ClockThứ Tư, 11/07/2012 05:43

Trợ lực cho doanh nghiệp

TTH - Lãi suất quá cao, lạm phát cao và biến động thất thường, khó khăn trong tiếp cận vốn, chi phí vận tải cao, điện cung cấp không ổn định và chính sách điều hành kinh tế không ổn định được xem là 6 yếu tố cản trở kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua (nguồn Tuổi trẻ ngày 30/6/2012). Số liệu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2012 vừa được công bố của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, cả nước hiện có hơn 53.000 doanh nghiệp tự ngừng hoạt động, chờ giải thế.

Cũng nằm trong vòng xoáy này, tính đến đầu tháng 4/2012, Thừa Thiên Huế có 4.864 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, trong đó có 3.200 doanh nghiệp hoạt động, 1.664 nghỉ sản xuất kinh doanh (bao gồm 54 doanh nghiệp chưa hoạt động, 92 doanh nghiệp tạm dừng sản xuất kinh doanh, 364 doanh nghiệp chờ giải thể, 703 doanh nghiệp không tìm thấy và 469 doanh nghiệp đã giải thể). Theo số liệu mới nhất của UBND tỉnh thì 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã có 239 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới với số vốn đạt 998,4 tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) vào cuối tháng 6 vừa qua, ông Phan Đình Công, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho hay, trong số khoảng 200 doanh nghiệp gần bị phá sản, chỉ có 20 xin phá sản, số còn lại tạm thời ngưng hoạt động. Vấn đề của các doanh nghiệp được xếp vào danh mục đối tượng dễ bị tổn thương nhất nằm ở chỗ kinh doanh thua lỗ, thiếu vốn, thậm chí có doanh nghiệp còn thiếu nguyên liệu để sản xuất (ví dụ như đất gạch của Tuynen Hương Thuỷ). Số khác thì khó khăn đến từ những bất lợi về địa điểm kinh doanh...

Giải quyết tình trạng ứ đọng sản phẩm, hỗ trợ sức mua, tạo dòng chảy lưu thông được xem là vấn đề mấu chốt để giải quyết những khó khăn nội tại của doanh nghiệp. Theo cùng là các giải pháp mang tính vĩ mô khác như nới lỏng chính sách tiền tệ, giải quyết nợ xấu; giúp các doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn để tái đầu tư... Thúc đẩy được những vấn đề này mới tạo được những trợ lực hữu hiệu, hay hiểu một cách khác là tăng cường sức đề kháng cho sức khoẻ của các doanh nghiệp vốn đã xuống sức và bắt đầu “đau yếu”. Đồng thời, làm ấm lại “thần sắc” của hoạt động kinh tế - xã hội trong việc lưu thông hàng hoá, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động...

Mặc dù vẫn đang còn khó khăn nhất định trong việc tiếp cận các nguồn vốn do các ngân hàng vẫn đang có những biến động về lãi suất, nhưng UBND tỉnh cũng đã có những động thái tích cực trong việc trợ lực cho các doanh nghiệp không chỉ ở việc đối thoại, lắng nghe và chia sẻ, mà còn thực hiện những biện pháp hữu hiệu hơn như giãn thuế 3 tháng cho 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm 50% tiền thuê đất, giãn thuế GTGT trong ba tháng 4,5 và 6... nhằm giúp các doanh nghiệp ra khỏi cơn bĩ cực.

Hạnh Nhi

 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị trực tuyến triển khai Luật Thanh tra và các văn bản liên quan

Ngày 29/3, Thanh tra (TT) Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra (TT) và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan TT. Tại Thừa Thiên Huế, Chánh TT tỉnh Lương Bảo Toàn cùng gần 100 cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan TT tham dự.

Hội nghị trực tuyến triển khai Luật Thanh tra và các văn bản liên quan
Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Đó là khẳng định của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tại hội nghị tổng kết thực hiện các Quyết định số 75/2013/QĐ-TTG ngày 06/12/2013 và Quyết định số 35/2017/QĐ - TTG ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập (TKQT) hài cốt liệt sĩ (HCLS) ngày 27/3 tại Nghệ An.

Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Return to top