ClockThứ Sáu, 16/12/2016 09:36

Triển khai dự án Cải thiện Môi trường nước TP. Huế: Sớm xử lý những vấn đề tồn tại

TTH - Chậm hoàn trả mặt bằng, gây khó khăn trong kinh doanh buôn bán, đi lại; làm nứt, sập tường rào các hộ dân; nước thải chảy tràn trở lại khi chưa thi công xong đường cống chính… là những tồn tại gây bức xúc cho người dân khi triển khai Dự án Cải thiện Môi trường nước TP. Huế.

Thi công hệ thống thoát nước ở đường Lê Lợi

Từ phản ánh của người dân

Thống kê của Ban quản lý Dự án Cải thiện Môi trường nước TP. Huế, từ  đầu năm 2016, các gói thầu đang được đồng loạt thi công tại các phường phía nam TP. Huế gồm: H/ICB/2, H/ICB/3, H/ICB/1A, H/ICB/1B. Đến nay, các nhà thầu đã thi công xong 44.807/89.296m cống các loại và hoàn thành 30/94 giếng tách. Hiện, dự án đang triển khai trên 200 đường kiệt và 30 tuyến đường. Riêng gói thầu H/LCB/4 và gói thầu H/LCB/1 đã hoàn thành và các nhà thầu đang làm hồ sơ quyết toán. Công tác giải phóng mặt bằng đợt 2 đã hoàn thành cơ bản 14 tuyến, đang tiến hành thực hiện 7 tuyến, 3 tuyến đang vướng mắc chưa thực hiện công tác kiểm kê giải phóng mặt bằng.

Ông Trương Văn Danh, trú tại 2/172 Điện Biên Phủ, phường Trường An phản ánh, đợt mưa lớn vào ngày 21/9, mương Lịch Đợi (thuộc kiệt 172 và 166 Điện Biên Phủ) quá tải, làm nước chảy tràn vào nhà ông, gây nứt tường rào. nhiều hộ dân trong đường kiệt 172 và 166 Điện Biên Phủ cũng bị ngập lụt cục bộ (cao hơn trận lũ lịch sử năm 1999), ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt, làm thiệt hại nặng nề về kinh tế của người dân. Điển hình, nhà ông Nguyễn Việt nước vào nhà cao hơn 1m, nước chảy xiết làm sập nhà bếp, phải mất hơn 16 triệu đồng để sửa chữa lại. Ngoài ra, việc sản xuất hương bị ướt do nước ngập, thiệt hại nặng nề… Theo ghi nhận của chúng tôi, toàn kiệt 172 và 166 Điện Biên Phủ có 17 nhà bị ảnh hưởng trực tiếp. Người dân cho rằng, xây dựng hệ thống thoát nước phải đồng bộ, nếu không phía hạ nguồn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ.

Cũng theo phản ánh của người dân đường Xuân Diệu, Ấu Triệu, Chế Lan Viên, Đào Tấn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… dù đường đã thi công xong hệ thống thoát nước, nhưng chưa hoàn trả mặt bằng, gây khó khăn cho việc buôn bán, kinh doanh, đi lại. Trên các tuyến đường này đã xảy ra tai nạn giao thông, tuy chưa dẫn đến chết người, nhưng nhiều người đã phải nhập viện cấp cứu.

người dân kiệt 100 Đặng Huy Trứ, kiệt 175 Phan Bội Châu cho rằng, hệ thống thoát nước trục đường chính chưa thi công xong nên chưa được đấu nối, dẫn đến nước tại các tuyến kiệt này không thoát được, tràn ngược trở lại lên mặt đường, gây ô nhiễm. Người dân kiệt 180, 255, 316 Phan Bội Châu và ngõ 17 kiệt 120 Điện Biên Phủ cũng phản ánh, việc thi công hệ thống thoát nước làm sập, nứt lún tường rào các hộ dân, nhưng chưa khắc phục, gây bức xúc trong dân.

Ở nhiều phường phía nam TP. Huế, người dân cũng cho rằng, dù một số tuyến đường kiệt đơn vị thi công đã hoàn trả mặt đường bằng xi măng, nhưng chỉ một thời gian sử dụng đã bong tróc bề mặt, gây bụi và nguy hiểm khi tham gia giao thông. Riêng những tuyến đường chính, sau khi thi công đường ống ngang qua đường, đơn vị thi công chưa hoàn trả mặt bằng. Có đoạn, đơn vị sử dụng tấm thép, có đoạn đổ đá dăm, rất nguy hiểm khi tham gia giao thông ở những đoạn này…

