ClockThứ Tư, 24/03/2021 14:26

Trở lại “điểm nóng” A So

TTH - Ngang qua bản làng nơi thung lũng A So (xã Đông Sơn, huyện A Lưới), những đôi mắt đã thôi thăm thẳm màu buồn. Trên những ruộng vườn, nương rẫy của mảnh đất từng được ví là “đất chết” dioxin, những cánh rừng keo, lúa ngô đã lên xanh rì…

Thăm, kiểm tra một số đồn biên phòng trên tuyến biên giới huyện A Lưới

Giao thông ở Đông Sơn được bê tông hóa khang trang

“Cuộc sống bây giờ đỡ lắm rồi”

Băng qua những con đường đến với khu vực sân bay A So, nơi nhiều người đã quen gắn cho cái tên vùng rốn da cam, đường liên thôn, liên xã đã được bê tông hóa. Những căn nhà kiên cố đang được xây dựng lên, như báo hiệu với khách lạ như tôi nỗi buồn chiến tranh dần lùi sâu vào dĩ vãng.

Trước khi đến Đông Sơn, thông tin về “điểm nóng dioxin” tại A Lưới làm tôi có cảm giác rờn rợn. Trong chiến tranh, quân đội Mỹ đã rải 72 triệu lít thuốc diệt cỏ (chứa 170kg dioxin) xuống miền Nam thì riêng huyện A Lưới đã phải hứng chịu 432.812 lít (chứa 11kg dioxin). Sân bay A So gánh chịu nặng nề nhất vì việc rửa máy bay đã khiến chất độc thấm sâu xuống đất.

Ông Đoàn Văn Hiền, cựu chiến binh lớn lên ngay tại mảnh đất nơi đây, chìa đôi bàn tay gân guốc ra chào. Ở tuổi 71, ông bảo rằng mới dám lạc quan hơn khi quá khứ buồn về di chứng từ chất độc da cam đã thôi trở đi trở lại trong những giấc ngủ chập chờn. Úp hai tay lên mặt, khom sát người xuống nền nhà, ông miêu tả: “Đó là cách mỗi lần phát hiện quân đội Mỹ rải chất độc dioxin xuống. Thời đó, sợ lắm. Đau thương đến mức nhà tôi có đến 5 người bị ảnh hưởng do chất độc da cam. Đi đâu cũng nghe nói chất độc da cam, ăn cũng sợ, ngủ cũng giật mình. Nghĩ sự sống cho vùng đất này sẽ rất ngắn ngủi, nhưng rồi mọi chuyện đến nay đã khác. Qua tuổi 70, cuộc sống tôi vẫn đang còn ổn, có 5 sào ruộng, 3 ha keo, làm đủ ăn, thế là được”.

Với những người cựu binh lớn lên ngay tại địa phương như ông Hiền, và cả ông Cu Pưng (80 tuổi) mà tôi gặp, ký ức về chiến tranh rất khủng khiếp, nhưng nhìn vào quá khứ để thấy giá trị từ hòa bình và những đổi thay của quê hương.

Theo ông Cu Pưng, năm 1960 đế quốc Mỹ cho mở rộng đồn A So, đồng thời xây dựng một sân bay tại khu vực này, nhằm tăng cường tiềm lực quân sự với sự trợ lực của các phương tiện chiến tranh hiện đại để chống lại các hoạt động vũ trang của quân và dân ta. Đông Sơn là một trong những “điểm nóng” của chiến tranh, khi địch rải chất độc hóa học thiêu huỷ hàng trăm ngàn hec ta rừng nguyên sinh, cướp đi mạng sống của nhiều người. Thời điểm sau chiến tranh, di chứng từ chất độc da cam để lại đè nặng lên nhiều gia đình. “Đã từng có những người muốn tìm mảnh đất khác vì quá lo sợ nhưng rồi vì nhiều lý do, họ đã ở lại. Có Đảng, Nhà nước quan tâm, cuộc sống bây giờ đỡ lắm rồi”, ông Cu Pưng quả quyết.

