ClockThứ Năm, 08/04/2021 14:00

Trẻ em với không gian mạng - bài 1: Mối nguy tiềm ẩn

TTH - Trong thời đại công nghệ 4.0, việc con trẻ sử dụng internet, mạng xã hội (MXH) để học tập, giải trí đồng nghĩa với việc nhiều thông tin không lành mạnh cũng sẽ được chúng tiếp cận. Đây là điều đáng lo ngại, bởi ngày càng có nhiều thông tin được đưa lên nền tảng số khó có thể kiểm soát được.

Thông tin ảo, lo lắng thật

Nội dung không lành mạnh trên MXH ảnh hưởng đến tính cách, nhận thức của trẻ. Ảnh: BC

Nhiều nội dung độc hại

Việc phát triển công nghệ thông tin đã giúp cho việc tiếp cận thông tin được nhanh chóng hơn. Chỉ cần có một thiết bị smartphone hay máy tính bảng thì con trẻ có thể dễ dàng tiếp cận được với những thông tin trên mạng internet, truy cập vào các trang MXH, video hay hình ảnh.

Bên cạnh học online, thư giãn, trao đổi với bạn bè, con trẻ còn dễ tiếp cận thông tin có nội dung đồi bại, bạo lực, không lành mạnh trên nền tảng facebook, zalo, twister, các trang giả mạo, ứng dụng, trò chơi… gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến tính cách, lối sống của trẻ. Điều này kéo theo nhiều hệ luỵ nghiêm trọng khi những trẻ trong độ tuổi vị thành niên không tự bảo vệ được bản thân, cũng như có những hành vi không được kiểm soát trên môi trường mạng.

Mới đây, Youtuber Thơ Nguyễn đã đăng tải đoạn video với nội dung “xin vía học giỏi” trên MXH Tiktok. Sau khi clip của Thơ Nguyễn đăng tải, đã có số lượng lớn độc giả phản ứng, đề nghị gỡ bỏ các nội dung hoặc tạm dừng kênh. Điều đó cho thấy, phần lớn các bậc cha mẹ đã nhận thức được nội dung nguy hại từ clip này khi con trẻ tiếp cận, gây ảnh hưởng nghiêm trọng về tâm lý trẻ em đối với việc học tập, tiếp tay cho hành động mê tín dị đoan, một trong những tệ nạn xã hội.

Anh Ngô Đ.L, phụ huynh em N., 8 tuổi (phường Trường An, TP. Huế) cho biết, con gái thường xuyên xem những clip được đăng tải trên youtube với những nội dung dành cho trẻ em, đặc biệt là kênh Thơ Nguyễn. Thậm chí, tất cả những nội dung mới được đăng tải đều được cháu cập nhật liên tục. Ngay sau khi biết youtuber Thơ Nguyễn đăng clip với nội dung “xin vía học giỏi”, anh L. tá hoả nhắc nhở cháu đồng thời chặn kênh youtube của nhân vật này.

Ông Nguyễn Huy Hiển, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhìn nhận, khi trẻ tiếp xúc với các nội dung độc hại, ảnh hưởng rất sâu về mặt nhận thức. Khi xem những nội dung này có rất nhiều rủi ro trong đó đặc biệt là trẻ em dễ học theo không chỉ về cách suy nghĩ, nói năng mà cả thực hiện những hành động khi xem xong clip. Xem nhiều nội dung xấu dẫn tới việc trẻ cũng không thể tập trung việc học, hay chơi đùa đơn thuần với bạn bè, mọi người trong gia đình. Về lâu dài, dễ thành thói quen và cả xu hướng ảnh hưởng dẫn đến không thể kiểm soát được những hành động của chính bản thân của trẻ.

Không chỉ tiếp cận với nhiều thông tin không lành mạnh, chính trẻ em cũng là tác nhân tạo ra những thông tin độc hại. Chúng chia sẻ thông tin, bắt nạt nhau trên mạng, tạo nên những cuộc bạo lực từ MXH… Chúng ta cần quan tâm tới cả hai khía cạnh nội dung và hành vi của trẻ em trên MXH.

