ClockChủ Nhật, 28/10/2018 07:50

Trâu rông - vừa bắt, vừa sợ

TTH - Với tập quán chăn thả rông, “gửi trâu cho trời”, lâu dần đã hình thành nên những đàn trâu hoang hóa trên vùng núi đồi Phong Mỹ, Phong Sơn (Phong Điền). Từ đây, đàn trâu vô chủ sinh sôi đã “vô tình” gây nên những tranh chấp giữa các chủ trâu hay thỉnh thoảng vượt rừng về tấn công con người.

Săn trâu Khe Trái45.000 con trâu bò được tiêm phòng lở mồm long móngHoàn thành tiêm vắc xin cho 45 ngàn con trâu, bò

Thuần hóa trâu rông ở miệt rừng Phong Mỹ

“Kỳ án” trâu hoang

Những câu chuyện chúng tôi kể ra đây, dù đã diễn ra vài năm trước, nhưng với lâm dân chuyên “gửi trâu cho trời” thì đó là những câu chuyện cười… ra nước mắt! Vào mùa vụ khi lúa, rau quả đã xanh trên đồng, trâu nhà không có nơi chăn thả, những lâm dân Hạ Long, Hưng Thái (Phong Mỹ), Sơn Quả, Thanh Tân (Phong Sơn), đành phải mang trâu lên rừng.

Ban đầu, số lượng trâu được gia chủ kiểm đếm hàng tuần, hàng tháng. Những con trâu sinh trưởng trong rừng, dần vắng hơi người đã trở nên hoang hóa, hung dữ hơn với bộ da đen kịt cùng cặp sừng sắc nhọn. Có con đã tách đàn, sinh sản và trở thành “vô chủ”. Từ đây, căn nguyên những câu chuyện tranh chấp của chủ trâu cũng… cười ra nước mắt khi có lúc cả hai bên đều dọa “mang” nhau ra tòa.

Số là, năm 2016 xảy ra vụ tranh chấp trâu giữa bà T.T.H và bà L.T.R (sau đây xin được giấu tên) ở bản Hạ Long. “Đối tượng” tranh chấp là con trâu đực chừng 3 năm tuổi, đã “nổi” với đôi mắt đỏ au. Trâu được phát hiện ở khu vực rừng tuyến đường 71 thuộc vùng đồi Chu A. Khi bà R. bẫy được trâu mang về thì bà H. cũng xuống nhận đó là trâu của mình. Hai bên thỏa thuận không được bèn “đội đơn” lên UBND xã. Một cán bộ xã Phong Mỹ nhớ lại: “Hồi đó, mình đang ngồi ở ủy ban, bà H., bà R. chạy xồng xộc vào đòi phân xử ai là chủ trâu. Hỏi bằng chứng, bà R. thật thà: “Trâu tui trâu đực có... 4 chân, một cái đuôi, tui là chủ nên nhìn “nó” tui biết”. Với “bằng chứng” đưa ra, bà R. cũng như bà H. không chứng minh được là trâu của gia đình mình. Do hoang hóa lâu ngày, chủ trâu còn không biết huống hồ là… cán bộ xã!

Dấu tích trâu hoang với cặp sừng sắc nhọn để lại trên thân cây ở xã Phong Sơn

Sau một hồi phân giải, không bên nào nhường bên nào. Qua tìm hiểu sự việc, cán bộ xã Phong Mỹ phân xử: “Nếu không ai chứng minh được là trâu của mình thì… bán thịt con trâu đã chết chia đôi. Còn không chịu nữa thì xã phải hủy trâu”. Nghe đến hai chữ “hủy trâu”, hai bên nhận là chủ trâu sau một hồi tính toán đành chấp nhận phương án bán thịt trâu để “cưa đôi” của cán bộ xã.

Ông Nguyễn Hữu Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ cho biết, đến nay tình trạng tranh chấp trâu hoang đã không còn phổ biến nhưng tập quán chăn thả rông, gửi trâu trên rừng ở địa phương vẫn còn do thiếu đồng cỏ chăn thả truyền thống. Hiện tại, tổng đàn trâu của xã có khoảng 100 con, trong đó, nhiều chủ trâu vẫn chăn thả rông trên rừng, phía bên kia lòng hồ thủy lợi.

Để phân xử những trường hợp tranh chấp trâu giữa các gia chủ, nhất là đồng bào thiểu số, cần có sự phân tích mềm mỏng mà thấu tình đạt lý, nếu không sự việc diễn biến rất phức tạp, có khi ngoài tầm kiểm soát.

