ClockThứ Ba, 27/02/2018 13:11

Triển khai dự án thí điểm đi bộ dọc sông Hương

TTH - Sau quá trình triển khai đấu thầu quốc tế, các nhà thầu đã tiến hành thi công thực địa dự án (DA) thí điểm đi bộ dọc sông Hương (gọi tắt là DA thí điểm), mở đầu cho chuỗi các hoạt động tiếp theo của DA quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương do Tổ chức KOICA (Hàn Quốc) tài trợ.

Thêm một phố đi bộ về đêmVài góp ý với phố đi bộ

Hạng mục đầu tiên đang được thi công bên sông Hương

Cố gắng đảm bảo tiến độ

Theo Ban quản lý DA KOICA, việc triển khai DA thí điểm được tiến hành từ cuối năm 2016; tuy nhiên, quá trình triển khai đấu thầu mất khá nhiều thời gian về thủ tục. Đến cuối năm 2017, mới lựa chọn được nhà thầu thi công và doanh nghiệp trúng thầu gói thầu số 3 (gói thầu thi công) là Công ty CP Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên Huế (XDTL). Sau khi trúng thầu, Công ty XDTL đã triển khai các thủ tục cần thiết để thi công thực địa và công việc này được bắt đầu từ tháng 1/2018.

Hiện, đơn vị thi công đã hoàn thành định vị toàn bộ các hạng mục công trình trên mặt bằng khu vực xây dựng, cắm mốc ranh giới và xác định số lượng cây xanh cần di dời trong phạm vi thi công DA khu vực công viên Lý Tự Trọng. Sau khi hoàn tất việc định vị 8 vị trí đóng cọc thử lắp đặt dàn giáo, xà lan để tiến hành đóng cọc thử, Công ty XDTL đã tiến hành thi công các hạng mục đầu tiên bắt đầu từ phía phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu dọc bờ sông lên đến khu vực công viên Lý Tự Trọng.

Các vị trí đóng cọc đã được xác định để làm xà lan thi công dự án

Hiện các công việc như rà phá bom mìn, giấy phép thi công và các công việc khác cơ bản đã hoàn tất. Ban quản lý DA KOICA đã làm việc với các cơ quan, doanh nghiệp liên quan như Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế, Trung tâm Công viên Cây xanh Huế, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế... để tiến hành các công việc tiếp theo như giải phóng mặt bằng một số quán cà phê còn lại trong khu vực thi công DA thí điểm, di dời cây xanh, nhà vệ sinh di động... đến nơi hợp lý để đảm bảo tiến độ thi công.

Theo hợp đồng giữa đơn vị thi công với Ban quản lý DA KOICA, tiến độ thi công DA thí điểm khoảng nửa năm, tức khoảng giữa năm 2018, DA sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, tiến độ dự kiến còn phụ thuộc vào thời tiết ở Huế do điều kiện thi công phải đóng cọc dưới sông, các hạng mục khác còn vướng công tác giải phóng mặt bằng. Ban quản lý DA KOICA hy vọng các nhà thầu sẽ khắc phục khó khăn, phối hợp tốt với các đơn vị tư vấn, giám sát, các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ.

Tạo điểm nhấn cho đô thị Huế

DA quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương có tổng mức đầu tư 6 triệu USD do Tổ chức KOICA tài trợ. Trong đó, DA thí điểm có tổng mức đầu tư khoảng 60 tỷ đồng, với các công trình hạng mục chính: đường đi bộ dọc sông Hương, với chiều dài 380m, kết nối phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu đến khu vực công viên Lý Tự Trọng; chia làm 3 không gian chính, gồm bến thuyền, vườn sen, quảng trường tổ chức sự kiện và hạng mục chính quan trọng nhất là điểm nhấn cho toàn bộ DA: con đường đi bộ có chiều rộng 4m, kết cấu bê tông, sàn lát gỗ lim với lan can bằng vật liệu đồng thau, đồng thiếc hay thép mạ vàng để làm nơi đi dạo, ngắm cảnh sông Hương hoặc đạp xe.

Chủ nhiệm DA, Giáo sư Ohn Yeoung Te chia sẻ, ý tưởng triển khai DA thí điểm đường đi bộ dọc sông Hương được lựa chọn thay thế 5 ý tưởng, DA khác bởi nó đảm bảo được các yếu tố hài hòa với không gian, kiến trúc đô thị Huế; nhất là không gian, cảnh quan hai bên bờ sông.

Việc thực hiện DA thí điểm đã giúp kiến trúc, không gian bờ sông tiệm cận với không gian mặt nước, tạo sự giao thoa, giao hòa giữa hai không gian này, đồng thời kết nối được tuyến phố đi bộ với bờ sông Hương và công viên Lý Tự Trọng.

Quá trình triển khai DA sẽ giải tỏa những quán cà phê dọc bờ sông chưa được thẩm mỹ và có phần che khuất sông Hương với bờ sông và đường Lê Lợi để tạo sự khang quang, sạch đẹp cho khu vực bờ sông Hương.

Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Hải Minh khẳng định, quá trình thẩm định, so sánh các vật liệu, các đơn vị tư vấn thiết kế đã nghiên cứu khá kỹ khi chọn gỗ lim để lát sàn mà không phải là các vật liệu khác như bê tông, nhựa… bởi tính năng chịu mưa, nước và thân thiện với môi trường, hơn nữa, gỗ lim có tuổi thọ và độ bền cao nên có thể tiết kiệm chi phí so với một số vật liệu khác.

Trong quá trình lấy ý kiến tại các cuộc hội thảo và trưng bày lấy ý kiến người dân, các nhà chuyên gia…, DA thí điểm cũng như DA quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương nhận được sự đồng tình cao từ giới chuyên môn, các nhà nghiên cứu Huế, kiến trúc sư… với kỳ vọng, DA quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương sẽ là điểm nhấn cho đô thị Huế. Trong đó, DA thí điểm sẽ là điểm nhấn của điểm nhấn trong chuỗi các DA sẽ lần lượt được triển khai trong đồ án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương.

Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Thành kỳ vọng, DA thí điểm hoàn thành sẽ giúp cho Huế có thêm sản phẩm du lịch mới. Trong đó, tuyến phố đi bộ sẽ được mở rộng và kết nối từ bến Tòa Khâm kéo dài đến gần Bảo tàng Hồ Chí Minh, kết nối với phố đi bộ ở khu phố Tây, cầu Trường Tiền, đường Lê Lợi sẽ là điểm đến hấp dẫn mới cho Huế.

Việc kêu gọi đầu tư cải tiến thuyền rồng trên sông Hương và kinh doanh các loại hình dịch vụ mới cũng được triển khai trong năm 2018 hứa hẹn có thêm nhiều dịch vụ hấp dẫn về đêm.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

Ngày 27/3, Ban Giám đốc Sở Y tế có buổi tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về khả năng triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025-2030”, trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030
Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso

Ngày 22/3, Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học về dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso đỏ tại Phong Điền". Dự án do PGS.TS Nguyễn Văn Toản, giảng viên Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế làm chủ nhiệm.

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso
Return to top