Phó Chủ tịch UBND xã Đông Sơn – Hồ Văn Thiên khẳng định, so Đông Sơn với những địa phương khác có phần khập khiễng, nhưng với người dân trên chính mảnh đất này, sự thay đổi có thể cảm nhận được. Từ khi hạ tầng, đường sá được đầu tư, việc phát triển sản xuất, chăn nuôi thuận lợi hơn. Người dân trước đây muốn đi rừng phải băng suối, đi bộ hay xe bò cả tiếng, nay xe có thể vào tận nơi.

“Người dân giờ đây chủ yếu làm ruộng, trồng keo, chăn nuôi. Từ sự quan tâm của các cấp với chính sách hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2020, tổng đàn gia súc, gia cầm đã phát triển thành 9.775 con, tăng 2.935 con so với năm ngoái. Một số hộ còn mở ra kinh doanh, có gia đình thu nhập đến 10 triệu đồng/tháng”, ông Thiên dẫn chứng số liệu.

Chờ những ngày vui hơn

Ngày đến thăm A So, nhiều người nằng nặc bảo tôi phải đi quanh khu vực sân bay A So. Chỉ tay vào khoảnh đất đặt những ký hiệu “ASO AIRPORT”, anh Nguyễn Văn Giang (người dân địa phương) bảo: “Từ khi Bộ Quốc phòng khởi công dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So vào tháng 10 năm ngoái, người dân chúng tôi vừa mừng, vừa nôn (nóng lòng) lắm. Dẫu đã quen sống với thực tế tại quê hương, nhưng vẫn mong rằng sau 2 - 3 năm nữa, A So sẽ khác, vui hơn nhiều”.

Cái vui như anh Giang nói chính là môi trường sẽ an toàn hơn, nông sản, rau màu của người dân cũng có giá trị hơn hiện tại. Đặc biệt, có thể thu hút khách tham quan khu chứng tích chiến tranh, đồng thời tiếp tục tìm kiếm cơ hội phát triển du lịch sinh thái.

Ước vọng trên là thực tế, bởi dù mặt bằng chung về đời sống khá hơn trước nhưng con số hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương này còn đáng trăn trở, khi có đến 142 hộ nghèo, 79 hộ cận nghèo trong tổng số 357 hộ toàn xã. Hậu quả từ chiến tranh, nhất là từ chất độc dioxin để lại đã cản trở họ trong cuộc sống, phát triển sinh kế. Và, theo những người dân nơi đây, sau khi đất được tẩy độc mọi hoạt động sản xuất sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, những nỗ lực sẽ được đền đáp.

Ông Hồ Văn Tôi, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn tràn đầy hy vọng: “Hai chương trình trọng điểm của chúng tôi là giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế gia trại, trang trại. Vẫn luôn kỳ vọng rằng, một ngày gần nhất, vùng “điểm nóng dioxin” ngày nào sẽ có những đột phá, tạo thêm bất ngờ cho khách trở lại”.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đu tiên Phú Gia trở lại

Một ngày cuối tháng Hai vừa qua, người dân làng Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc đã đổ về sân Nhà văn hóa cùng tham gia lễ phục dựng trò chơi Đu Tiên và các trò chơi dân gian. Nhìn những ánh mắt rạng ngời dõi theo những vòng đu quay, mới nhận ra trong lòng họ đang ngập tràn hạnh phúc, bởi sau 25 năm, giờ trò đu tiên mới được phục dựng trên mảnh đất quê hương.

Đu tiên Phú Gia trở lại
Mang nụ cười trở lại

Ai cũng mong muốn con của mình sinh ra được lành lặn, kháu khỉnh như bao trẻ em khác.

Mang nụ cười trở lại
Bàn giao 9,35 ha đất đã qua xử lý dioxin ở sân bay A So

Sau 3 năm xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So (huyện A Lưới), ngày 24/10, Binh chủng Hóa học, Bộ Quốc phòng tổ chức công bố hoàn thành xử lý hiện trường đất nhiễm chất độc dioxin.

Bàn giao 9,35 ha đất đã qua xử lý dioxin ở sân bay A So
Return to top