ClockThứ Sáu, 26/06/2015 07:20

Trâu bò thả hoang quật phá vườn cao su

TTH - Những năm gần đây, người trồng cao su ở xã Phong Sơn (huyện Phong Điền), không chỉ gặp khó khăn khi giá mủ cao su xuống thấp mà còn thiệt hại nặng do vườn cây bị trâu, bò hoang quật phá gây chết hoặc suy kiệt, không cho mủ…

Canh chừng không xuể

Tại các cánh rừng từ khu vực Dốc Ngựa vào Khe Thai của những hộ dân ở thôn Sơn Quả, Thanh Tân (xã Phong Sơn), các chủ vườn đều thay nhau túc trực để xua đuổi đàn trâu bò hoang hàng chục con chạy ngang rừng cao su, rừng keo tràm, đạp rễ, dùng sừng móc lên cây gây xây xát, tróc vỏ.
Vườn cao su từ 3-5 tuổi của các hộ dân ở Sơn Quả, Thanh Tân bị quật phá bởi đàn trâu bò hoang của các hộ dân trong vùng
Do tập quán chăn thả gia súc ở địa phương Phong Sơn, cứ đến mùa xuống các loại giống mới, đồng cỏ, khoảnh đất không còn, họ lại lùa trâu bò nuôi lên rừng để “tạm gửi”. Đến khi thu hoạch xong lúa, rau màu lại lùa trâu bò về lại. Do “gửi” trên rừng lâu ngày, vài tháng các hộ dân nuôi trâu bò mới thăm nom một lần nên nhiều đàn trâu bị hoang hóa, trở nên hung dữ và ngang nhiên tàn phá nhiều vườn cây tại địa phương.
Trưởng thôn Sơn Quả Trần Tiến chỉ những vết trầy vỏ trên thân cây cao su 3-5 tuổi bị trâu bò tán phá
Ông Hoàng Ngọc Sơn (thôn Sơn Quả) cho biết: “Tui trồng cao su từ năm 2006, đến nay vườn cây đã được 2ha bắt đầu cho khai thác. Khi mới trồng, do cây còn non, trâu bò về phá nhiều nên phải canh chừng thường xuyên. Mấy năm trở lại đây, khi cây lớn bắt đầu cho mủ cũng là lúc đàn trâu bò của các hộ dân trong thôn sinh sôi, kéo về phá tan hoang. Đến nay đã có khoảng 400 cây tại vườn bị trâu bò dẫm lên hư rễ, vỏ cây bị sừng móc tróc làm cho cây suy kiệt, ảnh hưởng tới việc cho mủ.”
Hộ ông Sơn cũng như nhiều gia đình khác ở thôn Sơn Quả vay vốn ngân hàng NN&PTNT huyện Phong Điền để trồng cây cao su. Đến nay cây bắt đầu cho mủ, giá mủ đã “nhích” lên từ 16-17 nghìn đồng/kg (năm 2014 được 7-8 nghìn/kg), là cơ hội cho gia đình ông thu hoạch để trả nợ ngân hàng. Thế nhưng, đến nay nhiều cây cao su từ 3-5 năm tuổi bị thiệt hại do đàn trâu bò hoang về phá.
Cùng cảnh ngộ với hộ ông Sơn là hàng chục gia đình khác ở thôn Sơn Quả. Có mặt tại lô cao su của các ông Lê Phi Hoàng, Lê Linh, Trần Mao (thôn Sơn Quả), theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều cây cao su kích cỡ lớn nhỏ đã bị trâu móc sừng, cà tróc vỏ, xì mủ. Nhiều cây gần bật gốc, tước rễ trên đường đi của trâu, bò. Để đối phó với thực trạng này, người dân đã mua thép gai, đốt tóc cháy, áo quần dính mồ hôi người buộc vào gốc cây nhưng vẫn không ngăn được đàn trâu dữ.
“Thông thường phòng nông nghiệp chỉ hướng dẫn cơ sở biện pháp về phòng trừ sâu bệnh, tiêm phòng… trong chăn nuôi, trồng trọt mà thôi. Vấn đề này địa phương Phong Sơn đã có chế tài xử lý. Hiện tượng trâu bò hoang phá vườn cao su, rừng keo tràm là do tập quán chăn nuôi gia súc ở nhiều địa phương còn thả rong vào rừng, không có bãi chăn thả cố định. Hiện, phía phòng vẫn chưa nắm được thông tin cụ thể về tình trạng này. Chúng tôi sẽ kiểm tra và có phương án xử lý trong thời gian tới,” ông Nguyễn Văn Quang, Phó phòng NN&PTNT huyện Phong Điền khẳng định.
Ông Trần Tiến, Trưởng thôn Sơn Quả cho biết: “Toàn thôn có 20 hộ dân trồng cao su với diện tích hơn 40 ha bắt đầu cho khai thác mủ. Trên địa bàn thôn cũng có 220 trâu, bò (20 con trâu, 200 con bò) của khoảng hơn 40 hộ dân được thả hoang trong rừng. Việc quản lý đàn gia súc cũng như ý thức của các chủ nuôi kém làm nhiều diện tích cao su đã cho khai thác mủ bị thiệt hại, gây khó khăn cho hàng chục hộ trồng cao su.”
Ông Nguyễn Minh Tín, Trưởng thôn Thanh Tân thừa nhận: “Trong thời gian qua, chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản ánh của người trồng cao su về tình trạng trâu bò phá vườn cây hàng loạt. Toàn thôn có khoảng 120 con trâu, bò của 40 hộ chăn nuôi thả hoang trong rừng. Do thời gian này đàn trâu, bò đã được lùa lên rừng nên đến nay đã có khoảng 2-3 ha cao su trong tổng số 40 ha của các hộ dân bị trâu bò phá. Các cây nhỏ bị làm tróc vỏ thường bị chết, cây lớn chậm cho mủ do bị kiệt sức”.
 
