ClockThứ Bảy, 07/01/2023 14:23

Trao đổi, công nhận tín chỉ lẫn nhau: Nói dễ, làm khó

TTH - Dù thấy lợi ích và đã có quy chế từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nhưng trên thực tế, số trường tham gia công nhận tín chỉ đào tạo chưa nhiều. Ngay trong chính các đại học (ĐH) hay các trường trong khu vực, vấn đề này vẫn dừng lại ở chuyện “nói dễ, làm khó”.

Tạo uy tín và vị thế cho Trường đại học Ngoại ngữĐại học Huế triển khai phương án làm việc online để phòng, chống dịch

Sinh viên khi học trao đổi giữa các trường có thể trải nghiệm mang lại nhiều lợi ích

Chưa nhiều đơn vị triển khai

Hỏi đến chuyện trao đổi, công nhận tín chỉ giữa các trường ĐH, hầu hết các đơn vị đào tạo đều lắc đầu. Việc trao đổi, công nhận tín chỉ với các trường nước ngoài đã phổ biến, trái lại, ở trong nước dù có khung pháp lý, nhưng các trường chưa mấy mặn mà.

TS. Nguyễn Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế thừa nhận, đối với nhóm trường đào tạo ngoại ngữ, vẫn chưa có những hợp tác để triển khai hoạt động trao đổi, công nhận tín chỉ lẫn nhau. Ngay cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thậm chí là giữa các trường trong ĐH Huế có các môn thuộc khối kiến thức đại cương, cơ sở ngành, lý luận chính trị… có thể trao đổi, nhưng thực tiễn triển khai vẫn còn khó.

Theo đại diện các trường, lợi ích cho việc trao đổi, công nhận tín chỉ không nhỏ. Ngoài tính chất học thuật, giá trị mang lại là những cơ hội trải nghiệm môi trường học tập trường bạn, giao lưu văn hóa và con người... Mặt khác, quy chế đào tạo ĐH ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18/3/2021 của Bộ GD&ĐT đã tạo hành lang pháp lý, cho phép các trường công nhận đến 50% khối lượng học tập tối thiểu của chương trình đào tạo là một thuận lợi. Tuy nhiên, chưa có nhiều trường tham gia.

Hoạt động trao đổi, công nhận tín chỉ giữa các trường còn ít

Tìm lời giải cho bài toán trên, đại diện các trường chỉ ra khá nhiều nguyên nhân. TS. Nguyễn Văn Huy cho rằng, hai yếu tố cơ bản nhất là nhu cầu sinh viên trao đổi trong nước còn ít và chính sách thu hút từ các trường chưa có những điểm đặc biệt để hấp dẫn như các trường nước ngoài. Còn theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Văn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế, trong khối ngành nông lâm ngư, các ngành kỹ thuật, chương trình giữa các trường có những điểm khác nhau, việc thực hành, thực tập cũng có những khó khăn. Quan trọng hơn, sinh viên chưa có nhu cầu cao, bởi khi di chuyển sang học trường khác, đi xa phải tốn kém thêm kinh phí.

TS. Trần Thanh Lương, Trưởng phòng Đào tạo ĐH và Công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học phân tích, trong việc xây dựng chương trình, giữa các trường có những khác biệt. Trái lại, để công nhận tín chỉ, khối lượng kiến thức giữa các trường cùng nhóm ngành phải bằng nhau, nội dung chương trình phải tương đương nhau. “Một điểm nữa liên quan đến tính chủ động giữa các trường, ít có trường nào chịu đứng ra chủ trì để kết nối các trường tham gia hoạt động này. Nhiều đơn vị cũng lo ngại vấn đề nảy sinh trong quản lý sinh viên khi các em đi học ở trường bạn”, TS. Lương cho biết.

Theo đại diện các trường, vấn đề được xem “nhạy cảm” nhưng thực tế lại là rào cản chính là sự phân tầng “đẳng cấp” giữa các trường. Các đơn vị muốn trao đổi, công nhận tín chỉ với trường ngang hoặc “top trên”. Yếu tố này khiến nhiều trường “top dưới” khó có cơ hội triển khai hoạt động trao đổi vì… không cùng đẳng cấp.

