ClockThứ Hai, 03/02/2014 05:33

Tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân - di sản văn hóa mỹ thuật Huế

TTH - Bộ tranh quý của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân sau một trăm mười (110) năm rời quê nhà, nhưng vẫn chưa đủ duyên trở về cố quốc. Đó là điều đáng tiếc đối với những ai nặng lòng với di sản văn hóa Việt Nam.*

Bộ tranh gồm năm mươi bốn (54) bức bọc trong túi vải lanh màu xám nâu; được bảo quản nguyên vẹn. Trên mỗi bức tranh đều có ghi chú các thông tin về địa vị, chức tước, phẩm hàm của các nhân vật bằng hai thứ chữ Pháp và Hán. Toàn bộ tranh được vẽ bằng màu nước và bột màu trên giấy (Watercolor and Gouache on Paper), kích thước 23 x 31 cm (9.1 x 12.2 inch). Ngoài bộ tranh ghi rõ dòng chữ Hán viết bằng son: Hoàng phái sắc phục tự thiên tử chí tôn thất 皇派色服自天子至尊室 chữ Pháp viết bằng mực: Grande tenue de la Cour d’Annam par Nguyễn Văn Nhân, Biên tu du Hàn lâm en disponibilité. Hué Décembre 1902 (Đại lễ phục của triều đình An Nam, do Nguyễn Văn Nhân, chức Biên tu Viện hàn lâm hưu trí [vẽ]. Huế, tháng 12 năm 1902).

Tranh truyền thần Tổ sư Hải Toàn - Linh Cơ

Về tác giả bộ tranh:

Từ trước đến nay chưa thấy có công bố nào rõ ràng về tiểu sử của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân. Riêng chúng tôi, trong khi tìm hiểu về tiếu tượng các cao tăng ở Cố đô Huế thời Nguyễn đã may mắn tìm thấy được đôi chút dấu tích của người họa sĩ này. Tại tổ đình Tường Vân – Huế hiện còn tôn trí bức truyền thần của Tổ sư Hải Toàn – Linh Cơ**, bên phải bức tranh có ghi hai dòng lạc khoản; dòng phía trên ghi: Long phi Thành Thái thất niên tam nguyệt sơ nhị nhật 龍飛成七年三月初二日 (Triều Thành Thái năm thứ 7 (1895), tháng 3, ngày mồng 2), dòng phía dưới ghi: Trú kinh Khâm sứ tòa kí lục Nguyễn Văn Nhân phụng họa quán Hà Nội tỉnh Hoài Đức phủ Vĩnh Thuận huyện Kim Liên tổng Kim Liên phường 住京欽使記錄阮文仁奉貫河内省懷德府永順縣金蓮總金蓮坊 (Nguyễn Văn Nhân, chức kí lục tòa Khâm sứ tại kinh đô vâng lệnh vẽ. Quê quán ở phường Kim Liên, tổng Kim Liên, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội). Thông tin này cho biết lí lịch của Nguyễn Văn Nhân, ông đã vâng lệnh bề trên vẽ bức truyền thần hòa thượng Linh Cơ, thời điểm ông đang làm kí lục*** tại tòa Khâm sứ Huế. Nhưng trên bộ tranh Đại lễ phục triều đình An Nam 7 năm sau đó – tháng 12 năm Thành Thái 14 (1902), ông lại ghi: “Nguyễn Văn Nhân, chức biên tu**** Viện hàn lâm hưu trí” (Nguyễn Văn Nhân, Biên tu du Hàn lâm en disponibilité). Điều này cho biết, thời điểm thực hiện bộ tranh, ông đã hồi hưu. Căn cứ theo thể lệ mới của Chính phủ Bảo hộ, ông đã xin Nam triều ban phẩm hàm tương đương với ngạch kí lục ở tòa Khâm sứ là chức Biên tu Hàn lâm viện (hàm chánh thất phẩm). Căn cứ vào năm hưu trí (1902), có thể ước đoán Nguyễn Văn Nhân sinh khoảng thập niên 30-40, thế kỉ XIX.