Khó xử lý dứt điểm
Trao đổi với chúng tôi, cả hai trưởng thôn Trần Tiến và Nguyễn Minh Tín đều thừa nhận việc xử lý dứt điểm thực trạng trâu, bò thả hoang trong rừng phá vườn cây cao su, keo tràm đều gặp khó khăn.
Ông Trần Tiến cho hay: “Thực tế các hộ nuôi trâu bò đều không biết phải tính toán thế nào bởi việc chăn nuôi theo tập quán thả rong diễn ra đã nhiều năm; thực hiện các chính sách về khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thì số lượng trâu bò nuôi ngày một tăng trong khi không có vùng đồng cỏ chăn thả cố định, người nuôi không thả vào rừng thì chẳng biết đưa đàn di trú vào đâu khi ở dưới này đã đến mùa vụ.”
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tín cho rằng: “Trong thời gian qua, địa phương đã nhiều lần tiến hành họp các hộ chăn nuôi trâu bò, yêu cầu ký cam kết chăn thả và quản lý đàn gia súc không gây hại đến các vườn cây nhưng “đâu lại vào đó. Nhiều hộ dân trồng cao su không dám xua đuổi đàn trâu bò một phần vì gia súc lâu ngày hoang hóa rất hung dữ; vả lại, họ cũng sợ các chủ trâu bò thù cá nhân, chặt phá vườn cây của họ.”
Ông Nguyễn Bá Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Sơn cho biết: “Sau phản ánh của các hộ trồng cao su, địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động các chủ nuôi trong xã có ý thức, trách nhiệm quản lý đàn trâu, bò chăn thả rong, không xâm hại đến các loại cây trồng. Bên cạnh đó, xã cũng nhiều lần họp các chủ nuôi, yêu cầu ký cam kết không tái phạm và xử lý một số trường hợp chủ nuôi không quản lý đàn gia súc để phá vườn cây cao su. Để tránh tình trạng này, về lâu dài cần có quy hoạch vùng đồng cỏ nuôi cho các hộ dân.”
 
Hà Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
Tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển

Những năm gần đây, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các HTX. Trong đó, hoạt động ký kết thi đua do Liên minh HTX phát động là động lực giúp các HTX nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần để HTX phát triển bền vững.

Tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển
Ứng phó hạn, mặn

Diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng dự báo gay gắt kéo dài khiến nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp và xâm nhập mặn.

Ứng phó hạn, mặn
Xung kích trên mặt trận kinh tế

Phát huy vai trò xung kích, các cấp bộ Đoàn ở Hương Trà đã có nhiều hoạt động tích cực tham gia xây dựng thị xã, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Nổi bật trong đó là phong trào phát triển các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ...

Xung kích trên mặt trận kinh tế
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top