ClockThứ Bảy, 10/12/2011 14:11

Trình độ thầy thuốc chuyên khoa tim mạch- Huế ngang hàng với châu Âu

TTH - Hội thảo khoa học tim mạch Đức - Việt lần thứ 6 được tổ chức tại Trường đại học Y Dược Huế trong hai ngày 1 và 2/12 vừa qua là dịp để các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia ngành tim mạch của Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế và một số tỉnh, thành trong nước cập nhật, chia sẻ những thông tin mới của thế giới trong điều trị và dự phòng bệnh lý tim mạch với các giáo sư, chuyên gia tim mạch thuộc Hội Tim mạch Đức-Việt đến từ nhiều đại học và bệnh viện khác nhau tại CHLB Đức, Thụy Sĩ. Nhân dịp này, phóng viên Báo Thừa Thiên Huế có cuộc phỏng vấn với PGS.TS. Nguyễn Sĩ Huyên, Chủ tịch Hội Tim mạch Đức-Việt, người được xem là cầu nối quan trọng kết nối sự hợp tác gắn bó giữa Hội Tim mạch Đức-Việt và Trường đại học Y Dược Huế trong hơn 20 năm qua.

* Xin chào PGS.TS. Nguyễn Sĩ Huyên. Hội Tim mạch Đức - Việt đã có sự hỗ trợ rất lớn đối với Trường đại học Y Dược –Huế trong công tác đào tạo và chuyển giao về công nghệ trong đào tạo. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những hoạt động này của Hội những năm qua?

 

Từ năm 1985, chúng tôi có những hoạt động tại Việt Nam. Đầu tiên là mở các khóa giảng dạy về siêu âm chẩn đoán ở TP.Hồ Chí Minh và sau đó là những chương trình đào tạo và giảng dạy ở nhiều nơi trong đó có Trường đại học Y Dược Huế. Từ năm 1990, hội có quan hệ chính thức với trường và chúng tôi đã tổ chức những chương trình giảng dạy thường xuyên ở Trường đại học Y Dược Huế, đồng thời đã huy động sự hỗ trợ của các tổ chức cá nhân tại Đức để giúp đỡ bệnh viện Trường về thiết bị y khoa như máy siêu âm tim, dụng cụ can thiệp mạch vành, các dụng cụ can thiệp mạch máu... Hội đã tham gia đào tạo về các kỹ thuật chẩn đoán tim mạch không xâm nhập như siêu âm tim, siêu âm gắng sức, siêu âm thực quản cũng như đã giúp chuyển giao đào tạo cho trường kỹ thuật chẩn đoán thăm dò rối loạn giấc ngủ tại Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế (năm 2010) và Bệnh viện Trường là một trong những đơn vị triển khai đầu tiên kỹ thuật này tại nước ta trong những năm gần đây. Song song, Hội Tim mạch Đức-Việt giúp đào tạo và chuyển giao kỹ thuật chụp và can thiệp mạch vành, nổi bật là kỹ thuật chụp mạch vành qua động mạch quay rất được ưa chuộng hiện nay. Đây là một sự hợp tác rất thành công ở điểm chúng tôi đã có một chương trình đào tạo cho các chuyên gia của Việt Nam ngắn hạn tại nước Đức và có một chương trình đào tạo dài hạn tại chỗ cho các đồng nghiệp Việt Nam tại Trường đại học Y Dược Huế. Đó là một chương trình rất hữu ích và thực tế là trong điều kiện hiện nay, việc thực hiện những vấn đề này trong thời gian dài hoàn toàn không có gì trở ngại. Bên cạnh đó, hằng năm chúng tôi đều tổ chức hội nghị tim mạch với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về tim mạch tại Bệnh viện trường.

 

Từ những năm đầu mới hợp tác với Trường đại học Y Dược Huế, Hội cũng đã góp ý trường trong việc tiến hành thực hiện xây dựng bệnh viện đại học để lấy đó làm cơ sở giảng dạy. Từ trước đến nay ở Việt Nam có một điểm không thuận lợi là sự tách rời giữa đại học và bệnh viện. Đại học chỉ chuyên về dạy thôi và bệnh viện thì lo công việc của bệnh viện, trong khi đó sinh viên thì thực hành tại bệnh viện nên không có sự thống nhất giữa đào tạo và thực hành. Điều này hoàn toàn không tốt trong vấn đề đào tạo bác sĩ. Chính vì vậy, từ lâu chúng tôi góp ý với Trường đại học Y Dược Huế là phải có một bệnh viện đại học. Tôi rất vui mừng thấy sự việc này đã được Trường đại học Y Dược Huế tiến hành thực hiện từ nhiều năm qua.

 

*Vậy ông đánh giá thế nào về hiệu quả của Bệnh viện trường đối với công tác đào tạo và giảng dạy tại Trường đại học Y Dược Huế trong thời gian qua?

 

Tôi nghĩ là trong vấn đề giảng dạy, Trường đại học Y Dược Huế đã có chương trình giảng dạy với nội dung rất cao. Từ ngày Trường đại học Y Dược Huế có bệnh viện đại học cho chính mình thì chúng tôi nhìn thấy một sự phát triển vượt bậc rất nhanh so với nhiều năm trước. Tôi hy vọng rằng, trường sẽ nhận được hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía nhà nước và với sự nỗ lực của Trường đại học Y Dược Huế, Trường đại học Y Dược Huế sẽ phát triển rất nhanh.

