ClockThứ Sáu, 21/07/2017 18:40

Triển lãm bằng chứng lịch sử, pháp lý Hoàng Sa - Trường Sa

TTH.VN - Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh tổ chức vừa khai mạc, giới thiệu đến đông đảo người xem chiều 21/7 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh (41A Hùng Vương, TP. Huế).

Các đại biểu tham quan triển lãm bằng chứng lịch sử, pháp lý Hoàng Sa - Trường Sa

Đến dự có các ông: Lê Trường Lưu, UV BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND; Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các vị trong BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông có Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cùng đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình… 

Triển lãm trưng bày giới thiệu đến đông đảo người xem nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và 100 bản đồ được tập hợp từ nhiều nguồn tư liệu được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế. Trong đó, đáng lưu ý là 4 cuốn atlas (bản đồ) do nhà Thanh và Trung Hoa dân quốc xuất bản gồm: Trung Hoa địa đồ, xuất bản năm 1908; Trung Quốc toàn đồ, xuất bản năm 1917; Trung Hoa bưu chính dư đồ, xuất bản năm 1919 và Trung Hoa bưu chính dư đồ, xuất bản năm 1933.

Các bản đồ đều thiết lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành phố của Trung Quốc; nơi nào không thuộc lãnh thổ của Trung Quốc sẽ không được thể hiện trong các bản đồ. Trong các bản đồ này, cương giới cực nam của Trung Quốc chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam mà không hề nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa. Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hoàn toàn nằm ngoài cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc như họ vẫn tuyên bố...

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (phải) tặng quà kỷ niệm đến Bộ Thông tin và Truyền thông

Ngoài ra, triển lãm còn đem đến cho người xem các phiên bản của các văn bản Hán – Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương banh hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX khẳng định quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Phiên bản các văn bản hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam ban hành trong thời kỳ 1954-1975 tiếp tục khẳng định quá trình quản lý hành chính, thực thi và bảo vệ chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. 

Cùng với đó, còn nhiều hình ảnh tư liệu về hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện đảo Trường Sa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hình ảnh tư liệu về quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, hình ảnh về Đảng bộ, chính quyền và nhân Thừa Thiên Huế tham gia vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo với nhiều góc nhìn sinh động cũng được đưa vào triển lãm…

Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (phải) trao tặng tượng trưng toàn bộ bản đồ và tư liệu  “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý” cho UBND tỉnh

Theo ban tổ chức triển lãm, những bằng chứng lịch sử trong triển lãm lần này phản ánh rõ ràng Việt Nam đã xác lập chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ rất sớm, bằng con đường hòa bình và được các triều đại phong kiến, các nhà nước Việt Nam thời cận đại và hiện đại liên tục thực thi, bảo vệ chủ quyền một cách hợp pháp. Triển lãm còn cho thấy nhà nước và nhân dân Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước luôn có ý thức về chủ quyền thiêng liêng của đất nước, sẵn sang hành động vì cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã trao tặng toàn bộ những tư liệu, bản đồ triển lãm lần này cho UBND tỉnh.

Triển lãm mở cửa đón người xem đến hết ngày 24/7.

Những hình ảnh tại triển lãm được Thừa Thiên Huế Online ghi lại:

Cắt băng khai mạc triển lãm  “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý”

Một tiết mục hát về các chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển trời của Tổ quốc gây xúc động đến đông đảo người đến tham dự triển lãm

Những thư tịch cổ  chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam

Hai chiến sĩ quân đội thích thú ngắm đồng đội của mình qua ảnh

Nhiều người chăm chú tham quan những tư liệu, văn bản chứng minh Việt Nam đã xác lập chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa 

Một vị khách tranh thủ chụp lại hình ảnh tại triển lãm

Mảnh tàu Cảnh sát biển Việt Nam có số hiệu 2016 đang thực thi nhiệm vụ trên vùng biển Hoàng Sa đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm thẳng vào mạn phải vào ngày 1/6/2014 được đem đến trưng bày ở triển lãm

Mô hình tàu Hải quân Việt Nam

Cáng cứu thương - vật dụng được chiến sĩ tàu HQ 913 sử dụng khi cứu hộ tàu HQ 605 khi bị tàu Trung Quốc đâm chìm tại đảo Cô Lin và Len Đao và ngày 14/3/1988

 Trong các bản đồ thể hiện rõ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hoàn toàn nằm ngoài cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc như họ vẫn tuyên bố...

Những hình ảnh tư liệu về văn bản, hiện vật, ấn phẩm chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đã được số hóa, giới thiệu đến người xem tại triển lãm

Đông đảo người đến tham quan triển lãm

PHAN THÀNH (Thực hiện)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hành trình đến với Trường Sa

Trong những ngày đầu tháng tư lịch sử, tôi vinh dự được cùng Đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế gồm 25 thành viên do ông Nguyễn Nam Tiến - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh làm Trưởng đoàn tham gia Đoàn công tác số 5 đi thăm quần đảo Trường Sa theo Kế hoạch của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam từ ngày 3/4 đến 11/4/2024.

Hành trình đến với Trường Sa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 8: Trái tim của huyện đảo Trường Sa

Rất nhiều người Việt Nam yêu và thuộc bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Huỳnh Phước Long. Bài hát có những câu khi hát lên thật bồi hồi, xúc động “Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…”. Là người Việt Nam, ai cũng có ao ước được một lần đặt chân lên đảo Trường Sa, chúng tôi thật may mắn cùng Đoàn công tác số 5 đặt chân lên đảo.

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 8 Trái tim của huyện đảo Trường Sa
Return to top