Y tế - Sức khỏe Tin tức y tế
Tránh xa thuốc lá để an toàn với bệnh phổi
TTH - Thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính khiến tần suất phát triển bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ngày càng tăng, ảnh hưởng đến khoảng 65 triệu người và khoảng 3 triệu người tử vong hàng năm. TS. BS. Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Phổi Thừa Thiên Huế cung cấp đầy đủ hơn những “gam màu” của căn bệnh này.
TS.BS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Phổi Thừa Thiên Huế. Ảnh: HỮU PHÚC
TS. BS. Lê Thanh Hải cho biết: Nhiều nghiên cứu quy mô trên toàn cầu đã kết luận hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính hay là yếu tố nguy cơ nổi trội, độc lập gây ra nhiều bệnh. Trong đó, có một bệnh lý về phổi mà nguyên nhân chính và chủ yếu là do hút thuốc lá, đó là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Theo Bộ Y tế Hoa Kỳ, COPD là nguyên nhân đứng hàng thứ ba tử vong ở Hoa Kỳ. Hơn 11 triệu người tại Hoa Kỳ đã được chẩn đoán mắc bệnh COPD. Tuy nhiên, khoảng 24 triệu người có thể bị bệnh COPD mà không biết điều đó.
COPD thường xảy ra ở những người trên 40 tuổi và những người có tiền sử hút thuốc lá. Giai đoạn nặng của COPD tập trung đa số ở người cao tuổi. Nhiều yếu tố có thể góp phần vào sự phát triển của COPD, bao gồm tiếp xúc kéo dài với các chất ô nhiễm không khí và bụi. Tuy nhiên, hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu của bệnh. Trong thực tế, hút thuốc lá gây ra khoảng 90% trường hợp COPD.
COPD ảnh hưởng đến hệ hô hấp và đe dọa tính mạng người bệnh như thế nào, thưa ông?
Phổi, đường hô hấp và túi khí thường đàn hồi. Khi chúng ta hít vào, phổi căng ra giống như quả bóng chứa đầy không khí. Nhưng khi thở ra, các túi khí xẹp xuống và đẩy không khí ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, ở những người bị COPD, ít luồng không khí đi vào và ra khỏi đường hô hấp. Những vấn đề này thường xảy ra bởi khí phế thũng hay viêm phế quản mãn tính. Cả hai tình trạng bệnh lý này đều được gọi tắt là COPD.
Bệnh viện Trung ương Huế hỗ trợ người cao tuổi tầm soát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Khí phế thũng xảy ra khi khói thuốc lá hoặc các chất ô nhiễm không khí khác, khiến các vách ngăn giữa các túi khí bị hỏng. Khi túi khí suy yếu, các vách ngăn vỡ ra, tạo ra một túi khí lớn thay vì nhiều túi nhỏ hơn. Điều này gây khó khăn hơn cho các mao mạch hấp thụ đủ lượng oxy cung cấp cho cơ thể và để tống xuất hết CO2 ra khỏi cơ thể, làm cho dần dần khó thở. Giống như khí phế thũng, viêm phế quản mãn tính có thể phát triển khi bạn hút thuốc lá thường xuyên hoặc thường xuyên hít phải chất gây ô nhiễm không khí.
COPD có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Người bệnh nên đến phòng cấp cứu ngay nếu có xuất hiện triệu chứng khó nói chuyện hoặc khó thở, móng tay hoặc môi tím tái, thiếu sự tỉnh táo hoặc nhịp tim rất nhanh.
Vậy, thuốc lá đã gây ra COPD cho cơ thể chúng ta?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hút thuốc lá là nguyên nhân chính của bệnh COPD. Điều này bao gồm khói thuốc lá, xì gà và hút thuốc lá thụ động - tức là tiếp xúc với khói thuốc lá khi thở gần một ai đó đang hút thuốc. Ở Việt Nam, ngoài hút thuốc lá điếu, còn có hút thuốc rê, hút thuốc lào và nhai thuốc lá kèm ăn trầu.
