ClockThứ Năm, 23/06/2016 17:51

Trở về

TTH - Cuối chiều, cô đang xối nước rửa chuồng heo sau bếp thì nghe tiếng con Vện sủa váng lên, tiếp đó là tiếng bà Hiền xơi xới:

- Cái Mận có nhà không? Ới Mận!

Lật đật xả ống quần xuống, cô vội chạy ra ngõ, lanh lảnh đáp lại:

- Dạ cháu Mận đây. Sao hôm nay bác sang muộn thế ạ?

Con Vện gầm gừ thêm một lúc mới chịu ngúc ngoắc lui ra sau bếp. Bà Hiền thấy con chó khuất rồi mới dám dong xe vào giữa sân, quệt mồ hôi kể lại chuyện mình vừa chứng kiến.

- Giữa đường có vụ tai nạn, tao đứng lại coi. Khiếp, hai thằng say rượu tông thẳng vào con bé học sinh đi xe đạp điện, máu đỏ loang cả áo dài luôn mày ạ. Giờ chở đi cấp cứu rồi. Con cái nhà ai mà tội thế không biết!

Bà chép miệng thở dài đầy thương xót. Cô gật gù:

- Bữa nay ra đường nguy hiểm quá bác nhỉ! Mong sao tai qua nạn khỏi. Bác vào nhà uống cốc nước chè đã nhé. Nước cháu vừa nấu, vẫn còn nóng và thơm lắm.

- Ngồi đây uống cũng được, mày vào rót tao một cốc đi, đang khát khô cả họng đây.

Cô chạy vào mang cả ấm nước chè xanh ra, rót mỗi người một cốc. Làn khói mỏng bốc lên thơm dịu. Bà Hiền hít hà mùi khói, nhấp thử một ngụm, khen ngon. Hai người ngồi trên bậc thềm, trước mặt là chiếc xe máy của bà Hiền, chiếc xe chất đầy thúng mủng sau yên. Bà hất mặt về đám thúng, hỏi cô:

- Mày tính sao với cái đống đó?

- Dạ thì cháu dùng, dùng không hết thì đem bán bớt, nhiều người tìm mua mà không có đó bác.

- Thôi bớt xạo, ế chỏng ế chơ ra, thời đại này mấy ai cần mua thúng mủng đâu mà. Tao biết tỏng bụng dạ mày, biết mày thương ba mày. Nhưng sao mày trốn ổng hoài vậy? Bộ cha con mà không thể làm lành hả?

Nhìn sang vẻ mặt buồn buồn như sắp rớt nước mắt của cô, bà tặc lưỡi lảng sang chuyện khác. Khi màn đêm dần buông, bà Hiền tong tả chào về. Cô dúi tiền vào tay bà, cảm ơn không ngớt, rồi bê đám thúng ra cất sau ô chuồng heo còn trống. Nói là còn trống chứ thực ra cũng đã chất gần đầy rổ rá nong nia thúng mủng dần sàng, tất cả đều được đan từ tre, cẩn thận và tỉ mỉ từng chi tiết một. Cô cứ mua về, cất vậy, khi nào cần thì dùng, không cần thì để đó. Bởi tất cả đều do một tay ba cô làm.

***

Cô vẫn còn nhớ như in buổi tối của 10 năm về trước, khi cô dắt anh về thưa chuyện với ba. Trong căn nhà nhỏ tỏa ánh đèn vàng đìu hiu, khuôn mặt ba đỏ bừng một cách đáng sợ. Ba hỏi cô tại sao. Cô im lặng. Ba hỏi cô chọn ai. Cô không biết phải trả lời thế nào. Ba nhìn cô, ánh nhìn như gom hết thảy mọi đau đớn trên đời, hỏi một câu mà cô vẫn còn nhói buốt tới tận bây giờ:

“Con có thương ba không?”

Rất nhiều lần cô cũng tự hỏi mình như thế, trong những đêm không ngủ. Cô có thương ba không? Nếu có thì tại sao hết lần này đến lần khác cứ làm ba phiền lòng. Năm cô hai tuổi, mẹ cô qua đời trong một vụ tai nạn. Người ta bảo đáng lẽ mẹ còn sống nếu được đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời. Nhưng gã lái xe tải độc ác đã không cho mẹ cơ hội sống tiếp. Gã lùi xe, thêm một lần nữa. Đường cao tốc sáng sớm vắng người qua lại. Và mẹ cô đã nằm xuống mãi mãi. Rất lâu sau đó, người phụ lái năm nào tìm tới nhà cô, quỳ sụp dưới chân cha con cô xin được tha thứ. Cha cô hỏi tại sao không những không cứu mà còn tông lại người ta đến chết. “Bởi vì đền mấy chục triệu cho một mạng người rẻ hơn phải nuôi họ suốt đời nếu bị tàn tật, nhưng bây giờ em hối hận lắm anh ơi, xin anh và cháu tha thứ cho em, không có đêm nào em ngủ ngon hết, em luôn bị ám ảnh bởi cái chết của chị, nếu cha con anh không tha thứ chắc suốt đời này em không bao giờ được sống thanh thản”, hắn kể lể. Cô tức điên người. Cô muốn lao vào cắn xé hắn ta. Mạng người sao có thể rẻ rúng như vậy. Cô tưởng ba cũng nghĩ như mình, cũng xắn tay áo dần hắn một trận. Nhưng không, ba bình thản bảo hắn về đi, ba không thể tha thứ. Khi hắn đi rồi, ba xoa đầu cô giải thích rằng nếu đánh thì tốt cho hắn quá.