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng Ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế trăn trở, việc công nhận tín chỉ giữa các đơn vị đào tạo có đầy đủ cơ sở, khung pháp lý từ quy chế của Bộ GD&ĐT, ĐH Huế nhưng thực tế các trường và sinh viên vẫn chưa chú trọng. Tính đồng bộ trong kế hoạch, chương trình đào tạo giữa các trường chưa cao. Việc triển khai đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ, trong khi tại từng đơn vị không thiếu người dạy nên nhiều trường vẫn ưu tiên dạy tại trường theo mô hình truyền thống.

Gỡ rào cản phải từ chính các trường

Khác với suy nghĩ của nhiều người, học phí không phải là yếu tố cản trở hoạt động trao đổi, công nhận tín chỉ giữa các trường. Đại diện một trường thuộc ĐH Huế phân tích, khi tham gia trao đổi, các trường sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác. Mô hình hợp tác này được xem là các bên cùng hưởng lợi. Song, từ chính nhận thức sinh viên và mức độ quan tâm từ các trường mới là vấn đề cần gỡ khó.

Giải bài toán trên, cần sự cộng đồng trách nhiệm từ chính các trường. TS. Trần Thanh Lương cho rằng, các trường phải ngồi lại nghiên cứu thật kỹ quy chế phối hợp, cách thức triển khai ở các khâu đảm bảo được cách vận hành chung, có các kế hoạch chi tiết, cụ thể.

Trên thực tế, cuối tháng 10/2022, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế cùng 9 trường trong khối ngành kinh tế trong cả nước đã cùng ký kết thỏa thuận hợp tác. Đây là khối ngành tiên phong hướng đến sinh viên có thể học trao đổi giữa các trường. Tuy nhiên, từ ký kết đến triển khai, vẫn phải cần nhiều giải pháp. Theo PGS.TS. Phan Thanh Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế, phải có chuẩn bị kỹ những điều kiện sẵn sàng tiếp nhận sinh viên trường bạn, bao gồm điều kiện về cơ sở vật chất lẫn điều kiện học tập thì hoạt động này mới đi vào thực chất và triển khai lâu dài.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Văn chia sẻ, khối trường nông - lâm - ngư cũng đã thành lập câu lạc bộ giữa các trường. Song để triển khai trao đổi, công nhận tín chỉ lẫn nhau không chỉ trên lý thuyết mà phải giải quyết các vấn đề về chương trình, đặc biệt là nhận thức, nhu cầu của người học.

Rõ ràng, thời điểm này, vẫn chưa có nhiều đơn vị tham gia do còn một số vướng mắc; trong khi những “nút thắt” đó, nếu các trường chủ động và thống nhất có thể gỡ được. Với đặc điểm mềm dẻo, linh hoạt và thời khóa biểu được “cá thể hóa” của đào tạo tín chỉ và khung pháp lý đầy đủ, các trường cần nghiên cứu kỹ hơn để tạo môi trường giao lưu trải nghiệm, học tập “liên thông ngang” giữa các trường, từ đó phát huy hiệu quả trong nâng cao năng lực đào tạo và mang lại những giá trị tích cực cho người học.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Brussels đệ trình UNESCO công nhận 2 di sản văn hóa phi vật thể

Thủ đô Brussels của Bỉ đang tìm cách bảo vệ 2 văn hóa truyền thống lịch sử gồm nghệ thuật múa rối và một tấm thảm hoa rộng 1.680m2 được trưng bày 2 năm một lần trước tòa thị chính thủ đô Brussels, bằng cách đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Brussels đệ trình UNESCO công nhận 2 di sản văn hóa phi vật thể
Trao đổi kinh nghiệm chi trả giảm phát thải khí nhà kính

Từ ngày 19-21/3, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh đón đoàn công tác Quỹ BV&PTR tỉnh Hà Tĩnh đến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ (ERPA).

Trao đổi kinh nghiệm chi trả giảm phát thải khí nhà kính
“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Tín hiệu vui từ việc bán tín chỉ carbon rừng

Năm 2023, ngành lâm nghiệp đánh dấu cột mốc rất quan trọng khi lần đầu tiên Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng). Đây là bước khởi đầu về tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng.

Tín hiệu vui từ việc bán tín chỉ carbon rừng
Khi nỗ lực của chính quyền được doanh nghiệp công nhận

Kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ngành, địa phương thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế (DDCI) năm 2023 cho thấy, đánh giá của doanh nghiệp về chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của chính quyền cấp huyện, thị và sở, ngành có nhiều dấu hiệu tích cực.

Khi nỗ lực của chính quyền được doanh nghiệp công nhận
Return to top