Khói thuốc lá, giống như không khí bạn hít thở, xuống qua khí quản và cuối cùng vào trong các ống phế quản. Khói độc hại sau đó di chuyển vào các tiểu phế quản, trong đó có chứa các cụm nhỏ xíu của túi khí gọi là phế nang. Độ co giãn của các túi khí cho phép sự trao đổi khí diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, những người thường xuyên hút thuốc lá, hoặc những người thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá cuối cùng phát triển tổn thương phổi. Sự xơ chai của các túi khí, sự suy thoái của các vách ngăn giữa túi khí và thành đường hô hấp dày lên, bị viêm, tăng chất nhầy trong đường hô hấp, gây tắc nghẽn khí.
Khói thuốc lá chứa các chất độc hại ảnh hưởng đến chức năng phổi. Độc tố được hít trực tiếp vào phổi trong thời gian kéo dài có thể dẫn đến kích thích phổi nghiêm trọng, gây ra sự khởi đầu của COPD. Việc tiếp xúc với khói thuốc lá vẫn diễn ra tiếp tục và lâu dài, càng khiến phổi bị tổn thương, dẫn đến tình trạng viêm và suy thoái.
Liệu khi bỏ hút thuốc lá, người bị bệnh COPD có thể phục hồi tổn thương phổi hoàn toàn không?
Không có cách chữa bệnh COPD đặc hiệu và tổn thương phổi khó có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, điều chỉnh lối sống và một số phương pháp điều trị y tế có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn, sức khỏe được cải thiện và ngăn các triệu chứng COPD trở nên nặng hơn. Đặc biệt, khi COPD phát hiện ở giai đoạn sớm, bạn có thể được can thiệp ngay và khả năng bảo tồn sức khỏe phổi và toàn thân là hoàn toàn có thể.
Một số thay đổi lối sống có thể giảm bớt các triệu chứng bao gồm: bỏ hút thuốc ngay nếu bạn hút thuốc; tránh khói thuốc lá, các loại khói khác (khói bếp, khói hương, khói nến, khói đốt rơm rạ…) và những nơi ô nhiễm không khí; có một chế độ ăn uống bao gồm phần lớn các loại rau, protein nạc và ngũ cốc; tập thể dục 30 phút/ngày và ít nhất ba lần mỗi tuần. Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh COPD nếu bạn chưa mắc, hoặc làm hãm lại bệnh COPD trở nặng là bỏ thuốc lá ngay lập tức và tránh khói thuốc lá. Cùng chung tay vì một cộng đồng “Không khói thuốc lá”.
Xin cảm ơn TS!
ĐỒNG VĂN (Thực hiện)
- Nhìn lại một năm cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam (23/01)
- Hôm nay Việt Nam tiêm nhắc vắc xin COVID-19 liều 25cmg cho 17 người tình nguyện (20/01)
- Người nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa (19/01)
- Phấn đấu số người tham gia BHYT đạt 91,58% dân số năm 2021 (19/01)
- Tiếp nhận gần 300 đơn vị máu từ cán bộ, người dân A Lưới (19/01)
- Triển khai nhiều hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ khoa Điều dưỡng (16/01)
- Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam đạt được nhiều thành quả chuyên môn (15/01)
- Tập trung đầu tư cho y tế dự phòng và y tế cơ sở (14/01)
-
Nhìn lại một năm cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam
- Triển khai nhiều hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ khoa Điều dưỡng
- Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam đạt được nhiều thành quả chuyên môn
- Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoàng Yến: Giấc mơ cho trẻ
- Yêu thương ấm áp
- ‘Trường kỳ kháng chiến’ chống COVID-19 bước vào thời điểm đặc biệt
- Bàn giao 33 bác sĩ thuộc dự án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn
- Hơn 300 mẹ tham gia tầm soát đái tháo đường thai kỳ và tư vấn tiền sản
- Quản lý chất lượng khí dùng trong y tế
- 600 đại biểu tham gia Hội nghị khoa học Phòng chống ung thư thường niên 2020