 

“Hội thảo khoa học Tim mạch Đức - Việt lần thứ 6 do Hội Tim mạch Đức - Việt phối hợp với Trường đại học Y Dược Huế tổ chức, gồm 15 đề tài báo cáo đi vào các kỹ thuật mới về tim mạch can thiệp, cập nhật những thông tin mới về siêu âm tim chẩn đoán, và đề cập về những bệnh lý rối loạn hô hấp có liên quan đến giấc ngủ. Đây là những đề tài đang được nói đến rất nhiều tại châu Âu và là những đề tài nóng bỏng trong ngành tim mạch trên thế giới”.

 

PGS.TS. Nguyễn Sĩ Huyên, Chủ tịch Hội Tim mạch Đức-Việt

*Y học giấc ngủ là một bộ môn rất mới. Ông có thể cho biết về tầm quan trọng của bộ môn này và sự hợp tác giữa Hội tim mạch Đức-Việt với Trường đại học Y Dược Huế trong việc chuyển giao đào tạo cho trường kỹ thuật chẩn đoán thăm dò rối loạn giấc ngủ tại Bệnh viện trường?

 

Y học giấc ngủ là một bộ môn rất mới ở Việt Nam chứ không chỉ tại Huế. Nó là một bộ môn còn rất trẻ và sự hiểu biết về nó cho đến nay trên đất nước ta rất giới hạn; nhưng tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta bắt đầu làm việc, nghiên cứu với nó thì chúng ta sẽ mở rộng tầm nhìn của chúng ta để thấy được sự liên hệ giữa giấc ngủ và những bệnh lý tim mạch và hiểu được những vấn đề về tim mạch ở một khía cạnh mới. Từ đó giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện về người bệnh hơn và với sự hiểu biết đó sẽ điều trị cho bệnh nhân tốt hơn.

 

Bước đầu hiện nay, chúng tôi đã đặt nền tảng cho sự khởi đầu của bộ môn này tại Trường đại học Y Dược Huế. Hiện đã có một phòng nghiên cứu nhỏ ở trường và bây giờ chúng ta phải bước đầu tiến hành một số kỹ thuật khám nghiệm ở bệnh nhân, phải làm những điều tra cơ bản trên dân chúng để nhìn thấy được mức độ, tần suất bệnh ở khu vực và từ đó mà nhìn thấy được tầm quan trọng của nó.

 

*Trong thời gian tới, Hội Tim mạch Đức-Việt sẽ tiếp tục có sự hợp tác với Trường đại học Y Dược Huế trong những vấn đề cụ thể nào, thưa ông?

 

Sẽ có 3 điểm chính: Thứ nhất là, hợp tác hỗ trợ trong vấn đề phát triển tim mạch học can thiệp. Người của chúng tôi sẽ thường xuyên về làm việc ngắn hạn tại Trường đại học Y Dược Huế trong bộ môn tim mạch học can thiệp, và như vậy trong quá trình cùng làm việc chung đó sẽ có những trao đổi về khoa học, kinh nghiệm đồng thời hỗ trợ cho việc chuyển giao những kỹ thuật mới cho bệnh viện trường. Trong những trường hợp cần thiết, chúng tôi có thể đưa người của Trường đại học Y Dược Huế sang Đức làm việc thêm về những vấn đề chuyên biệt. Thứ hai là về y học giấc ngủ, những bước khởi đầu của nó đã có nhưng chưa tiến hành sâu, tôi hy vọng trong tương lai sẽ có sự thúc đẩy để làm việc trong vấn đề này tích cực hơn. Thứ ba và quan trọng nhất là, việc mà trong đợt hoạt động của đoàn Hội Tim mạch Đức - Việt tại trường lần này chúng tôi đã trao đổi với GS Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường đại học Y Dược Huế và Ban giám hiệu nhà trường vấn đề đưa đào tạo y khoa tiên tiến vào chương trình giảng dạy ở Trường đại học Y Dược Huế theo quy trình giảng dạy của Đại học Mainz nước Đức. Tôi nghĩ, đây là ý tưởng tốt nhưng vấn đề thực hiện không đơn giản. Nếu chúng ta thực hiện được điều này có nghĩa là chúng ta đã nâng tầm hiểu biết trong quá trình giảng dạy đi vào trình độ mới mà hiện nay đang được áp dụng tại châu Âu vì Đại học Mainz là một đại học y khoa đứng hàng thứ ba trong vấn đề giảng dạy và đào tạo ở tại nước Đức.

 

*Là người thường xuyên về làm việc tại Trường đại học Y Dược Huế, ông đánh giá thế nào về trình độ của đội ngũ giảng viên và y bác sĩ ở đây?

 

Tôi thấy rằng, trình độ của đội ngũ giảng viên, y bác sĩ chuyên khoa tim mạch của trường đại học Y Dược Huế và bệnh viện trường (tôi làm việc trong lĩnh vực tim mạch nên chỉ đánh giá trong lĩnh vực này) thuộc về cấp bậc ngang hàng với những trường đại học ở bên châu Âu. Tất nhiên là, điều kiện trang thiết bị chưa được chuẩn hóa như ở châu Âu, điều đó cũng dễ hiểu vì đất nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng nói về kiến thức thì rõ ràng là đã có những bước tiến vượt bậc. Tôi hy vọng trong thời gian rất gần đây thôi thì bộ môn tim mạch của Trường đại học Y Dược Huế sẽ mở rộng ra thêm bộ môn ngoại khoa tim mạch. Như vậy thì sự phát triển nói chung về tim mạch sẽ được hoàn chỉnh.

 

*Xin cảm ơn ông!

 

Ngọc Hà (thực hiện)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện

Ngày 24/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân (BN) Phạm Q.T.. Đây là trường hợp ghép tim thứ 11 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 10 tại đơn vị.

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện
Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola
Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

TIN MỚI

Return to top