Cô lớn lên từng ngày trong tình yêu thương của ba. Cách ba thương cô vụng về nhưng rất chân thành. Đi cày thuê được người ta mua cho quả trứng lộn ba cất về cho cô. Vào rừng kiếm củi gặp sim chín hay dâu rừng ba hái đầy túi áo vì biết con gái thích ăn. Cô thích quần áo mới, ba dành dụm tiền mua. Cô thích nuôi mèo con, ba đi khắp xóm hỏi xin.

Nhiều lần cô làm ba buồn, nhất là hồi còn bé. Bị cảm cúm không có cháo thịt gà ăn, cô hất luôn cả chén cơm xuống nền nhà vỡ choang. Chén cơm có cá rô đồng kho nghệ vàng thơm phưng phức, là món ngon ba để dành cho cô khi nhà đã hết sạch tiền. Trong chén ba chỉ có cơm chan nước kho. Vậy mà cô nào đâu biết, cứ nhõng nhẽo ương bướng đúng kiểu “con nhà lính tính nhà quan” ưa được nuông chiều. Lần khác, khi đang học tiểu học, cô ăn cắp sách trong thư viện đem về nhà. Cô thích đọc sách mà thư viện lại không cho học sinh mượn. Thế nên nhân lúc không ai để ý cô liền lẻn vào ăn trộm. Tên sách cô vẫn còn nhớ, là “Gió đầu mùa của Thạch Lam”, bìa màu xanh lá, rất cũ. Ba biết được, đánh cho cô một trận thừa sống thiếu chết, ba bảo giấy rách phải giữ lấy lề, sao sống hèn vậy con? Đánh cô xong, ba ngồi đốt thuốc suốt đêm. Nhìn tấm lưng gầy của ba trong đêm, cô biết ông đã buồn nhiều.

Nhưng lần mà cô khiến ba buồn nhất, đau đớn và khổ tâm nhất, chính là cái đêm hôm đó, đêm của 10 năm về trước. Cô thú nhận mình đã có bầu. Một đứa trẻ mười sáu tuổi có bầu, thử hỏi người làm cha làm mẹ nào không đau lòng? Người khác đau một, ba cô đau mười. Ông dằn vặt bản thân vì đã nuôi dạy cô không tốt. Ông nhớ thương người vợ đã khuất và cứ đặt giả thiết giá như, giá như mẹ cô còn sống, giá như... Ông thất vọng vì cha của đứa trẻ trong bụng cô làm nghề cầu đường, nay đây mai đó, ánh mắt không thật, lại còn hơn tuổi cô quá nhiều. Ông muốn cô ở nhà, sinh con xong tiếp tục đi học, ông sẽ nuôi hết, còn cậu ta nếu thực sự yêu thương con gái ông thì hãy ở lại làm rể.

Anh không chịu, anh đi. Cô yêu anh, cô cũng rời bỏ ba mà đi. Ở lứa tuổi còn bồng bột đó, tình yêu quan trọng hơn mọi thứ trên đời. Ba cô đấm mạnh tay xuống bàn, mặt bàn rung bần bật, ly chén trong khay va vào nhau lanh canh.

“Nếu mày chọn thằng đó thì đừng bao giờ nhìn mặt tao nữa, tao không có loại con gái như mày, cút!”

                                 ***

Vậy mà cũng đã mười năm rồi. Mười năm, bao nhiêu chuyện xảy ra. Đứa bé trong bụng cô đã hóa kiếp trong một lần cô sẩy chân trượt ngã. Người đàn ông cô yêu bỏ đi không một lời từ biệt. Cô mòn mỏi kiếm tìm để rồi phát hiện anh đã có vợ con ở quê nhà. Những ngày tháng đau khổ đó, cô mãi mãi không bao giờ quên được. Giống như đứa trẻ khờ dại bị ném ra giữa đời, cô buộc phải nếm mùi đời, đắng cay và tủi khổ. Nhiều lần muốn quay về bên ba, muốn được ba cõng trên lưng như hồi còn thơ bé, nhưng lòng kiêu hãnh không cho phép cô làm như vậy. Một thứ kiêu hãnh ngớ ngẩn!

Lúc đó, còn chút tiền ít ỏi, cô bắt xe lên thành phố. Bán báo dạo, bưng bê cà phê, rửa chén cho quán cơm... cô làm đủ việc để có tiền sống qua ngày. May mắn cho cô gặp được bà chủ trọ tốt bụng, không những lấy tiền phòng rẻ mà còn cho mượn những món đồ cần thiết như nồi điện, bếp ga mini, thau chậu... Nhờ vậy, cô có chỗ để đi về mỗi ngày, an tâm làm việc.

