ClockThứ Hai, 19/09/2016 05:41

Trật tự ở các công viên: Cần giải pháp căn cơ

TTH - Lấn chiếm công viên phục vụ nhu cầu kinh doanh, buôn bán, không chỉ khiến không gian vui chơi, giải trí của người dân bị thu hẹp mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và trật tự công cộng.

Lấn chiếm

Dọc tuyến đường Lê Lợi TP. Huế, có khá nhiều công viên và điểm xanh thu hút một lượng lớn du khách nên một số người dân tận dụng vỉa hè và hệ thống thảm cỏ công viên bán các loại nước giải khát, hàng ăn. Tại công viên 3/2, ngay trước cổng Trường đại học Sư phạm Huế, các hộ kinh doanh nước giải khát vô tư kê bàn ghế ngay trên thảm cỏ, lối đi dọc công viên. Phản cảm nhất là hộ kinh doanh nước mía, bã mía vứt bừa bãi trên vỉa hè và cả thảm cỏ.

Công viên 3/2 trở thành điểm khách ngồi uống nước mía

Tại công viên dọc tuyến đường Bùi Thị Xuân, cứ chiều đến, gần chục chị hàng cá, rau, củ vô tư bày bán ngay trên vỉa hè công viên, biến khu vực này thành “chợ cóc”, khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Nhiều người bán còn vô tư xả các loại nước, chất bẩn xuống lòng đường rất mất vệ sinh.

Theo ông Văn Hữu Hùng, Phó phòng Quản lý trật tự công viên, Trung tâm Công viên cây xanh Huế, những người dân kinh doanh ở các khu vực này rất manh động. Trung tâm phải thường xuyên phối hợp với lực lượng công an và trật tự đô thị mới đưa họ ra khỏi khu vực công viên. Một số khác lại kinh doanh theo hình thức “trá hình”, hàng rong nên rất khó xử lý. Các hộ bày bán hàng hóa tại các vỉa hè được cho thuê hoặc trong nhà nhưng khi khách đến “gọi món” sẽ cho “mượn” ghế và khách tự tìm chỗ ngồi tại công viên. Khi có lực lượng đến kiểm tra, họ đổ lỗi cho khách muốn ngồi trong công viên và vô hình trung khách hàng trở thành người “tiếp tay” cho các chủ quán lấn chiếm công viên.

Đối với những khu vực vỉa hè cho thuê cũng không mấy khá hơn.  Thực hiện đề án thí điểm cho thuê vỉa hè từ năm 2009, người dân phường Phú Hội được thuê vỉa hè để kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy định thì việc buôn bán chỉ được diễn ra ở vỉa hè, trong khi đó, tại công viên Tôn Đức Thắng, hầu hết khách hàng lại chọn ngồi ở công viên, vỉa hè chủ yếu chỉ làm nơi để xe, khiến khu vực này trở nên lộn xộn, nhếch nhác. Tình trạng này chỉ được cải thiện khi có mặt lực lượng trật tự đô thị, thậm chí có hộ còn cố ý chây ỳ, khi có cưỡng chế mới chịu chấp hành. Đó cũng là thực trạng tại một số công viên trên địa bàn.

Cần sự phối hợp

Trong một cuộc họp giữa các ban ngành liên quan vừa qua, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP. Huế cho rằng, các đề án cho thuê diện tích vỉa hè và công viên hiện đang không hiệu quả. Chẳng hạn kinh phí thu được từ một quán cà phê trong công viên là 900 nghìn đồng/tháng; tuy nhiên thành phố lại chi 1 triệu đồng để dọn vệ sinh và các công tác khác. Ngay sau đó, UBND thành phố đã thực hiện chủ trương tháo dỡ các ki ốt, lấy lại mặt bằng phục vụ việc quy hoạch hai bên bờ sông Hương và công việc này đã hoàn thành trong tháng 6 vừa qua. Đây được xem là giải pháp mạnh, chấn chỉnh tình trạng mất trật tự tại các công viên.

Ông Lê Văn Chinh, Phó Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế lý giải: Việc đảm bảo trật tự tại các công viên là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của đơn vị. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với công an thành phố, đội quản lý đô thị và UBND các phường liên quan tiến hành các đợt ra quân kiểm tra, trả lại mặt bằng cảnh quan cho các công viên. Tuy nhiên, thẩm quyền của đơn vị là quản lý, còn vấn đề xử lý vụ việc vi phạm thì phải phối hợp với UBND phường và các phòng ban liên quan.

Thường các trường hợp vi phạm này sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền từ 200 đến 500 nghìn đồng, tùy mức độ vi phạm. Trung tâm sẽ hoàn thành các thủ tục và đề xuất UBND phường ra quyết định xử phạt. Thêm vào đó, công viên ở Huế đều là công viên mở, không có hệ thống hàng rào bảo vệ, do đó việc quản lý, nắm tình hình còn gặp nhiều khó khăn. Theo tìm hiểu, hiện Trung tâm Công viên cây xanh Huế đang quản lý 23 công viên với diện tích 66 ha. Tùy điều kiện, mỗi công viên đều có lực lượng bảo vệ, đội ngũ làm vệ sinh và đội quy tắc đô thị nếu những lực lượng này có sự phối hợp thì công tác quản lý trật tự tại các công viên không quá khó.

Cũng theo ông Lê Văn Chinh, những người kinh doanh, buôn bán dọc vỉa hè, công viên đa phần đều rất khó khăn. Việc tịch thu phương tiện kinh doanh chưa hẳn là giải pháp khả thi. Quan trọng nhất là phải có phương án giúp đào tạo nghề, chia sẻ kinh nghiệm sống, giúp họ sống có trách nhiệm với xã hội. Mà muốn làm được điều này phải kiên trì và sự phối hợp đồng bộ từ trên xuống dưới. Khi nào giải quyết được căn cơ và tìm ra được hướng đi cho người buôn bán hàng rong, tạo cho họ việc làm ổn định, bền vững… thì bài toán trật tự lòng, lề đường, vỉa hè mới có thể giải quyết được tận gốc.

Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới

Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế-xã hội; liên quan trực tiếp các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương. Ðây là nguồn lực, là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới

TIN MỚI

Return to top