ClockThứ Tư, 14/01/2015 07:00

Tranh chấp đất rừng tại núi Hòn On

TTH - Cho rằng, UBND huyện Phú Lộc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho các hộ tại vùng núi Hòn On chồng lấn lên phần đất mà gia đình mình sử dụng, canh tác từ trước năm 1970, ông Phan Văn Minh, trú tại thôn Trung Phước, xã Lộc Trì, (huyện Phú Lộc) đã có đơn khiếu nại gửi Báo Thừa Thiên Huế.

Tranh chấp

Ông Minh cho biết, trước năm 1970, ông nội ông là Phan Văn Thùy đã khai hoang đất phía sau nhà lên núi Hòn On để trồng khoai, sắn, dứa, tre, mít... và cây dài ngày là bạch đàn. Năm 1989 và 1990, cha ông và ông nội qua đời, ông tiếp tục sử dụng vùng đất này để canh tác... Năm 2013 và 2014, ông bán lứa cây keo, tràm ông trồng. Khi ông tiếp tục trồng mới thì bị đình chỉ, ngăn cản với lý do trồng trên đất của bà Nguyễn Thị Nghị (đã được cấp GCNQSD đất). Ông không biết bà Nghị được cấp GCNQSD đất từ khi nào, khi ông không được ký giáp ranh? Phải chăng, UBND huyện đã cấp GCNQSD đất cho bà Nghị chồng lấn lên đất của gia đình ông?
Ông Minh khẳng định cây mít mà gia đình ông trồng trên núi Hòn On từ trước năm 1970 vẫn còn
Ông Phan Dưỡng, trú tại thôn Phước Tượng xác nhận: Gia đình ông mặc dù sống ở thôn Phước Tượng, nhưng có trồng lúa gần khu vực này. Thời gian ông còn nhỏ (sau năm 1975) có đi chăn trâu và chứng kiến ông Thùy trồng sắn, thơm, mít, bạch đàn... ven núi Hòn On (từ chân núi lên khoảng 10m). Ông Đỗ Bình Đông cũng khẳng định, ông về cư trú tại thôn Trung Phước từ năm 1986. Thời kỳ đó các hộ dân đây đều rất nghèo khổ. Ông Thùy đã canh tác trồng khoai, sắn, mít và các loại cây khác lên đến gần nửa núi Hòn On làm kế mưu sinh cho cả gia đình.
Tìm hiểu từ các hộ dân xung quanh, họ đều xác nhận việc canh tác, trồng trọt của gia đình ông Thùy trên núi Hòn On đã có từ rất lâu. Do vậy, việc khai hoang, trồng trọt của gia đình ông Thùy, ông Minh là có thật.
UBND huyện cần vào cuộc
Ông Lê Phú Di, nguyên Chủ nhiệm HTX Nam Hà (giai đoạn 1978-2005) và ông Đặng Phiên, Chủ nhiệm HTX Nam Hà từ năm 2005 đến nay cho biết, trước năm 1975, Hòn On là rừng tự nhiên. Năm 1979, núi Hòn On giao cho HTX Nam Hà (Lộc Trì) trồng thông theo Dự án PAM 2780, trong đó, HTX thuê xã viên trồng, khai thác nhựa thông và trả công. Năm 2004, do bão gãy đổ và hiệu quả không cao, nên rừng được thanh lý. Sau đó, số diện tích đất rừng tại núi Hòn On giao cho 10 hộ cá nhân là xã viên và cán bộ quản lý, sử dụng. Năm 2008, 10 hộ gia đình trên được cấp GCNQSD đất.
Ngày 22-2-2005, UBND huyện Phú Lộc đã có các quyết định số 707 đến 716/QĐ-UBND giao đất cho 10 hộ gồm Lê Phú Dũng, Lưu Bình Hùng, Âu Khánh Giang, Nguyễn Thị Kim Loan, Nguyễn Thị Nghị, Phạm Viết Phong, Tôn Nữ Quỳnh Giao, Dương Tấn Cang, Lê Thị Kiều và Cái Kháng toàn bộ diện tích đất tại núi Hòn On, thuộc tiểu khu 225, xã Lộc trì với diện tích 12,15ha. Ngày 13-5-2008, UBND huyện cấp GCNQSD đất cho 10 hộ trên. Đến nay, không chỉ có gia đình ông Minh tranh chấp đất rừng tại núi Hòn On với các hộ đã được cấp GCNQSD đất, mà có đến 10 hộ gia đình sinh sống gần chân núi Hòn On tranh chấp đất rừng. Theo các hộ này, việc cấp GCNQSD đất cho 10 hộ tại núi Hòn On họ không biết. Hơn nữa, trong quá trình cấp đất, các ngành chức năng của huyện không đo đạc, cắm mốc xác định ranh giới cũng như ký giáp ranh đất với các hộ dân sống ở quanh khu vực này dẫn đến tranh chấp như hiện nay.
Ông Trần Xuân Diệu, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì cho biết, hiện nay khu vực tại chân núi Hòn On đang triển khai tuyến đường dẫn vào hầm Phước Tượng thuộc Dự án hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng và phải giải phóng mặt bằng. UBND huyện Phú Lộc đã giải quyết 1 trường hợp lấn chiếm đất tại nơi này. Các hộ khác, UBND xã đã mời giải quyết nhưng không có kết quả. Sắp tới, UBND xã sẽ mời đoàn liên ngành gồm: Phòng TN-MT, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hạt Kiểm lâm, Công an, Viện kiểm sát huyện Phú Lộc và các hộ liên quan giải quyết tranh chấp.
Tại sao việc tranh chấp đất rừng tại núi Hòn On giữa các hộ dân sống quanh khu vực và các hộ đã được cấp GCNQSD đất đến năm 2014 mới xảy ra? Theo các hộ dân thì đến thời điểm này, họ mới biết đất rừng mà họ canh tác lâu nay được cấp cho các hộ dân khác. Họ đều dựa vào đất rừng này để mưu sinh, nuôi sống gia đình từ bao năm nay. Nếu GCNQSD đã cấp cho những người khác chồng lấn lên đất canh tác của họ thì như thế nào? Người dân mong muốn UBND huyện sớm đứng ra xem xét, giải quyết, tạo sự đồng thuận, tránh việc khiếu kiện kéo dài.
Bài và ảnh: Hải Huế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghỉ lễ dài ngày, người dân cần lưu ý 5 vấn đề khi vắng nhà

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày, nhiều người dân, hộ gia đình sẽ có những dự định đi chơi xa, về quê thăm người thân... Để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng người dân vắng nhà dài ngày để trộm cắp tài sản hay những bất trắc có thể xảy ra, ngày 24/4, Công an tỉnh đã gửi thông tin cảnh báo, yêu cầu mọi người dân trên địa bàn tỉnh cần đặc biệt lưu ý.

Nghỉ lễ dài ngày, người dân cần lưu ý 5 vấn đề khi vắng nhà
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Sáng 23/4, Đoàn giám sát Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát liên quan đến chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam”.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Mâu thuẫn vì từ chối "cụng ly" dẫn tới chém nhau

Ngày 23/4, Tòa án Nhân dân tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” đối với Nguyễn Minh Vũ (SN 1985, trú phường Phú Nhuận); Châu Văn An (SN 1991) và Phạm Văn Phước (SN 1997) cùng trú phường An Đông, TP. Huế.

Mâu thuẫn vì từ chối cụng ly dẫn tới chém nhau
Return to top