tết. Với cụ Tẩy và 64 hộ dân nơi đây, tấm lòng nặng trĩu ân tình ấy là nguồn động viên lớn lao để sự hồi sinh đã bền bỉ đâm chồi, nảy lộc trên mảnh đất nơi đầu sóng ấy...

Sức trẻ ở làng Rồng

TIN MỚI

Return to top