Vua Thành Thái với lễ phục tế Nam Giao

Nguyên nhân ra đời của bộ tranh:

Theo Đại Nam thực lục, chánh biên, đệ lục kỉ, phụ biên, cho biết năm Thành Thái 14 (1902) là năm kỉ niệm triều Nguyễn tồn tại đúng 100 năm, nhưng không ghi nhận có lễ lạc gì quan trọng. Chỉ có sự kiện đáng lưu ý là đầu năm 1913, khâm sứ Boulloche về nước, vua Thành Thái có ban tặng một số phẩm vật quý, nhưng không thấy kê bộ tranh của Nguyễn Văn Nhân. Theo ý chúng tôi, nếu bộ tranh là tặng phẩm chính thức của triều đình thì phải có ghi chép và ghi chú rõ ràng, trân trọng trên bộ tranh. Như vậy đây có thể là ý tưởng của Tòa khâm sứ và Nguyễn Văn Nhân là người được chọn để thực hiện ý tưởng này. Nhưng chúng tôi vẫn chưa rõ lý do vì sao bộ tranh này lưu lạc ra quốc ngoại, và vào thời điểm nào.

Giá trị lịch sử của bộ tranh:

Khảo sát các họa phẩm của Nguyễn Văn Nhân hiện còn bảo tồn tại Cố đô Huế, đặc biệt là bộ tranh Đại lễ phục của triều đình An Nam mới phát hiện, chúng tôi nhận thấy ông xứng đáng được tôn vinh là truyền nhân của dòng nghệ thuật truyền thần Việt Nam, thế kỉ XVII-XVIII, thời Lê-Trịnh.*

Phẩm phục Hậu phi

Mặt khác, khi ra làm việc cho chính quyền Bảo hộ, Nguyễn Văn Nhân có điều kiện thuận lợi để tiếp thu, bổ sung kiến thức hội họa phương Tây (giải phẫu học, kỹ thuật ánh sáng, luật xa gần v.v.) để ứng dụng vào công việc chuyên môn. Ông kết hợp khá nhuần nhuyễn hội họa truyền thần truyền thống với hội họa phương Tây mới du nhập, đưa nghệ thuật truyền thần phát triển đến đỉnh cao. Chân dung của các nhân vật thời Nguyễn qua ngọn bút tài hoa của Nguyễn Văn Nhân thể hiện thần thái sinh động, trung thực và một tỉ lệ nhân thể hợp lí và chuẩn xác so với tranh truyền thần của các thế hệ đi trước. Các loại phẩm phục, trang phục hoàng gia, triều thần, tăng sĩ, binh lính… được miêu tả hết sức chi tiết từ màu sắc đến các hoa văn trang trí. Vì thế, tác phẩm của Nguyễn Văn Nhân là di sản quý báu, có giá trị và trở thành tài liệu quan trọng để phục vụ nghiên cứu, tái hiện lịch sử Việt Nam cận đại.

Trên phương diện lịch sử hội họa, Nguyễn Văn Nhân là thế hệ trước Lê Huy Miến (Lê Văn Miến) (1874-1943) – họa sĩ Việt Nam đầu tiên được đào tạo chính quy và tốt nghiệp (1898) tại trường mĩ thuật Paris. Như thế, có thể xem các họa phẩm của Nguyễn Văn Nhân là dấu ấn khởi đầu quan trọng trong thời kì giao lưu, tiếp biến văn hóa mĩ thuật Việt Nam với nghệ thuật phương Tây. 


*Xem: http://chuyentrang.tuoitre.vn/Vieclam/Index.aspx? ArticleID=437547&ChannelID=10

** Hải Toàn-Linh Cơ (1823-1896), thiền sư thuộc đời 40 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 6 dòng thiền Liễu Quán; trú trì quốc tự Diệu Đế (1865), Tường Vân (1866), Tăng cang quốc tự Giác Hoàng (1883).

*** Kí lục: Người biên chép sổ sách ở công sở. Thời Pháp thuộc, đây là ngạch thơ kí hành chánh ở các tòa sứ Pháp, thường được dân gian gọi là “ông phán tòa sứ”.

**** Biên tu: Viên chức thư lại ở Hàn lâm viện, giữ việc biên chép sử sách, công văn; hàm chánh thất phẩm.

Trần Đình Sơn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam

TIN MỚI

Return to top