Việc gia chủ cùng nhận là chủ trâu cũng gây nên nhiều phiền toái, như năm 2012, Công an xã Phong Mỹ cũng tiếp nhận vụ tranh chấp trâu giữa hai hộ chăn nuôi ở bản Hạ Long. Khi hộ ông T.N.T tìm thấy và dẫn trâu về thì hộ ông N.X.L trú cùng thôn cũng đến nhận là trâu của mình. Vụ việc được đưa ra địa phương giải quyết. Lực lượng chức năng cũng… lúng túng bởi trâu sinh sôi trên rừng, không có đặc điểm nhận dạng, mà hỏi chủ trâu thì cũng “búi”!

Sau một lúc “đôi co” không có hồi kết, cả hai “hẹn” sẽ dẫn nhau xuống huyện ra… tòa. Ở miền sơn cước với lâm dân quanh năm hay lam hay làm, chuyện dẫn nhau ra tòa là chuyện “động trời”.

Thấy hai chủ trâu nổi nóng như sắp đánh nhau đến nơi, cán bộ xã Phong Mỹ đã nhẹ nhàng khuyên giải và đưa ra phương án: “Bán trâu để “cưa đôi”. Công mà hộ ông T. tìm ra được trâu thì tính thêm kinh phí. Còn đôi co mãi thì thiệt cả đôi đường vì trâu sẽ chết, không chết thì xã cũng… tịch thu luôn”. Ông Nguyễn Hữu Chung lý giải, thật ra xã “dọa” sẽ tịch thu thôi để các hộ đạt được thỏa thuận với nhau mà chia tài sản. Trong tường hợp “khó” quá thì báo cáo cơ quan cấp trên, còn lại những vụ việc nhỏ, địa phương linh động khuyên giải, phân tích thấu tình đạt lý để không làm mất hòa khí, tình làng nghĩa xóm.

Lâm dân thường truyền tai nhau kinh nghiệm đi rừng, kỹ năng thuần hóa trâu hoang

“Vượt” rừng tấn công người

Chuyện trâu rông ở miệt rừng không chỉ là chuyện tranh chấp mà còn thỉnh thoảng những con trâu hoang hóa, trở nên dữ như loài bò tót, vượt đồi về tấn công con người.

Tại các cánh rừng từ khu vực Dốc Ngựa vào Khe Thai (xã Phong Sơn) là “thủ phủ” của loại trâu nhà thả rông. Trâu đực ở lâu trên rừng thường mài cặp sừng vào đá nên rất sắc nhọn, đã không ít người bị thương vong do loài trâu dữ này.

Ông Trịnh Xuân Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Sơn cho biết, toàn xã hiện nay có hơn 1.300 con trâu bò. Trong đó, khoảng 2/3 số lượng trâu bò đều được người dân chăn thả rông trên rừng. Những năm 2012-2013, trên địa bàn đã từng xảy ra nhiều vụ trâu nhà hoang hóa trên rừng húc chết và bị thương nhiều người.

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến khu tái định cư Sơn Bồ. Năm 2012, chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Anh là anh Nguyễn Hải N. (đã mất), cùng em trai của mình lên vùng đồi Khe Thai để tìm trâu với ý định dắt trâu về bán trả tiền mua vật liệu xây nhà. Thời điểm đó, căn nhà anh N. mới xây xong chỉ đúng có một tuần thì xảy ra chuyện. Tìm trâu từ sáng đến trưa không thấy, hai anh em ở lại rừng “cơm đùm gạo bới” nghỉ trưa để chiều tìm tiếp.

Khi hai anh em chia ra hai đường để đi, vừa đi được một đoạn thì người em trai nghe tiếng kêu “cứu anh với em ơi, cứu anh với em ơi” vọng từ phía rừng. Khi người em trai chạy lại thì thấy trên người anh N. máu chảy lênh láng, không còn cứu được nữa. Anh N. mất đi để lại 4 đứa con thơ dại. Số trâu mà nhà chị Anh thả vào rừng vẫn không biết được bao nhiêu con, và đến nay không biết đã sinh sôi trên rừng hay đã bị bắt bởi không ai “dám” lên rừng tìm trâu về bán vì giờ nhắc đến chuyện đi dắt trâu về ai cũng sợ.

