ClockThứ Ba, 23/03/2021 14:12

Trao yêu thương

TTH - Xa xôi nơi núi rừng A Lưới, giáo viên Trường mầm non Đông Sơn là những người mẹ thứ hai đã “vun trồng” bao thế hệ mầm non bằng tất cả trách nhiệm, yêu thương ấm áp…

Giáo viên Trường mầm non Đông Sơn nhận khen thưởng

Đông Sơn là địa bàn xa xôi, còn nhiều khó khăn của huyện miền núi A Lưới. Đất đai cằn cỗi, nên cuộc sống mưu sinh của người dân bản làng rất nhiều nhọc nhằn. Có lẽ vậy mà trẻ em nơi đây chịu nhiều thiệt thòi vì thiếu sự quan tâm chăm sóc đầy đủ. Thậm chí nhiều bậc cha mẹ “ơ hờ” với việc con đến trường.

“Thường thì đầu năm tỷ lệ huy động học trò của trường vượt chỉ tiêu, nhưng để duy trì tỷ lệ chuyên cần của các cháu thực sự rất vất vả. Vậy nên, giáo viên “ngược xuôi” vận động, “tỉ tê” với phụ huynh, sẵn sàng đích thân đến tận nhà đưa đón, để các cháu được đến trường. Tuổi thơ của các cháu được “chăm bón” bằng yêu thương và những điều tốt đẹp”- cô Trần Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường mầm non Đông Sơn chia sẻ.

Hầu hết giáo viên nhà ở xa, nhiều cô giáo ở xa nhất cách trường tận 20-30 cây số.

Đường đến Trường mầm non Đông Sơn phải qua nhiều chặng gồ ghề “ổ gà”, qua chiếc cầu hẹp, vắt vẻo chênh vênh rất khó đi. Để đi đến tận cùng trách nhiệm và yêu thương, dù là mùa đông rét mướt, các cô giáo vẫn rời nhà từ tờ mờ sáng, khi gió núi còn cắt da cắt thịt, có mặt từ rất sớm đón học trò, để cha mẹ các cháu vào rừng, lên rẫy.

Các cô giáo Trần Thị Thúy Kiều, Nguyễn Thị Thủy, Lê Thị Hoan và những giáo viên trong trường, mỗi người một độ tuổi, hoàn cảnh khác nhau, với những bộn bề lo toan. Nhưng các cô giáo đều có chung trăn trở, làm cách nào để học trò tuổi mầm non ở Đông Sơn ngày nào cũng được chăm sóc đủ đầy cả về tinh thần, sức khỏe. Thế là buổi chiều vừa “trao” học trò lại cho cha mẹ các cháu, buổi tối các cô giáo lại điện thoại, nhắn tin “rủ rỉ” với các bậc phụ huynh, ngày mai nhớ đưa con đến trường. Đến để những “người mẹ thứ hai” tỉ mẩn chăm sóc, dạy dỗ rèn luyện các kỹ năng…, phù hợp với từng độ tuổi, để các cháu được vui chơi, tuổi thơ đầy ắp tiếng cười.

Bằng tất cả trách nhiệm và yêu thương, trong nhiều năm liền, 5 trẻ hoàn cảnh khó khăn được giáo viên Trường mầm non Đông Sơn trích tiền lương chung tay đóng góp, phụ với số tiền Nhà nước hỗ trợ (tiền ăn 1/2 thời gian hàng tháng), để các cháu được theo trường theo lớp trọn vẹn. Từ năm ngoái đến năm nay, các cô giáo lại gom góp yêu thương, hỗ trợ hoàn toàn tiền ăn cho một cháu ở độ tuổi nhà trẻ (độ tuổi này không có hỗ trợ của Nhà nước) có mẹ bị bệnh ung thư và sau đó đã qua đời. Khi cháu này lên mẫu giáo, cùng với chế độ hỗ trợ ½ tiền ăn của Nhà nước, những “người mẹ thứ hai” tiếp tục chung tay, để cháu được chăm sóc, vui chơi, học hành như bao bản nhỏ khác. Nhiều cháu có hoàn cảnh khó khăn khác cũng được quan tâm, hỗ trợ.

Yêu thương thật nhiều nên các cô giáo luôn kết nối với các mạnh thường quân để “gom”  cho các cháu từ những vật dụng nhỏ nhặt nhưng thiết thực nhất như áo quần, nhất là áo ấm mới hoặc đã qua sử dụng còn bền, còn tốt, đến những sự hỗ trợ lớn, phục vụ cải tạo cảnh quan môi trường, cơ sở vật chất khang trang, đảm bảo cho việc dạy và học.

Vườn rau của trường mùa nào thức nấy xanh tươi. “Từ vườn rau này, chúng tôi hàng ngày cải thiện bữa ăn cho trẻ. Đồng thời, để các cháu tham gia cùng cô giáo bắt sâu, nhổ cỏ, giáo dục tinh thần lao động cho các cháu”- cô Trần Thị Kim Dung nói. Với những nỗ lực cống hiến của tập thể cán bộ, giáo viên, năm học 2019-2020, Trường mầm non Đông Sơn được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen; Bằng công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia và nhiều khen thưởng khác trong các lĩnh vực. Chi bộ Trường mầm non Đông sơn đạt “trong sạch vững mạnh” tiêu biểu 5 năm liền (2016-2020)…

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thấu hiểu để yêu thương

Mang đến những hiệu quả rõ rệt trong công tác tuyên truyền và bảo vệ quyền trẻ em, thời gian gần đây, Hội Bảo vệ quyền Trẻ em (BVQTE) tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường sự gắn kết, thấu hiểu giữa phụ huynh và con trẻ.

Thấu hiểu để yêu thương
Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau

Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên (1 trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu - người sáng lập Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Việt Nam) mới đây đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế xung quanh những vấn đề về giáo dục hiện nay. Bà chia sẻ về áp lực của giáo viên, học sinh cùng trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong bối cảnh chương trình giáo dục liên tục thay đổi.

Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau
Gửi yêu thương trên thao trường

Ngày 29/3, Tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6, Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Hội phụ nữ các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chương trình Đồng hành cùng chiến sĩ mới – Gửi yêu thương trên thao trường, Khâu áo chiến sĩ và bữa cơm ấm lòng tình mẹ.

Gửi yêu thương trên thao trường
Return to top