Nguy cơ xâm hại trẻ em qua MXH

Những năm gần đây, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Thông qua MXH (facebook, twitter, zalo…), các đối tượng xấu đã có nhiều hành vi tinh vi nhằm dụ dỗ, lừa đảo trẻ em. Các vụ xâm hại tình dục bên cạnh việc xảy ra ở các nơi vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt, hẻo lánh, dân trí thấp, thì hiện nay nhiều vụ xâm hại tình dục được phát hiện ở các khu đô thị, tỉnh, thành phố lớn.

Do đang ở độ tuổi hình thành ý thức, những nạn nhân trong độ tuổi này không chỉ nhanh chóng tin tưởng vào những mối quan hệ “ảo” mà còn bị chính MXH “ảo” này “sai khiến”…

Nguyên nhân gây nên tình trạng xâm hại tình dục trẻ em qua MXH nhiều như hiện nay là do nhiều bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ thiếu kỹ năng, kiến thức bảo vệ trẻ em, đặc biệt là kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho con em mình. Trong nhà trường và gia đình, giáo dục giới tính rất muộn và hời hợt; giáo dục luật pháp và tình dục an toàn còn mang tính hình thức và chưa có hình thức giáo dục hành vi, ứng xử trên môi trường mạng. Do vậy học sinh đã không được trang bị các kỹ năng sống cần thiết.

Chị Trần Thị L.H, phụ huynh em T., 14 tuổi (TP. Huế) chia sẻ, con trai chị thường xuyên lên MXH để giải trí, trao đổi với bạn bè sau mỗi buổi học. Tưởng chừng chỉ dừng ngang đó, nhưng chị hốt hoảng khi phát hiện con trai có tương tác với trang “Hội trai xinh gái đẹp” trên facebook với những hình ảnh, nội dung không phù hợp với độ tuổi của con. Từ đó, chị H., thường xuyên nhắc nhở, quan tâm con để con hình thành tư tưởng tốt, không bị tác động bởi MXH.

Trên thực tế, nhiều gia đình nghĩ con còn nhỏ, ngần ngại giáo dục giới tính sớm cho trẻ hoặc bố mẹ bận đi làm, không quan tâm đến con, không kiểm soát những hoạt động trên môi trường mạng, nhất là MXH, khiến con họ bị xâm hại tình dục mà gia đình không hề hay biết. Bên cạnh đó, việc xuất hiện nhiều trang MXH hiện nay và chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn tới việc nhiều đối tượng, trẻ em dễ dàng tiếp cận, học tập, tiêm nhiễm các hành động xấu.

Theo bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, MXH là con dao hai lưỡi, vừa là nơi để mọi người có thể tương tác với nhau, giải trí nhưng đồng thời cũng là nơi có nhiều cạm bẫy, đặc biệt là đối với lứa tuổi vị thành niên. Không thể tránh khỏi việc con trẻ tiếp cận với MXH, chính vì vậy, mỗi phụ huynh nên quan sát hành vi, cảm xúc của trẻ để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Bạch Châu

Bài 2: Cần quan tâm con trẻ nhiều hơn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Hạnh phúc cho em”

Sáng 16/3, hàng trăm phụ huynh và học sinh đã tham dự những hoạt động ý nghĩa trong chương trình “Hạnh phúc cho em” do Hội Bảo vệ Quyền trẻ em (BVQTE) tỉnh cùng Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp tổ chức.

“Hạnh phúc cho em”
LHQ: Tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ giảm xuống mức thấp kỷ lục

Trong một báo cáo mới vừa được công bố ngày 12/3, Liên Hiệp Quốc cho biết số trẻ em trên toàn thế giới tử vong trước 5 tuổi đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2022, và đây là năm đầu tiên số trẻ nhỏ tử vong giảm xuống dưới 5 triệu.

LHQ Tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ giảm xuống mức thấp kỷ lục
“Điểm tựa” cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Sau gần 2 năm triển khai chương trình “mẹ đỡ đầu”, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã nhận giúp đỡ, nuôi dưỡng nhiều trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trở thành điểm tựa để các em vượt qua nghịch cảnh, vươn lên học tập, phấn đấu trở thành công dân có ích cho xã hội.

“Điểm tựa” cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

TIN MỚI

Return to top