Một trường hợp khác cũng bị trâu húc, nhưng đã may mắn thoát chết trong gang tấc. Đó là vụ của ông Trần Mao (thôn Sơn Quả). Ông Mao kể: “Sáng hôm đó, tôi vô làm cỏ vườn cao su ở gần tiểu khu 79. Vừa vô tới nơi thì thấy 3 con trâu đang ăn trong rừng cao su, tôi cứ nghĩ là trâu nhà nên bẻ nhánh cây lùa ra khỏi vườn. Lùa được một đoạn thì cả 3 con quay ngược lại tấn công. Do bất ngờ nên tôi bị chúng đạp, húc, vùng vẫy mãi mới thoát ra được rồi lao vô bụi cây rậm. Cả 3 con trâu đứng ngoài vừa húc vừa đạp bụi cây, tôi nằm nín ở trong, một lúc sau thì chúng bỏ đi”. Bị húc thập tử nhất sinh nhưng ông Mao cũng gắng bò ra bìa rừng. May thay, khi đó gặp được hai vợ chồng người dân tộc thiểu số đi làm đã đem ông Mao về nhà làm thuốc cầm máu và liên lạc với gia đình đưa đến bệnh viện kịp thời...”. Nửa tháng nằm việc với chi phí 15 triệu đồng, bệnh hết nhưng nỗi sợ vẫn còn ám ảnh. Bây giờ có việc phải vào rừng, ông Mao không dám đi một mình.

Từ thủ phủ trâu hoang Phong Sơn, lâm dân truyền tai nhau kinh nghiệm đi rừng xương máu. Đó là đi theo nhóm, nói chuyện với nhau thật lớn tiếng, trâu hoang nghe động sẽ sợ. Tuyệt đối không đi vào mùa sinh sản bởi trâu rất dữ. Trong trường hợp bị trâu tấn công, các thợ rừng hay người chuyên bẫy trâu hoang cũng thường chọn “thế” cho mình trên những gốc cây, mỏm đá để “tránh đòn” trâu dữ. Nếu bị trâu húc “vùi” giữa đất thì phải nằm sát đất, giả chết, khi đó trâu sẽ dùng mũi húc chứ không dùng sừng móc, hạn chế thương vong…

Chuyện trâu rông miệt núi rừng nay đã không còn xảy ra phổ biến như trước. Nhưng ở đâu đó trên vùng bán sơn địa Phong Sơn, Phong Mỹ, vẫn nghe được chuyện người dân bàn tán, trao đổi nhau kinh nghiệm tránh trâu hoang sau mỗi chuyến đi rừng. Và, thỉnh thoảng, trâu hoang vẫn vượt rừng về nhà “dọi” (rượt) người dân.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn phát triển kinh tế với thay đổi tập quán tiêu dùng

Cùng với việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển sản xuất, làm ăn kinh tế, việc thay đổi tập quán tiêu dùng của nhiều người dân nhằm góp phần thoát nghèo bền vững là giải pháp huyện A Lưới cần hướng đến.

Gắn phát triển kinh tế với thay đổi tập quán tiêu dùng
Từ “vụ án bò thả rông”

Việc chăn nuôi gia súc theo tập quán thả rông, có nguy cơ gây thiệt hại về trồng trọt của người khác, đôi khi còn dẫn đến những vụ án hình sự đáng tiếc.

Từ “vụ án bò thả rông”
THOÁT NGHÈO TRONG ĐỒNG BÀO THIỂU SỐ:
Bắt đầu từ thay đổi tập quán tiêu dùng

“Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp thay đổi tập quán tiêu dùng của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế, nhằm góp phần thoát nghèo bền vững” là tên nhiệm vụ khoa học được UBND tỉnh giao cho Ban Dân tộc tỉnh thực hiện, vừa được nghiệm thu cuối tháng 8/2019.

Bắt đầu từ thay đổi tập quán tiêu dùng
Hương Thủy: Chấn chỉnh tình trạng chăn thả gia súc theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, ngày 13/9, ông Nguyễn Thanh Minh – Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thuỷ cho biết, lãnh đạo TX cùng các phòng chức năng đã có cuộc họp soát xét tình hình chăn thả gia súc, chủ yếu là trâu bò gây nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị, mất ATGT tại các trục đường chính và khu đô thị An Vân Dương... (TX. Hương Thủy).

Hương Thủy Chấn chỉnh tình trạng chăn thả gia súc theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh
Return to top