ClockThứ Năm, 09/10/2014 09:03

Trao đổi sinh viên, nâng chất đào tạo

TTH - Dựa vào những mối quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài, từ 2011-2012 đến nay, Trường đại học Nông Lâm Huế bắt đầu thực hiện trao đổi sinh viên với các nước Thái Lan, Lào, Nhật Bản.

Giao lưu với sinh viên Thái Lan

Để làm được điều này, bước đầu nhà trường dựa vào sự hỗ trợ của các nước Thái Lan, Nhật Bản như chi phí đi lại, chỗ ở và một phần tiền ăn… Sinh viên của trường khi đến nước bạn không mất nhiều chi phí. Như các em đi học ở Thái Lan chỉ tự lo tiền vé đến cửa khẩu Mucđahan hết khoảng 300.000 đồng và tiền ăn cho những ngày nghỉ trong tuần. Nội dung học tập tùy theo từng đợt, ngoài trao đổi về chuyên môn, các em còn được đến các cơ sở sản xuất cùng ăn ở và làm việc như cán bộ của họ khoảng từ một tuần tới 10 ngày, sau đó báo cáo lại những gì tiếp thu được. Có dịp, các em còn được học cùng sinh viên nhiều quốc gia khác, cơ hội trao đổi kinh nghiệm, văn hóa xã hội, kiến thức chuyên môn… Nhờ đó mà hầu hết sinh viên sau khi tham gia chương trình này tự tin hơn. Với cách làm như thế, hàng năm số lượng sinh viên đăng ký đi học tăng đáng kể, năm đầu tiên (2011 – 2012) có 17 em; năm 2012-2013, 20 em được chia làm hai nhóm; năm nay có 50 em tham gia.

Sinh viên đăng ký đi Thái Lan vẫn chiếm số đông, riêng năm nay có 30 em. Tháng 7 vừa qua, nhà trường đưa một đoàn sinh viên đến Trường đại học Rajamangala, Thái Lan (Kalasin Campus) để tham gia chương trình giao lưu văn hóa với sinh viên các trường đại học trong khối Asean tổ chức từ 21-7-2014 đến 26-7-2014. Vào tháng 8, trường cử đoàn sinh viên qua học tập 3 tuần cũng tại Đại học Rajamanagla, Kalasin. Các chương này giúp sinh viên được tiếp nhận và học các chuyên đề khác nhau trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong tháng 7, nhờ có sự hợp tác với Viện Mêkong (Mekong Institute), đóng tại Đại học Khonkean, Thái Lan, sinh viên các khoa Nông học, Chăn nuôi thú y được tham gia chương trình Trại hè Thanh niên (Youth camp) trong 1 tháng. Các em được gửi về lao động và thực hành nghề tại các nông trại, công ty sản xuất và sinh hoạt giao lưu văn hóa với sinh viên các nước Asean. Được biết, nhà trường đã có kế hoạch để cuối học kỳ I (khoảng tháng 2-2015) sẽ tổ chức cho khoảng 10 sinh viên đi học 2 tuần ở Đại học Kyoto, Nhật Bản.
Trường đại học Nông Lâm Huế cũng đón nhận nhiều đoàn sinh viên của các nước bạn sang học các chuyên đề về sản xuất, sinh hoạt và tìm hiểu đời sống của người dân Việt Nam tại trường. Tuy chưa có điều kiện đáp trả sự đón tiếp như phía đối tác, sinh viên các nước sang đây hầu như phải tự túc hoàn toàn, nhưng nhà trường vẫn cố gắng vận dụng những gì có thể để tạo điều kiện cho các em như xe đưa đón, tổ chức các chương trình giao lưu, hướng dẫn những thao tác trong phòng thí nghiệm và tạo điều kiện để sinh viên tham quan thực tiễn sản xuất, các điểm di tích lịch sử… Trong tháng 8-2014, nhà trường tiếp nhận 21 sinh viên và 8 giáo viên của Đại học Rajamangala giao lưu học tập tại trường.
Với những gì đã được trải nghiệm qua trao đổi học tập giúp sinh viên của ta cũng như các nước bạn có thể tự tin hướng tầm nhìn xa hơn sau khi tốt nghiệp. Điều này cũng giúp cho thị trường lao động phong phú và có tính cạnh tranh hơn; đồng thời, buộc các trường đại học phải nghĩ đến chất lượng đào tạo. Cơ hội giao lưu với các nước bạn tại Trường đại học Nông Lâm Huế dành cho toàn thể sinh viên hệ chính quy. Ngoài những điều kiện cần có, như bảo đảm sức khỏe, kết quả học tốt, tham gia tích cực các hoạt động phong trào của Đoàn – Hội… thì sinh viên muốn đi học ở các nước cần có vốn tiếng Anh đủ để học tập, giao tiếp. Đây vẫn là hạn chế. Về phía nhà trường, khó khăn đầu tiên là mặt bằng ngoại ngữ trong cán bộ giáo viên chưa đồng đều, thầy cô chưa có thói quen sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy. Khó khăn thứ hai là cơ sở vật chất, nơi ăn ở cho sinh viên quốc tế và điều kiện, phương tiện học tập của nhà trường còn hạn chế. PGS.TS Lê Văn An, Phó Hiệu trưởng tâm sự: “So với hệ thống thiết bị của các nước thì trang thiết bị của chúng ta chưa đồng bộ, thiếu cả dụng cụ lẫn hóa chất. Hiện, chúng tôi chỉ có các phòng thí nghiệm của khoa Chăn nuôi thú y, khoa Cơ khí công nghệ… được trang bị hiện đại nhờ các chương trình trọng điểm của Nhà nước để thu hút sinh viên nước ngoài. Để bảo đảm hợp tác lâu dài, cần có nguồn ngân sách để chi phí cho hoạt động giao lưu này. Chúng ta không thể mãi ỷ lại vào sự hỗ trợ của các nước mà cần có nguồn kinh phí rõ ràng cho chương trình.”.
Thông qua chương trình trao đổi sinh viên, thế hệ trẻ các nước trong khu vực có điều kiện hiểu biết nhau nhiều hơn. Đây cũng là động lực để xây dựng cộng đồng mới. Đã đến lúc, các hệ thống đại học cần đưa ra chỉ tiêu rõ ràng về việc trao đổi sinh viên để không còn tính tự phát. Khi đó chúng ta mới có những thỏa thuận về việc trao đổi hay thừa nhận những chứng chỉ.
Hương Lan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam

Chiều 17/4, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp Trường tiểu học Phú Tân (phường Thuận An, TP. Huế) tổ chức chương trình Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam.

Tổ chức ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam
Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

Trong hai ngày 16 và 17/4, tất cả học sinh lớp 12 trên toàn tỉnh tham gia làm bài thi khảo sát theo đề chung, được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây được xem là bước khảo sát kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

TIN MỚI

Return to top