Sớm giải quyết tồn tại

Trả lời thắc mắc người dân kiệt 172 và 166 Điện Biên Phủ, lãnh đạo Ban quản lý Dự án Cải thiện Môi trường nước TP. Huế cho rằng, tại vị trí khe Doãn (thượng lưu mương Lịch Đợi) thu gom nước theo 2 hướng chính. Một tuyến mương hở thu gom nước từ đường Lê Đình Thám, một tuyến băng đường Điện Biên Phủ. Trong đó, tuyến băng từ đường Điện Biên Phủ có 2 tuyến cống D1000 hiện có và 2 tuyến cống D1500 ngầm thuộc dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế. Tuy nhiên, 2 tuyến cống này chưa đưa vào sử dụng, vì vậy việc ngập úng cho 17 hộ dân là do mưa lớn, nước thoát không kịp. Theo thiết kế dự án cải thiện Môi trường nước TP. Huế, tuyến mương Lịch Đợi sẽ được cải tạo, mở rộng từ B2500 thành tuyến mương B4000 (đoạn từ đường Điện Biên Phủ đến khu quy hoạch Bàu Vá) và sẽ thực hiện trong năm 2017.

Hiện nay, UBND TP. Huế đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án Cải thiện Môi trường nước chủ động phối hợp với Ban Đầu tư và Xây dựng tỉnh sớm hoàn chỉnh phương án thiết kế mương lịch đợi; đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công, giảm tình trạng ngập úng tại khu vực này.

Ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Ban quản lý Dự án Cải thiện Môi trường nước TP. Huế cho biết, quá trình triển khai dự án do thời gian thi công được rút ngắn lại nên cường độ làm việc của các gói thầu xây lắp tăng lên rất lớn. Do đó, các nhà thầu phải thi công dàn trải ở nhiều địa điểm dẫn đến một số điểm công tác theo dõi và giám sát thực hiện chưa chặt chẽ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân. Thời tiết bất lợi nên tiến độ thi công hệ thống thoát nước chậm, nhất là công tác hoàn trả mặt bằng. Thời gian tới, sẽ đốc thúc các nhà thầu thảm nhựa, hoàn trả mặt đường các tuyến đường đã thi công xong hệ thống thoát nước, hoàn thành trước Tết Nguyên đán; đồng thời hoàn trả tạm thời đá cấp phối những tuyến đường đang thi công, đảm bảo người dân buôn bán, đi lại thuận lợi trong dịp tết.

Dự án Cải thiện Môi trường nước TP. Huế có tổng mức đầu tư 24 tỷ Yên Nhật (tương đương 5.000 tỷ đồng), trong đó 20,8 tỷ Yên là của chính phủ Nhật Bản, phần còn lại Trung ương cam kết thông qua Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính chi trả. Tổng thể dự án sẽ có 1 nhà máy xử lý nước thải, 7 trạm bơm, 160 km đường cống thu nước, 30 km đường cống bao, 94 giếng tách. Dự án gồm 8 gói thầu xây lắp - thiết bị và 6 gói thầu xây lắp. Dự án ký kết thực hiện từ 31/3/2008 và hoàn thành vào năm 2018, do Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế làm chủ đầu tư.

Ông Phan Vĩnh Phong, Phó Chủ tịch UBND phường Trường An, TP. Huế: Kiến nghị đẩy nhanh tiến độ

Hiện nay, trên địa bàn phường Trường An đang triển khai thi công gói thầu H/ICB/3 thuộc Dự án Cải thiện Môi trường nước TP. Huế. UBND phường đã tuyên truyền về dự án để Nhân dân hợp tác; đồng thời làm việc trực tiếp với đơn vị thi công. Tuy nhiên, quá trình thi công đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân. Chất lượng, thời gian hoàn trả mặt bằng chưa đảm bảo. phường kiến nghị UBND TP. Huế, Ban Quản lý Dự án Cải thiện Môi trường nước chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, thực hiện các biện pháp thi công hợp lý. Làm xong hệ thống thoát nước đường nào thì hoàn trả mặt đường đường đó theo phương thức cuốn chiếu, đảm bảo việc kinh doanh, buôn bán, đi lại của người dân.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP. Huế: Xử phạt những nhà thầu làm chậm

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP. Huế tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa VII (nhiệm kỳ 2016-2021) vào chiều 9/12 về việc Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế thi công chậm, ảnh hưởng không tốt đến đời sống, việc buôn bán kinh doanh của người dân… Theo quy định, đến tháng 8/2018 phải kết thúc dự án. Nếu làm quá thời hạn thì dự án phải bị cắt hoặc bị phạt. Để “ép” tiến độ, các nhà thầu được tư vấn và ban quản lý dự án yêu cầu đồng loạt tiến hành ở nhiều đường gây xáo trộn cuộc sống sinh hoạt và công việc làm ăn của Nhân dân. Lãnh đạo TP. Huế đã đôn đốc ban quản lý dự án kiểm tra, tư vấn xử phạt những nhà thầu làm chậm, thi công không đảm bảo, ô nhiễm môi trường. mong người dân thấy điều nào không phù hợp, bức xúc hay có tiêu cực gì thì phản ánh về ban quản lý dự án hay UBND TP. Huế để được giải quyết, xử lý.

Thanh Hải (thực hiện)

Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

TIN MỚI

Return to top