Rồi cô gặp hắn, đồng hương. Cũng là dân tỉnh lẻ nghèo khổ như nhau nên dễ làm bạn, rồi thương, rồi về với nhau. Hai người làm thêm một thời gian ở thành phố, chắt chiu được ít vốn liếng, sau đó thì về quê làm rẫy, nuôi heo nuôi gà. Hắn chịu thương chịu khó, cô cũng vậy. Cuộc sống tuy nhọc nhằn nhưng ăm ắp tình thương. Cách đây hai năm, cô sinh cho hắn một đứa con gái, tên Thóc. Chồng cô hỏi chừng nào mới đưa Thóc về gặp ông ngoại. Cô không biết, thực sự không biết. Đường về nhà ba có mấy chục cây số, chạy xe nhoáng cái là xong, mà sao thấy xa vời vợi.

***

- Ba mày bị ốm nặng lắm á Mận, tao thấy ổng gầy nhom, người xanh như tàu lá. Tao sang mua thúng giùm mày như mọi khi mà lần này chỉ có hai cái rổ nhỏ nhỏ thôi à. Ổng kêu đau ốm không làm được, hẹn bữa sau. Tội nghiệp ổng, nhà cửa thì vắng ngắt, bếp núc nguội lạnh, rồi chả biết ăn uống kiểu gì nữa, hây dà!

Đón lấy hai chiếc rổ từ tay bà Hiền, cô không khỏi bối rối:

- Ba cháu... ba cháu ốm như thế nào ạ? Có cần phải đi viện không hả bác?

- Tao chả biết. Mày muốn thì về mà thăm. Một thân một mình, tội nghiệp!

Bà Hiền chép miệng “tội nghiệp” thêm vài lần nữa thì đi. Suốt đêm đó cô trằn trọc mãi không ngủ được. Sáng ra gà còn chưa gáy, cô đã dựng chồng con dậy bắt thay đồ về thăm ông ngoại. Cái Thóc hỏi bằng giọng ngái ngủ: “Ông nhại thích ăn chẹo hông hả mẹ?”. Chồng cô thì sốt sắng bắt gà, hái rau củ đầy giỏ đem cho ba.

Suốt dọc đường về, cảm xúc trong cô đan xen lẫn lộn, vui có, buồn có, lo lắng có, hồi hộp có, sợ hãi có. Đường về thay đổi nhiều, nhà cửa mọc lên dày hơn, khang trang hơn, duy chỉ căn nhà của ba vẫn giống như xưa. Vẫn hai hàng dâm bụt dẫn từ ngõ vào nhà. Vẫn vuông sân cũ có cây lê ki ma ra trái chín vàng. Vẫn ngôi nhà đơn sơ ít đồ đạc. Dường như ba sợ cô đi lạc nên chẳng thay đổi gì.

Ba cô đang ngồi vót tre bên hiên nhà. Nghe tiếng người, ông ngoảnh lại, bình thản:

- Con về rồi đó à?

- Dạ, con về rồi, ba!

Và cô òa khóc như đứa trẻ.

Nhiên Phượng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lê Brothers và hành trình trở về

“The Return - trở về” là câu chuyện được kể bằng hình ảnh và video vừa được anh em nghệ sĩ song sinh Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải (Le Brothers) giới thiệu đến công chúng vào chiều 8/1 tại không gian nghệ thuật Manzi (số 2 ngõ Hàng Bún, Q. Ba Đình, Hà Nội).

Lê Brothers và hành trình trở về
“Quê nẫu” - Tiếng yêu thương trong hành trình trở về của Đặng Mậu Tựu

Đặng Mậu Tựu, một họa sĩ tràn đầy năng lượng sáng tạo không biết mệt mỏi. Trở về với quê hương bản quán Bình Định, với nơi chôn nhau cắt rốn, ông mang theo cả một gánh hành trang nặng trĩu trái tim mình trong những câu chuyện của sắc màu. Vẫn phong cách tươi tắn sôi nổi, nhiệt huyết yêu thương của một họa sĩ của xứ dừa Tam Quan nhưng lỡ say mê sông Hương núi Ngự, ngỡ rằng đang ẩn mình trong cõi chiêm bao, hóa ra lại trần thế như một hạt bụi nhân gian vô thường vậy.

“Quê nẫu” - Tiếng yêu thương trong hành trình trở về của Đặng Mậu Tựu
Về quê hương, về với yêu thương

“Khi chuyến bay chở tôi, con gái, cùng hơn 200 người hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Phú Bài, lòng tôi vừa hồi hộp, vừa xúc động. Vậy là sau gần một năm tôi mới được về quê với hành trình vô cùng đặc biệt với đủ cung bậc cảm xúc”, thai phụ Nguyễn Khánh Linh tâm sự. Chị Linh mang thai tuần 32, cùng con gái nhỏ 3 tuổi đã trở về quê nhà từ TP. Hồ Chí Minh trên chuyến bay ưu tiên vào đầu tháng 10.

Về quê hương, về với yêu thương
Return to top